Tài tử Mười Phong: Nghề đã chọn mình nên phải thủy chung, gắn bó
Anh Mười Phong tâm sự: “Tôi sinh ra ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tên khai sinh Phan Không Trung (SN 1949), là con thứ 10 trong gia đình. Ba tôi là tài tử thổi tiêu và đàn bầu rất giỏi. 4 anh trai đều biết đàn, hát.
Ngay từ nhỏ tôi đã quen với tiếng đàn lời ca, nhưng tôi không đam mê, mà đến với cây đàn do tính hiếu kỳ. 11 tuổi, thấy anh Tư của mình có cây guitar nhỏ gọn, dễ thương, tôi lấy nghịch chơi, không ngờ đàn được, rồi lén lấy đàn mày mò học một mình. Tôi tập quen dần với những bài bản nhỏ như: Ú liu - ú xáng, Khốc hoàng thiên…; sau đó là bài vọng cổ rồi các bài bản cải lương”.
Tài tử Phan Thanh Phong (Mười Phong, cầm đàn ngồi giữa) và 2 học trò Kim Định (học đàn cổ) và diễn viên Kim Loan (học ca). |
CÁI DUYÊN ĐẾN VỚI NGHỀ ĐÀN Ở CHIẾN TRƯỜNG
Năm 1968, anh Phan Không Trung thoát ly gia đình với bí danh Phan Thanh Phong và cái tên thân mật bạn bè gọi: Mười Phong. Mười Phong lên Khu 8 phục vụ trong ngành Y, là đoàn viên tích cực và sôi nổi bởi anh biết đờn, ca (lúc đó Đoàn Văn công Đồng Tháp mới thành lập).
Năm 1969, anh Mười được rút về Đoàn Văn công, lúc đầu làm diễn viên ca song ca, tốp ca… Anh Mười Phong hồi tưởng: “Sau đó Đoàn Văn công Đồng Tháp chọn lực lượng “gạo cội” phục vụ chiến trường ở Mỹ Tho như: Anh Sơn (đàn cổ), chị Dương Thị Thu Vân, đạo diễn Minh Luân, Lưu Tấn Trực…
Số còn lại tập chương trình để phục vụ tết cho đồng bào Việt kiều nơi biên giới. Do thiếu tay đàn cổ nên tôi vừa tham gia ca song ca, tốp ca, vừa đàn vọng cổ luôn. Tôi không thể quên cảnh bà con Việt kiều tối xem đoàn diễn, sáng giả đi làm đồng rồi mang quà tết, gánh bánh tét, thịt heo… vào cho anh em trong đoàn.
Nhiều đêm diễn dưới pháo sáng và tiếng gầm rú của bom đạn nhưng ai cũng ca, diễn hết mình. Năm 1972, đoàn tập trung lực lượng phục vụ chiến trường (chỉ còn vài người lớn tuổi ở lại giữ kho), nhiều lần vượt qua lộ 4 đầy nguy hiểm nên anh em rất đỗi thương nhau, chia nhau từng miếng bánh, điếu thuốc…”.
Anh Mười Phong nhìn xa xăm như nén cảm xúc rồi kể tiếp: “Đối với tôi, có lẽ nghề chọn mình, vì tôi chưa bao giờ nghĩ mình tự học đàn để gắn bó với nghề, nhưng lúc ấy anh Sơn bị địch bắt, không ai biết đàn cổ ngoài tôi.
Chính vì vậy mà tôi phải tự luyện ngón đàn và tự học thêm nhiều bài bản mới để trở thành tay guitar cổ cho đoàn. Sau đó tôi may mắn được lãnh đạo đoàn đưa lên R học lớp văn hóa - văn nghệ do Trung ương cục mở. Thần tượng của tôi là danh cầm Văn Vĩ, nên ngón đàn ít nhiều mang “hơi hướm” của ông…”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, qua bao thăng trầm của cuộc sống, anh Mười Phong vẫn gắn bó với cây đàn và có gần 12 năm làm Đội trưởng Đội Cải lương của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang.
“KIẾP TẰM THÌ PHẢI NHẢ TƠ”
Khi còn công tác ở Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang, anh Mười có một số học trò đến xin học đàn, học ca. Anh hướng dẫn rất nhiều lớp đờn ca tài tử do Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Tiền Giang mở. Anh còn phối hợp với cố nghệ nhân Minh Tô mở lớp “ca tài tử - cải lương” ở Trung tâm VHTT tỉnh.
Gần 2 năm nay, anh tổ chức tụ điểm giao lưu đờn ca tài tử Thu Hiền (khu phố 6, phường 9, TP. Mỹ Tho), sinh hoạt vào tối thứ tư và tối chủ nhật hàng tuần. Tụ điểm của anh đa phần là dân có nghề đến chơi. Dàn đờn lúc nào cũng có cây guitar và cây sến. 5 năm nay, anh có 30 học trò đến học ca và học đàn.
Anh chia sẻ: “Hồi dạy ở Trung tâm VHTT và các lớp ở Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh buộc anh phải soạn giáo án và lên lớp có quy định giờ giấc. Còn hiện tại, người đến học rất đa dạng: diễn viên không chuyên, tài xế, tiểu thương, cán bộ, công chức…, ai rảnh giờ nào đến học giờ nấy; có người chỉ học ca vọng cổ và vài bài lý để hát giao lưu, có người đã biết hát những bài bản nhỏ, đến học thêm những bài bản tổ, bài tài tử lớn…
Những người học đàn cũng vậy, nên anh truyền nghề theo cách “cầm tay chỉ việc”. Một số học trò cũ của anh đã theo nhạc lễ hoặc đàn cho các tụ điểm ở TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, các anh chị em đến học để biết chơi đàn cho vui chứ không xác định theo nghề, song anh vẫn truyền nghề bằng cả tấm lòng và tất cả những gì anh đã biết, với mong muốn góp phần lưu giữ dòng âm nhạc này”.
Có lúc thấy nghề mình quá bạc bẽo, anh Mười cất tất cả đàn vào tủ, nhưng mỗi khi nghe đâu đó vọng lại tiếng đàn là lòng anh rưng rứt, anh nghĩ: Đã là “kiếp tằm thì phải nhả tơ”, thế là lại ôm đàn nắn nót và đến tận bây giờ anh vẫn phải học. Học để theo nghề thì học cả đời vẫn chưa hết - anh tâm sự.
Hơn nửa đời người với nghiệp “cầm ca”, tài sản lớn nhất của tài tử Mười Phong là vốn kiến thức về tài tử và cải lương mà anh đã tự học cùng với tình cảm của bạn bè mộ điệu gần xa. Nhiều người mời anh cùng đi show nhạc lễ (làm nghề này có thu nhập khá tốt), nhưng anh từ chối. Có thể nói, anh đã sống đúng nghĩa một tài tử “thích thì chơi hết mình, không thì bạc nén cũng chẳng màng”.
NGỌC LỆ