Tấm lòng văn nghệ sĩ Tiền Giang với Bác Hồ
Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, văn nghệ sĩ Tiền Giang đã có nhiều tác phẩm hay, giàu cảm xúc viết về đề tài này. Những bài văn, những vần thơ, những lời ca câu hát… đã thể hiện sự kính phục cũng như tình cảm sâu đậm của văn nghệ sĩ Tiền Giang đối với Bác, để từ đó phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Khi Cuộc thi Sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát động, Hội xác định đây không chỉ là một cuộc thi thuần túy về mặt chuyên môn, mà còn mang ý nghĩa chính trị, văn hóa rất to lớn.
Đây cũng là dịp để giới văn nghệ sĩ thể hiện tình cảm yêu kính đối với Bác; đồng thời phản ánh những gương điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong thời gian qua”. Chính vì thế, tinh thần, ý nghĩa và thể lệ của cuộc thi nhanh chóng được quán triệt trong toàn thể hội viên, cộng tác viên và công chúng yêu thích văn học - nghệ thuật.
Các tác giả nhận giải thưởng của Cuộc thi Sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. |
Kết quả qua 2 giai đoạn phát động sáng tác đã có hơn 2.500 tác phẩm văn học - nghệ thuật thuộc nhiều thể loại viết về đề tài học tập và làm theo Bác, trong đó có trên 100 tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt và có giá trị văn học - nghệ thuật cao đã được xét chọn trao giải ở địa phương và giới thiệu rộng rãi đến công chúng yêu nghệ thuật. Một số tác phẩm xuất sắc gởi dự thi ở Trung ương đã đoạt được giải cao như: Bài ca cổ “Ngày Bác vô thăm” của tác giả Thanh Hải đoạt giải C; bộ ảnh của tác giả Hà Quốc Thái đoạt giải B toàn quốc…
Hình tượng Bác Hồ là nguồn cảm hứng vô tận để các văn nghệ sĩ cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng sáng tạo nhiều tác phẩm mới có giá trị. Tùy theo đặc trưng của mỗi thể loại (văn xuôi, thơ, ca khúc, ca cổ, kịch…), các tác giả đã khai thác đề tài ở nhiều góc độ khác nhau và thể hiện nhuần nhuyễn bằng ngôn ngữ riêng của từng thể loại. Cách khai thác sự kiện, khắc họa nhân vật trong các tác phẩm tương đối rõ nét, mang tính điển hình, chân thực và giàu sức thuyết phục.
Tác giả Vũ Tuấn từng 2 lần đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) và 1 giải Ba ở thể loại thơ, cho biết: Bác luôn là tấm gương sáng để anh noi theo mỗi khi cầm bút sáng tác. Với Người, văn chương phải đạt tới tính chân thật. “Văn nghệ sĩ phải miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn, tránh lối viết xa lạ, cầu kỳ, ngôn ngữ phải trong sáng, nội dung phải sâu sắc, thể hiện tinh thần dân tộc”.
Anh còn học được ở Bác đức tính giản dị. Sự giản dị của một nhân cách lớn, của văn hóa và của cái chân - thiện - mỹ đã đạt đến sự hoàn hảo. Chính từ những tình cảm đó mà trong những tác phẩm đoạt giải của anh, người đọc cảm nhận được những cảm xúc chân thật của tác giả cùng lòng kính yêu lãnh tụ và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
Hoàng Ly - tác giả từng 2 lần đoạt giải Nhì cho biết, các kịch bản dự thi trước đây của chị xoay quanh đề tài học tập và làm theo gương Bác trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Năm nay, kịch bản đoạt giải Nhất của chị khai thác khía cạnh mang đậm tính nhân văn, đó là việc học tập tấm gương Bác về tình yêu thương bao la, sự đùm bọc, cảm thông và sẻ chia với những mảnh đời lầm lỡ và bất hạnh. Nhân vật chính trong vở kịch được xây dựng từ gương sáng của một cựu chiến binh ở xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho suốt đời phấn đấu học tập và làm theo gương Bác, rất đáng để mọi người noi theo.
Trong khi đó, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc, nhạc sĩ Ngô Ngọc Hùng không chỉ có nhiều tác phẩm hay viết về Bác đoạt giải cao, mà anh còn đôn đốc, động viên nhiều tác giả trong chi hội tham gia hưởng ứng cuộc thi.
Thời gian qua, rất nhiều ca khúc mới chân thành, sâu sắc viết về Bác ra đời, là tiếng lòng của những người con Tiền Giang dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc. Qua những ca khúc ấy, vẻ đẹp của lòng nhân ái bao la, đức hy sinh cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh thêm một lần nữa được khắc tạc và tỏa sáng.
“Từ nhỏ, được nghe những câu chuyện về Bác, tôi đã rất khâm phục và vô vàn kính yêu Người. Là giáo viên cũng là một người viết trẻ, tôi ý thức được trách nhiệm của mình trước cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là cơ hội để tôi thể hiện tình cảm đối với Người và cũng là dịp để rèn luyện tố chất của người cầm bút” - cây bút trẻ Nguyễn Như Cẩm Thu, tác giả cùng lúc đoạt 2 giải Khuyến khích ở cả 2 thể loại văn và thơ chia sẻ.
Có thể thấy, những tác phẩm viết về Bác của văn nghệ sĩ Tiền Giang trong thời gian qua đã thể hiện rõ tình cảm, lòng kính trọng vô bờ bến đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc và biểu hiện quyết tâm làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người. Từ một vị Anh hùng dân tộc, một lãnh tụ vĩ đại, Bác đã trở thành một hình tượng nghệ thuật có sức lay động lớn, đi vào lòng người.
Soạn giả Huỳnh Anh cho biết, sắp tới đây Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng việc giới thiệu, quảng bá rộng rãi những tác phẩm viết về Bác đến với công chúng để góp phần cỗ vũ mọi tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
LÊ VĂN