Thứ Bảy, 16/05/2015, 09:18 (GMT+7)
.

Múa bóng rỗi - những nỗi niềm

Từng nghiên cứu về múa bóng rỗi, TS. Mai Mỹ Duyên đã khẳng định: “Trong các nghi lễ, múa bóng rỗi thuộc loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, luôn gắn với tục thờ cúng các Bà. Múa bóng rỗi có thể xem như một thể loại của nghệ thuật dân gian bởi sự hòa quyện cả 2 yếu tố tâm linh và giải trí. Hy vọng các nhà quản lý văn hóa có một hướng mới trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này trong đời sống xã hội đương đại…”.

Nghệ nhân Lê Minh Hùng rót rượu bằng đầu và múa nhạo (hình thức múa bêu).
Nghệ nhân Lê Minh Hùng rót rượu bằng đầu và múa nhạo (hình thức múa bêu).

Múa bóng rỗi - nghệ thuật dân gian độc đáo

Theo nghiên cứu từ nhiều tài liệu, múa bóng rỗi (MBR) có từ sau nửa thế kỷ thứ XVII với tục thờ nữ thần, đó là chỗ dựa để tạo nên sức mạnh tinh thần cho người dân khai hoang dựng làng, bám đất; lễ cúng vía bà (cúng miễu) không thể thiếu loại hình MBR. Hiện nay, MBR được xem là loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo của người Việt vùng Nam bộ.

Người MBR đòi hỏi phải có năng khiếu tổng hợp: Ca, diễn và múa. Ngoài ra, phải có sức khỏe, khéo léo, dẻo dai, nhạy bén trong cảm âm. Trang phục của người làm nghề MBR rất sặc sỡ, hóa trang đậm nét. Nghề này nghiêng về nữ tính nhiều hơn bởi cần sự mềm mại, uyển chuyển.

Nghệ thuật MBR thỏa mãn được 2 chức năng: Nhu cầu về tâm linh và vui chơi giải trí. Anh Nguyễn Văn Lâm, Trưởng ban Quản lý miễu Bà Chúa Xứ ở xã An Thái Đông, huyện Cái Bè nói rằng: “Từ ngày Nhà nước cho phép khôi phục lại loại hình MBR, bà con ở đây rất phấn khởi. Chúng tôi thành lập Ban quản lý, sửa chữa lại đình, tổ chức cúng lệ hàng năm quy mô hơn và rước nhóm MBR về múa cúng. Bà con đến thắp hương cầu nguyện, xem MBR, ăn với nhau chén cơm và tâm sự việc nhà, việc làm ăn… Đến hẹn lại lên, đến ngày cúng miễu, khỏi phải mời gọi, bà con tề tựu đông đủ, cầu nguyện xong là háo hức chờ xem MBR”.

Nghệ nhân Ngô Thị Tư, còn gọi là Tư Trầu hoặc Tư Bóng ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè cho biết: Để trở thành nghệ nhân lành nghề, bà đã học qua 6 thầy, chưa kể học “lóm” của nhiều thầy khác và bạn bè. Chỉ trong phần học rỗi, người rỗi hay và đúng bài cơ bản là phải biết hát: Xuân - ai - đảo - lý; trong rỗi có: Hát sóng đâu, ngừng thàn, mường, san, thài; còn điệu lý thì không phải muốn hát lý nào cũng được, mà cúng trang (tại gia) thì hát Lý Cây Bông, cúng miễu bà hát Lý Con Cá, miễu ông hát rỗi Lý Ngựa ô… Mâm vàng để cúng bà, mâm bạc dành cúng ông và mâm ngũ sắc thì ứng với ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Ngoài múa mâm vàng, còn có múa bát bông, bông huệ, lưỡi siêu, ông tướng, dĩa bay, bình, tĩnh, khạp, lu, lông công… Hay đặt 1 đĩa hoặc tượng ông tướng lên đầu cây, xoay tròn và đặt đầu kia lên trán, lên môi, đĩa (tượng) xoay vù vù mà cây vẫn thăng bằng không rớt, đó là trò đĩa bay và múa ông tướng. Hoặc dùng đầu, trán hay môi đỡ lấy vật nặng như: Bình, khạp, lu, xe máy… múa thăng bằng 2 - 3 phút mà không rớt. Với tài năng này, cô bóng được người xem ngưỡng mộ, có người nhìn bằng góc nhìn tâm linh cho rằng họ có “bà đỡ” nên diễn hay, múa không rớt đạo cụ.

