Thứ Ba, 14/04/2015, 09:10 (GMT+7)
.

Gia đình ông Hai Bóng (Huỳnh Lĩnh Đặng) 5 đời làm nghề bóng rỗi

Cố nghệ nhân Huỳnh Lĩnh Đặng (1920 - 2008) ở ấp Bình Thọ Thượng, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo nổi tiếng với tài múa bóng rỗi. Gia đình ông có 5 đời theo nghề: Ông nội, ba ông (Huỳnh Văn Ân, ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây), đời ông, các con và cháu ngoại.

Cô Huỳnh Thị Bé (70 tuổi), con gái thứ 2 của ông Huỳnh Lĩnh Đặng đang hát rỗi.
Cô Huỳnh Thị Bé (70 tuổi), con gái thứ 2 của ông Huỳnh Lĩnh Đặng đang hát rỗi.

Chúng tôi tìm đến một ngôi nhà tường cũ kỹ, lát gạch bông, nhìn ra kinh Chợ Gạo. Cạnh nhà là cái am nhỏ nghi ngút khói hương (có lẽ để thờ cúng binh gia, tổ nghiệp). Trước sân là ngôi nhà mồ có ngôi mộ của ông Hai Bóng (Huỳnh Lĩnh Đặng). Vợ ông là bà Phan Thị Dần đã 90 tuổi, có gương mặt phúc hậu, đẹp lão với búi tóc sau gáy.

Nghe nhắc đến chuyện múa bóng rỗi, bà mỉm cười tự hào: “Ổng với mấy đứa nhỏ đi thi trên tỉnh đều đoạt giải thưởng”. Đó là năm 2007. Tôi không quên nghệ nhân già nhất hội thi (của huyện Chợ Gạo) ngồi cạnh người con gái thứ hai là chị Huỳnh Thị Bé tóc cũng đã bạc, thế nhưng ông rất lanh lẹ và khéo léo xếp giấy cắt hình tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng) để thi dán mâm vàng.

Tối hôm ấy dù mệt, ông vẫn ngồi xem các con: Huỳnh Thị Bé hát rỗi, Huỳnh Thị Nữ múa mâm vàng, con trai Huỳnh Văn Bảy cũng múa thi cho đơn vị huyện Châu Thành, con gái thứ sáu diễn địa nàng (gánh nước tưới huê) cho huyện Gò Công Đông. Tất cả các con của ông đã mang về cho đơn vị mình phần thưởng xứng đáng và ông cũng toại nguyện, tự hào về cái nghề mấy đời mà dòng họ ông cha truyền, con nối.

Bà Hai phân bua: “Hổng nói giấu gì cô, hồi nẵm Nhà nước cấm, nhưng bà con năn nỉ mời đi cúng, không đi không được, nên có lần cha con ổng bị mời về huyện làm việc. Buồn nhất là lần cúng ở xã Tân Thới bị tịch thu hết đồ nghề, trong khi nhà lại nghèo.

Rồi bà say sưa kể: “Bác về với bác trai năm 18 tuổi, lúc ấy quê chồng ở xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây). Nghề này do ông nội chồng của bác truyền lại. Ông già sắp nhỏ (ông Hai Bóng) giỏi lắm, ổng rỗi giọng sang sảng, múa mâm vàng, múa bêu, múa khạp, múa xe đạp, múa dao, múa lông công… đều hay.

Ông nội tụi nhỏ truyền dạy, rồi ổng (ông Hai Bóng) tự học thêm. Mỗi lần đi cúng là bà con xem rất đông, vỗ tay khen dữ lắm. Ổng diễn địa nàng cùng người em gái là Huỳnh Thị Phan nổi tiếng khắp nơi. Cô Phan mất, ổng làm địa với con gái thứ hai là Huỳnh Thị Bé (nay đã 70 tuổi). 15 tuổi Bé đã biết hát rỗi, đánh trống, làm nàng (diễn với địa).

