Thư viện Tiền Giang với sách và bạn đọc
“Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm” - Cao Bá Quát đã từng nói như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì dạy rằng: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù chữ lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần đọc để nâng cao trình độ… Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc…”.
Các em học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đến Thư viện tỉnh mượn sách học theo nhóm. |
Chúng tôi đến phòng đọc của Thư viện tỉnh đã hơn 10 giờ trưa, thấy vẫn còn bạn đọc, mỗi người một góc, đa phần là cán bộ nghỉ hưu đến đọc tại chỗ. Thầy Lý Ngọc Hùng (SN 1953), ngụ phường 7, TP. Mỹ Tho, giáo viên nghỉ hưu đã chia sẻ: “Mỗi sáng đi bộ dọc bờ hồ xong, tôi ghé qua thư viện để đọc sách, đã thành thói quen trong tôi nhiều năm nay. Ngày nào không đọc tôi cảm thấy mình bị thiếu cái gì đó. Ở nhà tôi cũng có một tủ sách riêng, có giá trị về văn học của các tác giả lớn ở Việt Nam, nước ngoài. Những lúc đi TP. Hồ Chí Minh, tôi thường tranh thủ ghé mua sách…”.
Hiện tại, trong giới trẻ vẫn còn nhiều “mọt sách”, bởi dịch vụ mua bán sách qua mạng vẫn hoạt động tốt, nhiều sách hay như: Tình nhân không bao giờ đòi cưới (truyện dịch của Trang Hạ), Tâm thành và Lộc đời (của Thành Lộc và Nguyễn Thị Minh Ngọc)… vẫn in với số lượng lớn và được tái bản nhiều lần.
Cô Nguyễn Thị Huỳnh (SN 1930), ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho đã có trên 30 năm là bạn đọc thường xuyên của Thư viện tỉnh, mỗi tuần cô ghé phòng mượn đổi sách, tạp chí 1 lần. Cô cho biết: “Với cô, đọc sách đã trở thành thói quen, là món ăn tinh thần không có gì thay thế được. Hồi còn đi làm, những lúc tinh thần quá căng thẳng, cô đi ngay đến thư viện tìm đọc một truyện ngắn hay bài viết gì đó, tâm trạng mình bị lôi kéo theo nội dung truyện hay bài viết, giúp quên đi hiện tại, tâm lý ổn định trở lại…”.
Cô Nguyễn Thị Huỳnh hơn 30 năm là bạn đọc của Thư viện tỉnh. |
Phòng đọc của Thư viện tỉnh khá khang trang, thoáng mát, sinh viên, học sinh có mặt thường xuyên, nhất là vào mùa thi các em đến mượn tài liệu để nghiên cứu tại chỗ hoặc ôn bài... Em Nguyễn Phạm Thùy Trang, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang cho biết: “Quê em ở cù lao Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy. Lên Mỹ Tho đi học mướn nhà trọ ở. Mùa này nắng nóng, em hay đến thư viện trường hoặc thỉnh thoảng lên đây (Thư viện tỉnh) để ôn bài hoặc mượn sách nghiên cứu”.
Em Nguyễn Thị Tú Trinh và nhóm bạn học lớp 12, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) đang ôn bài, thấy chúng tôi chụp ảnh liền cho biết: “Tụi em đang học nhóm, mượn sách nghiên cứu bài mẫu. Nếu sách nào ở thư viện không có thì đi Fahasha (trong Co.op mart) mua”.
Chị Nguyễn Thị Quý, Phó phòng Công tác bạn đọc của Thư viện Tiền Giang cho biết, hiện nay phòng mượn có gần 3.500 thẻ lưu thông. Bạn đọc thì đa dạng: sinh viên, giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức... Năm 2014 Thư viện tỉnh được bổ sung trên 4 ngàn bản sách các loại như: Khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật, văn học - nghệ thuật, thiếu nhi...
Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay các phòng đọc sách của mạng lưới thư viện trên toàn tỉnh thiếu vắng bạn đọc, đa phần bạn đọc đến thư viện mượn sách đem về nhà đọc.
Nhận định về tình hình hiện tại, ông Nguyễn Văn Cung, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Phòng đọc có vắng so với trước đây bởi nhiều lý do theo trào lưu của cuộc sống hiện đại, nhưng phòng mượn vẫn duy trì hoạt động tốt, bạn đọc vẫn thường xuyên đến mượn sách về tham khảo. Chúng tôi luôn tranh thủ nguồn sách, tạp chí mới để luân chuyển thường xuyên đến thư viện các huyện.
Nhiều thư viện huyện hoạt động khá tốt như: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Gò Công Tây. Ngoài ra, chúng tôi còn khảo sát bạn đọc và tổ chức nhiều mô hình để thu hút bạn đọc, như xã hội hóa hoạt động thư viện, tổ chức Ngày hội đọc sách, triển lãm giới thiệu sách theo chuyên đề, tăng cường luân chuyển sách mới về cơ sở…
ÁI QUỲNH