Homestay góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Trong những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển du lịch trong vùng và cả nước, Tiền Giang đã tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của địa phương, tạo nhiều điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến Tiền Giang ngày càng tăng.
Đây là tín hiệu vui cho du lịch Tiền Giang trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Bởi xu hướng đi du lịch gần đây của du khách (nhất là đối với khách quốc tế) thường thích tìm về với môi trường tự nhiên, tìm hiểu bản sắc văn hóa bản địa và hòa mình vào cuộc sống cộng đồng. Với khí hậu mát mẻ, trong lành rất đặc trưng của vùng ĐBSCL có thể nói đây là nơi lý tưởng thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.
Nhà cổ ông Kiệt ở huyện Cái Bè (Homestay). |
Lượng khách du lịch đến Tiền Giang đã tăng nhanh qua từng năm. Nếu năm 2005 Tiền Giang đón 518.100 lượt khách, trong đó có 318.500 khách quốc tế, thì đến năm 2014 đã đón được 1.414.000 lượt khách, trong đó có 615.000 lượt khách quốc tế và dự kiến năm 2015 Tiền Giang sẽ đón khoảng 1.500.000 lượt khách, trong đó có 660.000 khách quốc tế.
Phần lớn du khách thích đến các điểm du lịch gần gũi với môi trường thiên nhiên, bản sắc văn hóa địa phương. Chính vì vậy, ngành Du lịch ngoài việc đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch tập trung, có quy mô tương đối lớn như Khu du lịch biển Tân Thành, Khu du lịch Thới Sơn, Khu du lịch Cái Bè, còn mở nhiều điểm du lịch phát triển ở các vùng nông thôn như ở xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành), xã Ngũ Hiệp, xã Tân Phong (huyện Cai Lậy)…
Những nơi đây, người dân thân thiện, mến khách gắn với sông nước miền quê, làng nghề truyền thống, cùng các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương để khai thác các dịch vụ phục vụ du lịch. Đặc biệt, với dịch vụ cho khách du lịch nghỉ đêm ở nhà dân (còn gọi là Homestay), cùng với cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái đặc sản của Tiền Giang đang có sức hút mạnh đối với khách du lịch quốc tế có nhu cầu tham quan, trải nghiệm và hòa nhập để tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng Nam bộ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 12 hộ dân có phòng cho khách du lịch nghỉ đêm tại nhà, tập trung ở các huyện Cái Bè, Châu Thành, Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho, đang khai thác phục vụ nhu cầu của du khách. Homestay là dịch vụ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội, bảo đảm các yếu tố về phát triển bền vững, thân thiện với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao dân trí và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, giao thoa giữa các nền văn hóa.
Đến với dịch vụ Homestay, khách du lịch được xem như là một thành viên trong gia đình, sẽ được nghỉ ngơi và sinh hoạt cùng với gia đình người dân ở địa phương, được trải nghiệm cuộc sống cùng với các giá trị, bản sắc văn hóa bản địa. Homestay có các dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, tham quan, trải nghiệm, giải trí, mua sắm hàng lưu niệm… đáp ứng nhu cầu của du khách trong chuyến tham quan, du lịch.
Du khách tham quan bằng xe đạp. |
Để tham gia dịch vụ Homestay, trong thời gian qua các hộ dân đã chỉnh trang lại nhà cửa, cải tạo vườn cây ăn trái để bảo vệ cảnh quan và vệ sinh môi trường xung quanh; tổ chức các hoạt động cho khách cùng tham gia như: cách trồng trọt, đánh bắt cá, làm bánh, nấu các món ăn dân dã, hoạt động giao lưu văn hóa… làm du khách thích thú khi được trực tiếp tham gia, trải nghiệm các nếp sinh hoạt truyền thống của cộng đồng địa phương; kết hợp việc hướng dẫn du khách tham quan cảnh quan sông nước, miệt vườn, các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương để làm phong phú chuyến đi.
Nhà nước cũng đã hỗ trợ trong việc tiếp thị và định hướng thị trường khách du lịch, giúp các hộ dân có nguồn khách lâu dài và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, kỹ năng phục vụ để giúp nâng cao chất lượng dịch vụ; hướng dẫn các hộ dân thực hiện những quy định trong hoạt động Homestay nhằm bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối cho khách du lịch. Từ đó tạo tâm lý an toàn, thân thiện trong hành trình trải nghiệm của du khách; đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm thu hút khách du lịch đến Tiền Giang.
TẤN PHONG