Trong 6 người con có 3 người theo nghề: Người thứ hai (Huỳnh Thị Bé), người thứ bảy (Huỳnh Văn Bảy) và người thứ mười (Huỳnh Thị Nữ) với mấy đứa con dòng lớn của ổng ở Gò Công, ở Cần Giờ cũng theo nghề. Bây giờ có 2 đứa cháu gái (cháu nội và cháu ngoại) cũng biết múa mâm vàng nhưng chưa giỏi bằng cô Mười (Huỳnh Thị Nữ) của nó”.

Cô Huỳnh Thị Nữ (47 tuổi), con gái út của ông Huỳnh Lĩnh Đặng múa mâm vàng.
Cô Huỳnh Thị Nữ (47 tuổi), con gái út của ông Huỳnh Lĩnh Đặng múa mâm vàng.

Rồi bà kể tiếp: “Hồi đó, chiều là tụi nhỏ gom lại để ổng dạy gõ trống, hát rỗi; dạy múa mâm, múa bát bông. Phải tập khản cổ mới biết rỗi. Tập cả tháng trời mới rành gõ trống. Tập múa bát bông, múa mâm vàng thì bể không biết bao nhiêu chén, rớt móp mâm, tập lâu lắm mới múa hay được.

Bác về với ổng, ổng tập cho đánh trống, hát rỗi, múa mâm, nhưng tới lúc có con thì bận bịu không thể học múa được. Còn tụi nhỏ thì học chưa đến nơi đến chốn do nhiều năm bị cấm, hễ dạy thì phải gõ trống om sòm sẽ bị mời lên xã.

Vả lại, nghèo quá, con cháu tìm phương làm ăn, tới lúc Nhà nước cho làm lại thì ổng không còn sức để truyền lại cho con cháu. Ổng còn để lại các bài rỗi, bài địa, nhưng chỉ có lời, không học bộ thì không diễn được. Làm nghề này chẳng thể làm giàu. Hồi ổng còn sống, ổng với mấy đứa con đi cúng thì tôi phải chạy chợ bán rau cải kiếm sống”.

Ông Hai Bóng còn có 1 đệ tử là Mười Út ở xã Tân Hương, huyện Châu Thành biết múa bát bông, múa mâm vàng, múa bêu. Chị Huỳnh Thị Nữ (thường gọi Mười lớn) cho biết: Ngày xưa chị học múa mâm rất cực, đi sai là bị rầy, tập xong buông mâm xuống toàn thân đau nhức.

Năm 2007 chị tham dự hội thi cấp tỉnh đoạt giải Ba, sau đó chị đảm nhận tiết mục múa chính, múa mâm vàng cho xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo trong Hội thi văn nghệ xã, phường văn hóa của tỉnh đoạt giải Xuất sắc. Bây giờ chị vẫn đi múa cúng miễu, mùa cúng rộ vào tháng giêng, hai, ba. Chị thường đi với người chị cùng cha khác mẹ ở huyện Gò Công Đông.

Khi hỏi về ông Huỳnh Lĩnh Đặng (ông Hai Bóng), những người cao niên ở xã Bình Phan, thị trấn Chợ Gạo… đều thán phục tài nghệ của ông, họ bảo: “Cả nhà ông Hai Bóng đi cúng vì cái nghiệp của gia đình, chứ ông bà và con cháu không dựa hơi đồng bóng mà lừa đảo bà con. Hồi còn trẻ ông Hai Bóng múa rất hay, các con ông bây giờ không sánh với ổng được”.

Những người con của ông đều chung niềm tự hào: “Ông già ngày xưa giỏi lắm, xem ổng múa hoài không biết chán. Tiếc rằng vì hoàn cảnh mà chúng tôi không được học nhiều ở cha mình…”.

Cắt, dán một mâm vàng đầy công phu nhưng chi phí chỉ 100 ngàn đồng. Còn đi cúng, có nơi rất xa, một chập cúng phải 3 - 4 tiếng đồng hồ mà tiền bồi dưỡng chẳng bao nhiêu, nhưng cái nghiệp ông cha để lại thì con cháu phải tiếp tục. Nỗi lo lớn nhất của họ là bộ môn nghệ thuật diễn xướng dân gian đã dần mai một.

ÁI QUỲNH

.
.
.