Nỗi niềm

Năm 2007, Sở VH-TT&DL Tiền Giang tổ chức thành công Liên hoan “Nghệ thuật múa bóng rỗi Nam bộ”, diễn ra trong 3 ngày, có đông đảo nhân dân đến xem 60 nghệ nhân đến từ 3 tỉnh: Tiền Giang, Long An và Bến Tre thi tài. Các nghệ nhân đã hãnh diện khoe tài trước sự hào hứng của công chúng qua các môn thi: Cắt dán mâm vàng, rỗi, múa mâm vàng, múa tạp kỷ (múa bêu) và diễn chập.

Người đoạt 2 giải A (hát rỗi và múa mâm vàng), 1 giải B (cắt dán mâm vàng) là nghệ nhân Út Son (huyện Cai Lậy) đã chia sẻ: “Được đứng trên sân khấu thi tài Út lấy làm hãnh diện và vui mừng vì nghề MBR được tôn vinh là nghệ thuật diễn xướng dân gian. Từ đó đến nay Út là cộng tác viên của Trung tâm VHTT tỉnh, đến lễ hội thì được mời biểu diễn và 2 lần mời dự thi toàn quốc ở tỉnh Nghệ An, Đà Lạt, đều đoạt Huy chương Vàng”. Nhiều nghệ nhân bóng rỗi tâm sự rằng: Nếu như nghề MBR sớm được công nhận và tạo điều kiện thì nay sẽ phát triển tốt hơn.

Mùa xuân là mùa lễ vía bà, chúng tôi theo bà Tư Bóng (Ngô Thị Tư) đến miễu Bà Chúa Xứ ở xã An Thái Đông, huyện Cái Bè. Sau phần nghi lễ là phần “làm vui cho bà”. Già, trẻ, gái trai háo hức ngồi trước sân chờ đợi, theo dõi.

Sau khi hóa trang thay áo dài, cô bóng trẻ Nguyễn Thị Thúy - học trò bà Tư bóng, chỉ chiếc răng đã gãy ở bên phải hàm trên chia sẻ: “Chị biết không, em cắn cây để đĩa, múa đao, múa ông tướng… riết rồi răng chịu không nổi nên gãy. Múa xong ở đây, em về múa ở huyện Cai Lậy. Vào mùa, chạy show không kịp, mệt vô cùng, vậy mà tiền bồi dưỡng chia cho mọi người chẳng là bao. Chỗ nào bà con thích thì thưởng tiền. Có miễu còn khó khăn quá, em và bà Tư chỉ múa cúng mà không nhận tiền bồi dưỡng”.

Ngọc Thanh (quê TP. Mỹ Tho, hiện cư trú số 39, đường Tôn Đảng, quận 8, TP. Hồ Chí Minh), sinh năm 1990, vào nghề hồi 8 tuổi, đã tâm tư:

“Nghiệp duyên khiến em phải theo nghề và cố giữ cho trọn vẹn. Đi đâu cũng được bà con quý trọng nên em càng tự hào và luôn tự rèn luyện để rỗi tốt và múa cho hay. Vào nghề gần 20 năm nhưng hiện giờ em vẫn tìm tòi cái cổ xưa để học. Em lo sợ nghề mình bị thất truyền, vì theo em thấy, người theo nghề và có tâm với nghề không nhiều; người cao tuổi biết nghề còn sống thì quá ít; còn người học nghề theo đoàn xiếc, nhạc tang để biểu diễn kiếm sống thì ngày càng phổ biến. Em lấy làm buồn khi thấy những loại hình múa bêu (múa bông huệ, múa lưỡi siêu, múa khạp, múa lông công…) đem biểu diễn ở đám cưới, đám tang để lấy tiền”.

Dạy MBR là truyền nghề kiểu “cầm tay chỉ việc”, chưa được ghi chép, hệ thống thành bài bản, đôi khi thầy dạy vẫn còn “giấu nghề”, cho nên học trò bóng này và học trò bóng nọ bài rỗi hoặc bài cúng không giống nhau. Hiện tại, có một số cô bóng trẻ thêm những lời rỗi mới, nghe không được hay lắm.

Sở VH-TT&DL vừa làm 7 hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, trong đó nghề MBR có bà Ngô Thị Tư (Tư Trầu ở huyện Cái Bè), là điều đáng mừng. Thế nhưng, sau Liên hoan MBR lần thứ I đã gần 10 năm rồi mà Tiền Giang chưa tổ chức liên hoan lần thứ II và cũng chưa thấy nơi nào ở khu vực Đồng bằng Nam bộ tổ chức hội thi, liên hoan loại hình này. Nỗi lo MBR bị mai một và sẽ thất truyền là điều khiến chúng ta suy nghĩ.

NGỌC LỆ

.
.
.