Đọc Mỹ Tho dấu xưa
Quyển sách Mỹ Tho dấu xưa là kết quả làm việc hết sức công phu của 2 tác giả ở vào lứa tuổi “xưa nay hiếm”: Một người 91 tuổi và một người 72 tuổi. Một phần các câu chuyện, sự kiện, nhân vật được ghi chép trong Mỹ Tho dấu xưa đã được đăng tải trên một số sách, báo, tạp chí từ trước năm 1975 đến giờ và phần còn lại do các tác giả sáng tác.
Trong “Đôi lời phi lộ”, các tác giả đã bộc bạch: “Ghi lại hình ảnh Mỹ Tho xưa để tỏ lòng yêu mến quê hương với một chút tham vọng lưu lại cho mai sau những gì mà bản thân chúng tôi vô cùng trân trọng”. Thật là một “tham vọng” rất đáng trân trọng! Lưu lại, truyền lại cho con cháu mai sau thứ tình cảm thiêng liêng đối với quê hương, đất nước, nhất là tình người với người.
Quyển sách Mỹ Tho dấu xưa được thể hiện dưới hình thức truyện ngắn, truyện kể, ký, thơ, sự kiện, nhân vật… được chia làm 4 phần: Nếp sống xưa, Con người, Văn xuôi, Thi tập. Các tác giả kể lại, thuật lại, ghi lại, viết lại, khắc hoạ lại những gì mà người xưa đã để lại trên mảnh đất Mỹ Tho thơ mộng và quyến rũ. Do đó, Mỹ Tho dấu xưa chỉ kể lại những gì mà các tác giả chứng kiến bằng mắt thấy, tai nghe và cảm nhận bằng khối óc, con tim của những người con luôn yêu quý đất Mỹ Tho.
Đây là chia sẻ của các tác giả với bạn đọc những thu hoạch được của chính bản thân mình sau nhiều năm trải nghiệm đây đó, ngẫm nghĩ và trăn trở. Do vậy, đọc Mỹ Tho dấu xưa buộc chúng ta phải có tâm và có khi còn phải day dứt chuyện được, mất trong cuộc sống. Các tác giả đã đánh thức quá khứ và qua đó đánh thức những hoài niệm trong chúng ta về quê hương, tuổi thơ, những ước mơ và tiếc nuối về một phần quá khứ bị mai một…
Cách thể hiện trong Mỹ Tho dấu xưa ít nhiều buộc chúng ta phải trăn trở. Và những ai quan tâm đến lịch sử vùng đất này, khi đọc Mỹ Tho dấu xưa là làm một cuộc đồng hành, một khám phá về quá khứ, là cùng với các tác giả tìm hiểu những vấn đề đã đặt ra từ trong lịch sử và sẽ được các tác giả bổ sung thêm những điều mà không ít người đọc chưa rõ về một sự kiện nào đó, nhân vật nào đó, một sự tích nào đó. Đây là thành công đáng kể của Mỹ Tho dấu xưa.
Mỹ Tho dấu xưa đưa chúng ta trở về Mỹ Tho những năm từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế XX, với những sự kiện, nhân vật lịch sử, với những phố xưa, làng quê cũ, những chuyến xe lam chiều, những cô hàng mía, cà lem, hủ tiếu, quán trà Huế, tìm đến những con người đã góp phần làm nên vóc dáng văn hóa vùng đất Mỹ Tho - một vùng đất trải dọc theo bờ bắc sông Tiền, là vùng đất lành trái ngọt, nổi tiếng là vùng đất học, cung cấp cho chúng ta tư liệu về lịch sử vùng đất Tiền Giang, giải thích phần nào những nguyên cớ tạo ra các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử đã bị chôn vùi trong lớp tro tàn của thời gian.
Mỹ Tho dấu xưa cũng đưa chúng ta về thực tại suy ngẫm những cái còn tồn tại và mai một mà nhận ra lẽ đời, lẽ sống để chọn cho mình một cách sống hợp với đạo lý, thuận với đất trời. Đó là đóng góp đáng kể của các tác giả.
Trong quyển sách, tác giả đề cập rất nhiều câu chuyện mắt thấy tai nghe, những chiêm nghiệm, so sánh và sáng tác những câu chuyện mang tính nhân văn nhẹ nhàng mà sâu sắc như chuyện: Con quốc ở chùa Vĩnh Tràng, Con chim sẻ, Con xù của ông Ba Kim Khánh… Chữ tình trong con người sao mà lai láng, chứa chan, trắc trở quá đỗi!
Tác giả Mặc Nhân Tân Văn Công sinh năm 1926, tại xã Tân Thạch, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho, đang cư ngụ tại TP. Mỹ Tho. Ông đã xuất bản các tác phẩm như: Đời sống nơi hoang mạc, Tuổi thơ xa rồi, Cầu Rạch Miễu qua bề dày lịch sử và đồng tác giả với Võ Thành Dũng biên soạn Mỹ Tho xưa trong Nam kỳ lục tỉnh, Mỹ Tho dấu xưa. Các tác phẩm của ông thể hiện văn phong dung dị, gợi mở, phóng khoáng, không tranh đua và giàu tính nhân văn.
Tác giả Võ Thành Dũng sinh năm 1945, ở Sài Gòn, đang sinh sống tại Paris (Pháp). Ông tốt nghiệp Tú tài ở Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), Cử nhân khoa học (Đại học Sài Gòn), Tiến sĩ khoa học (Université de Paris VII). Ông đang công tác tại Viện Vật lý địa cầu (Institut de Physique Globe de Paris). Ông là đồng tác giả với Mặc Nhân Tân Văn Công biên soạn Mỹ Tho xưa trong Nam kỳ lục tỉnh, Mỹ Tho dấu xưa. Ông học và thực hành các môn khoa học tự nhiên, nhưng rất say mê sưu tầm, nghiên cứu chuyện xưa tích cũ nhằm “lưu lại cho mai sau những gì mà bản thân chúng tôi vô cùng trân trọng”.
Đọc văn mà biết thêm được về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của vùng đất nổi tiếng như vùng đất Mỹ Tho thì văn ấy sẽ có sức sống lâu bền với thời gian. Mỹ Tho dấu xưa vừa cung cấp chuyện xưa tích cũ, vừa góp phần vun đắp tình yêu quê hương, đất nước cho độc giả, nhất là độc giả trẻ để họ thêm tự hào và yêu quý quê hương mình hơn.
TS. LÊ VĂN TÝ