Chị Lê Huân đam mê nghệ thuật thư pháp
Đầu xuân, viếng Tịnh xá Ngọc Huệ (phường 2, TX. Cai Lậy), đập vào mắt chúng tôi là những dòng thư pháp sắc nét, bay bổng, được trang trí trong toàn bộ khuôn viên tịnh xá. Rất nhiều người chiêm ngưỡng và hỏi thăm. Một nhà sư cho biết, đó là bút tích của phật tử Huệ Quang (Lê Huân), đã bỏ công trang trí toàn bộ, từ ngoài sân cho đến khu chánh điện của tịnh xá.
Chị Lê Huân trang trí tranh tường cho Trường Mẫu giáo xã Long Tiên. |
Qua tìm hiểu, được biết chị là người con thứ ba trong một gia đình đông anh em. Tên khai sinh của chị là Phan Thị Kim Thoa (sinh năm 1961, hiện ngụ phường 1, TX. Cai Lậy), bút hiệu Lê Huân. Chị tâm sự: “Do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên chị phải sớm ngừng việc “đèn sách” để làm tất cả mọi công việc theo khả năng của mình, phụ với ba má và chị Hai lo cho đàn em thơ dại.
Những năm 1978 - 1979, hàng ngày chị gánh cả trăm đôi nước, kiếm từng đồng lẻ để phụ ba má lo cho gần chục đứa em. Đôi vai gầy, chai sần và mọi ước mơ tưởng chừng như tắt lịm. Mặc cảm với cái nghèo, đôi lúc nước mắt chị rơi theo bước chân oằn lên đôi thùng nước. Ngày ngày, đi ngang qua tiệm vẽ bảng hiệu Ngọc Long, đêm đêm trăn trở và chị đã quyết định đến xin học vẽ “thí công” ở tiệm Ngọc Long (thị trấn Cai Lậy)…”.
Sau 1 năm miệt mài học nghề, năm 1987 chị Thoa ra nghề vẽ bảng hiệu với thương hiệu Lê Huân. Vốn có năng khiếu mỹ thuật nên chị có nhiều sáng tạo, chẳng bao lâu “thương hiệu Lê Huân” trở thành quen thuộc với nhiều khách hàng xa gần. Chị còn tranh thủ tiếp tục “đèn sách” và đã tốt nghiệp THPT.
Có một thời gian chị làm quản lý thiết bị cho Trường Mẫu giáo 3-2 (thị trấn Cai Lậy) và đã hỗ trợ cho giáo viên của trường làm đồ dùng dạy học bằng những phế phẩm. Qua những sáng tạo của chị, 5 năm liền đồ dùng dạy học của trường đạt giải A cấp huyện và đạt 2 giải A cấp Trung ương.
Ngoài việc in ấn quảng cáo, vẽ bảng hiệu, chị Thoa còn tự học thêm nghề vẽ áo dài và sáng tạo ra cây viết vẽ có ống mực vẽ thẳng lên nền vải. Vào những năm 2009, chị đã có trên 40 học trò đến “thọ giáo” vẽ áo dài.
Một số trường mẫu giáo ở TX. Cai Lậy, huyện Cái Bè đã nhờ chị vẽ tranh trang trí tường cổng rào, tường lớp học. Cứ mỗi mùa Trung thu chị vẽ lồng đèn từ thiện cho một số chùa để làm quà tặng cho trẻ em nghèo và trang trí miễn phí cho nhiều chùa.
Một lần đến TP. Mỹ Tho, nghe Trung tâm VHTT tỉnh có mở lớp thư pháp, chị tìm đến học thầy Minh Đức. Sau đó lên TP. Hồ Chí Minh đăng ký học khóa thư pháp tại Nhà Văn hóa Thanh niên, được cấp giấy chứng nhận về thành tích học tập xuất sắc.
Chị lại tiếp tục tầm thầy “thọ giáo” tài năng sư phạm để làm thầy dạy thư pháp (học thầy Hoa Nghiêm ở quận Phú Nhuận) và thường xuyên gặp gỡ trao đổi nghề nghiệp với các nhà thư pháp nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh như: Quang Lĩnh, Hoa Nghiêm, Minh Hoàng…
Năm 2014 - 2015, chị mạnh dạn mở quầy thư pháp ở Đường hoa Hùng Vương, mọi người đến “xin chữ” đầu năm khá đông, có nhiều người xin theo học viết thư pháp. Mới hơn 2 năm vào nghề mà chị đã có gần 60 học trò, dạy theo nhóm. Học trò của chị gồm nhiều thành phần công chức, sinh viên, nhà sư…
Chị Lê Huân chia sẻ: “Tôi rất thích dạy thư pháp, vì khi đến với thư pháp giúp tâm hồn mình nhẹ nhõm, bay bổng cùng với những nét chữ, được trải nghiệm chiều sâu của nét chữ, gởi gắm vào đó tình cảm… Và chị mong ước mở được một phòng triển lãm thư pháp cho riêng mình để thỏa mãn niềm đam mê và giới thiệu nghệ thuật tao nhã này đến gần với công chúng”.
ÁI QUỲNH