Tân Phước: Xây dựng gia đình gắn với phong trào TDĐKXDĐSVH
Ngày 21-2-2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) ban hành Chỉ thị 49-CT/TW về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Qua 10 năm triển khai thực hiện, công tác gia đình trên địa bàn huyện Tân Phước có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều nét đẹp văn hóa được nhân rộng, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó bền chặt, nhiều gia đình đã khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn…
Ý thức được tầm quan trọng của công tác gia đình, nhất là từ khi có Chỉ thị 49/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác gia đình được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Phòng VH-TT huyện là cơ quan tham mưu cho UBND huyện quản lý Nhà nước về công tác gia đình.
Từ năm 2008 đến nay, Phòng VH-TT huyện đã phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Pháp lệnh Dân số; các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và địa phương về công tác gia đình thông qua các hình thức như:
Tổ chức hội nghị triển khai, học tập; tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, tọa đàm và xây dựng được nhiều mô hình về công tác gia đình với nhiều nội dung sinh hoạt phong phú như: CLB “Gia đình phát triển bền vững”, CLB “Phòng, chống bạo lực gia đình”, CLB “Phòng, chống tình trạng tiêu cực phụ nữ kết hôn với người nước ngoài”…
Huyện Tân Phước còn chú trọng phát triển các phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Dòng họ hiếu học”, “Gia đình hiếu học”, đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình… có tác động tích cực đến việc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Việc giáo dục nền nếp, truyền thống gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ… được quan tâm. Nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều tiến bộ, tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, góp phần củng cố và gắn kết tình làng nghĩa xóm, xây dựng cộng đồng, khu dân cư văn hóa. Các mâu thuẫn trong nhân dân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát hiện và hòa giải kịp thời, nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện được giải quyết ngay từ cơ sở…
Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền, Quyền Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nếu như năm 2005 có 10.702 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 85,78% tổng số hộ, thì năm 2014 có 14.231 hộ đạt danh hiệu này, chiếm tỷ lệ 96,49% tổng số hộ; trong đó đã có 213 gia đình văn hóa tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng (cấp huyện là 168 gia đình, cấp tỉnh 42 gia đình và cấp Trung ương 3 gia đình).
Mặt khác, nhiều giá trị văn hóa truyền thống không chỉ được giữ gìn, bảo lưu trong đời sống xã hội, mà còn là cơ sở, nền tảng tạo nên các giá trị văn hóa mới phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
THU LÂM