Thứ Hai, 27/04/2015, 15:21 (GMT+7)
.

"Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba"

Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn mang tầm vóc Quốc gia ở nước ta, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng - những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Quang cảnh trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. 							     ẢNH: TƯ LIỆU
Quang cảnh trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. ẢNH: Tư Liệu

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười           

                         tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà               

                        ngàn năm”.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Ngọc phả nói rằng, đời vua thứ sáu là Hùng Huy Vương cầu được Thánh Gióng là tướng nhà trời xuống giúp đánh đuổi giặc Ân. Để tạ ơn trời, nhà vua đã dựng miếu thờ trên đỉnh núi, sau này phiên ra chữ Hán gọi là Kính Thiên lĩnh điện, tức là Đền Thượng.

Như vậy là hơn 3.000 năm trước, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh đã xuất hiện ngôi miếu thờ do Vua Hùng thứ sáu lập nên - một địa chỉ tín ngưỡng cổ nhất Việt Nam. Tại ngôi đền cổ này còn có những dấu tích linh thiêng khác, đó là: Mộ Vua Hùng thứ sáu ở sườn núi phía Đông, năm 1874 được nâng cấp thành lăng.

Tiếp đó là chỗ nghỉ ngơi của các vua Hùng khi lên làm lễ điện Kính Thiên và bàn việc cơ mật với Lạc Hầu, Lạc Tướng, nay được gọi là Đền Trung. Bãi bằng trước Đền Hạ, theo truyền thuyết là nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở thành trăm con. Cuối cùng là giếng Ngọc, nước mát trong tại chân núi phía Đông - Nam, 2 công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa theo cha lên núi thường rửa mặt, chít khăn ở giếng này; thời Hậu Lê làm đền trùm lên giếng để thờ…

Từ xa xưa, lễ hội Đền Hùng đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, viết rằng:

“...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”. Như vậy, có thể hiểu, từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch.

Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ lập năm Bảo Đại thứ 15 (năm 1940), cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận:

“Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng mười tháng ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước 22/SL-CTN ngày 18-2-1946, cho phép công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cùng nhau đoàn kết đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng. Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Đến năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Năm 2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động, cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Kể từ đây, ngày 10-3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày nay, vào ngày Giổ Tổ Hùng Vương, khắp mọi miền Bắc - Trung - Nam đều tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương thật trang trọng, thành kính để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng. Đặc biệt, vào dịp chính giỗ, tại Đền Hùng, hàng vạn con, cháu khắp bốn phương tề tựu để dâng lên Đức Tổ những tấm lòng thơm thảo nhất.

HỒNG LÊ

.
.
.