Thứ Sáu, 13/02/2015, 08:07 (GMT+7)
.

Thư pháp - nét văn hóa gắn liền với ngày xuân

Không phải bây giờ mà từ xa xưa ông cha ta đã quý trọng những giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật của chữ viết. Điều này được thể hiện qua câu “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”. Ngày nay, thú chơi chữ, hay nói cách khác là chơi thư pháp không ngừng phát triển qua các năm và đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu mỗi  dịp tết đến xuân về...

Trưng bày thư pháp tại Lễ hội Kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút  năm 2015.
Trưng bày thư pháp tại Lễ hội Kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 2015.

Cứ mỗi độ xuân về là gợi nhớ bài thơ “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua…”. Nghệ thuật viết thư pháp đã trở thành nét văn hóa cổ truyền của dân tộc từ xưa đến nay.

Hòa trong không khí rộn ràng sắc xuân của những ngày giáp tết, những “người muôn năm cũ” này trải chiếu hoa, áo dài khăn đóng đến các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, các khu du lịch, phố hoa, chợ hoa để viết câu đối Tết cho mọi người. Nét văn hóa này đã góp phần làm cho các hoạt động sinh hoạt ngày Tết thêm nhộn nhịp.

Theo nhiều người dân, nhất là những người có tâm hồn nghệ thuật cho rằng, thường người ta dùng thư pháp để thể hiện những giá trị đẹp đẽ, chân thật, cao quý, chẳng hạn như: chữ Tâm, Nhẫn, Trí, Đạo, Hiếu…; những câu đối, châm ngôn, ca dao, tục ngữ; những câu văn hay, bài thơ trác tuyệt của những người nổi tiếng…

Cũng vì thế mà thư pháp được xem là một thú vui tao nhã, một nghệ thuật tôn quý. Ngôi nhà hoặc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có treo bức thư pháp cũng phần nào thể hiện nhân cách sống, tinh thần kẻ sĩ, tiêu chí kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp.

Qua tìm hiểu, được biết, để có được một bức thư pháp mà khi người thưởng lãm nhìn vào từng chữ như phượng múa rồng bay với những nét thăng giáng bay bổng, khi ẩn hiện đục trong, bút lực phóng khoáng đạt độ trong mà không thấy vắng, đục mà không thấy nặng nề… là một điều không dễ dàng. Nó là cả một quá trình rèn luyện gian khổ, dài lâu.

Bên cạnh sự khổ luyện tay nghề, các nghệ nhân thư pháp còn phải “tu tâm”, nhọc công trui rèn phong thái, nhân cách mới có chút thành tựu được. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thú chơi tao nhã này đôi khi cũng bị thương mại hóa, song nó vẫn giữ được điều căn bản của sự tao nhã, phong thái tịnh tâm.

Theo nghệ nhân thư pháp Nguyễn Ngọc Thiện, chỉ có tâm tịnh, tấm lòng trong sáng thì khi ấy mới có sự hài hòa về nhân cách và tài năng tạo nên sự hội tụ của tâm - ý - khí - lực thì dụng bút “xuất thần”, khi đó mọi sự tác động bên ngoài đều không ảnh hưởng đến tâm thái người dụng bút.

Một bức thư pháp đúng nghĩa phải đẹp về bố cục, có ý nghĩa hay về nội dung, bút lực dồi dào của sự tôi luyện và có hồn của nhân cách. Có một bức tranh như thế sẽ làm con người và không gian thêm thanh tao, trang trọng…

Điều đặc biệt tạo nên vẻ đẹp của việc cho chữ và xin chữ ấy chính là cảnh người viết và người cho đều chăm chú, say mê theo từng nét bút rồng bay phượng múa. Đối với nghệ nhân thư pháp thì không có niềm vui nào bằng niềm vui nhìn thấy người thưởng lãm cảm và đọc được cảm xúc của người sáng tác nên tác phẩm.

Theo một doanh nghiệp tại TP. Mỹ Tho, ngày nay tranh thư pháp ngày càng phổ biến, không chỉ vào những dịp lễ hội, tết cổ truyền dân tộc mà ngày thường cũng có nhiều người mua biếu tặng trong những dịp khai trương, tân gia, mừng thọ… nhằm đem lại sự may mắn. Tuy nhiên, tết vẫn là dịp người ta sử dụng loại hình nghệ thuật này nhiều hơn cả.

Vào những ngày giáp Tết âm lịch, năm nào cũng vậy, người dân lại nô nức đến xin chữ các ông Đồ, dần dần trở thành một nét văn hóa không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Xin chữ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa của Việt Nam, thể hiện sự trọng chữ nghĩa và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

Tùy theo đối tượng, ngành nghề mà xin những chữ khác nhau. Chẳng hạn, đa phần những người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn. Người kinh doanh thì xin chữ Lộc, chữ Tín. Người đi làm xin chữ Danh. Gia đình thường xin chữ Hiếu, Phúc, Lộc, Thọ, Tâm...

Ngày nay, đối tượng xin chữ đã được nhân rộng ra rất nhiều, trong đó giới trẻ là đông hơn cả. Nhờ vậy, đã góp phần “hâm nóng” thêm một nét nhân văn trong văn hóa Việt tưởng như đã một thời bị phai nhạt.

Ngày xuân, trăm hoa đua nở, đất trời giao hòa thanh khí thơm tho và nhà nhà, người người nô nức đón xuân. Bên cạnh bánh tét, bánh chưng, mâm ngũ quả, trà nước… và có thêm câu đối đỏ với nét chữ thư pháp thì mùa xuân sẽ ý nghĩa và đượm hồn dân tộc hơn…

Có thể nói, bên cạnh những hoạt động thương mại đang rất nhộn nhịp trong những ngày giáp Tết, hình ảnh ông Đồ là một nét văn hóa không chỉ làm tôn thêm các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn có một ý nghĩa rất lớn giúp lớp trẻ hiểu và cảm nhận những giá trị của ngày tết cổ truyền dân tộc trong thời hội nhập.

HOÀI THU

.
.
.