Giữ gìn nếp nhà đầm ấm
Những năm qua, phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa” ở huyện Cai Lậy đã nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Qua phong trào, xuất hiện nhiều gia đình gương mẫu ở cộng đồng dân cư, củng cố và duy trì các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Ở ấp 2, xã Thạnh Lộc, gia đình ông Trần Văn Vịnh là điển hình gia đình văn hóa và gia đình hiếu học, được nhiều người khen ngợi. Cả đời gắn bó với ruộng đồng, đem sức lao động để chăm lo cuộc sống nên bài học về sự cần cù luôn được ông đem ra răn dạy con cháu.
Hội thi nấu ăn - một hoạt động được tổ chức hàng năm để các gia đình ở huyện Cai Lậy chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. |
Xã Thạnh Lộc là vùng ngập lũ của huyện Cai Lậy, mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa nhưng giá cả bấp bênh, sâu bệnh khiến mùa màng thất bát, vợ chồng ông luôn mong ước các con sẽ thoát cảnh chân lấm tay bùn. Thấu hiểu tấm lòng cha mẹ, suốt 12 năm đi học, 4 người con luôn mang về thành tích học tập nổi bật. Thời điểm gian khó nhất của gia đình là khi các con lần lượt vào đại học.
Cùng lúc lo cho 4 người con ăn học không phải dễ với một gia đình nông dân ở vùng sâu, nhưng chưa bao giờ ông và vợ nản lòng. Hết vụ lúa, vợ chồng ông chuyển sang luân canh cây màu để tăng thu nhập. Những khó khăn, thiếu thốn giúp các con ông biết yêu quý, trân trọng những gì mình có được và tình yêu thương của bậc sinh thành là động lực để phấn đấu, thành đạt.
Những dịp gia đình sum họp, ông Vịnh thường nhắc nhở các con duy trì nền nếp và tinh thần hiếu học của gia đình. Ông cho biết:
“Vì điều kiện công việc, hiện nay các con tôi đều sống xa nhà, nhưng dịp lễ, tết hay cuối tuần, gia đình đều có những ngày sum họp. Khi hoàn cảnh còn khó khăn, tôi dạy các con phải hiếu thuận, đùm bọc nhau, chung tay chia sẻ công việc với ba mẹ và cố gắng học hành. Bây giờ, vợ chồng tôi đã có thể yên tâm khi các con có việc làm ổn định, hiếu thảo với cha mẹ, biết quý trọng, yêu thương nhau!”.
Cùng với giá trị tinh thần tốt đẹp, các gia đình văn hóa còn quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục các con kính trọng ông bà, cha mẹ. Là một gia đình trẻ, anh Trương Văn Nhân và chị Nguyễn Thị Minh Thư (ngụ ấp 15, xã Long Trung) luôn ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Anh chị luôn sắp xếp thời gian chia sẻ với nhau công việc nhà, chăm sóc vườn, nuôi dạy con cái, hiếu kính với cha mẹ hai bên. Đặc biệt, gia đình anh Nhân luôn duy trì bữa cơm sum họp với đầy đủ các thành viên trong gia đình. Anh Nhân cho biết: “Gia đình nào cũng vậy, hạnh phúc phải được vun đắp từ hai phía. Quan trọng nhất là vợ chồng phải đồng cảm, tôn trọng, yêu thương và cùng nuôi dạy, giáo dục các con”.
“Gia đình là tế bào của xã hội”, từ phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” càng có thêm nhiều “tế bào” lành mạnh để xã hội phát triển bền vững. Năm 2014, huyện Cai Lậy đã bình chọn 46.311 gia đình văn hóa, đạt 96,01% số hộ đăng ký. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu, tấm gương “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” là nhân tố điển hình để biểu dương, nhân rộng.
Các thành viên trong gia đình văn hóa không chỉ sống có trách nhiệm với nhau, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó với cộng đồng. Đây còn là những gương sáng về phát triển kinh tế gia đình, gương mẫu chấp hành đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.
Từ nền tảng gia đình văn hóa, ngày càng có thêm những khu dân cư ổn định về an ninh chính trị, phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần xây dựng địa phương ngày càng văn minh, tiến bộ.
QUẾ NGÂN