Biên đạo múa Anh Tuấn và những "bức tranh động" trên sân khấu
Anh Tuấn tâm sự: “Hồi nhỏ Tuấn rất thích ca và múa. Những bài nhạc phim thiếu nhi Tuấn đều thuộc nằm lòng và thấy trên tivi múa là Tuấn làm theo.
5 tuổi Tuấn đã đứng trước đám đông để hát và được người lớn tặng quà. Có thể nói, bước chân đầu tiên vào nghệ thuật, Tuấn là một ca sĩ chứ không phải là diễn viên múa…”.
Anh Tuấn có tên khai sinh là Phan Thanh Tuấn (SN 1976), trong một gia đình có đến 8 chị em ở TP. Mỹ Tho. Anh là người duy nhất trong nhà có “máu nghệ sĩ” của ba mình.
Ba Tuấn là nhạc sĩ Phan Thanh Tùng. Ở thập niên 80, nói đến ba anh là giới văn nghệ sĩ đều nể mặt. Ông Tùng đàn nhạc giỏi, sáng tác tốt, hòa âm phối khí rất hay và ông đặt niềm tin rất lớn ở Tuấn.
Hồi còn học phổ thông, Tuấn hát hay và còn biết sáng tác kịch, dựng múa cho lớp. Năm 1995, Tuấn nhập ngũ, là bộ đội biên phòng, tham gia hội thi giọng hát hay đã đoạt giải Nhì; sau đó anh tự tin đến với nhiều cuộc thi và thường xuyên đoạt giải thưởng. Anh còn cộng tác với Đội Thông tin lưu động huyện Gò Công Đông phục vụ nhân dân vùng biển trong những năm tại ngũ.
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Tuấn dự tuyển và được nhận về làm ca sĩ cho Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang, được cấp thẻ ca sĩ hoạt động chuyên nghiệp. Tham gia các tiết mục đơn ca, Tuấn thường tập hợp nhóm múa dựng minh họa cho bài hát của mình thêm sinh động.
Năm 2000, TP. Hồ Chí Minh mở lớp Trung cấp múa, Đạo diễn Tấn Lộc (Trưởng đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang) khuyên anh đi học. Ban đầu Tuấn từ chối, bởi Tuấn là giọng ca khá đắt show của TP. Mỹ Tho. Còn múa, Tuấn thấy tập dợt cực khổ mà ít ai để ý tới. Đạo diễn Tấn Lộc, Biên đạo Hồ Đẹp khuyên hết lời, đến ngày cuối cùng Tuấn mới chịu mang hồ sơ lên trường.
Năm học đầu tiên, kết quả học tập của Tuấn ở tốp cuối của lớp. Nản lòng muốn bỏ ngang, nhưng các bạn diễn viên múa ở đoàn như: Lan, Hạnh… luôn động viên; năm sau Tuấn quyết tâm hơn. Lợi thế của Tuấn là có ngoại hình sáng sân khấu, diễn nội tâm tốt nên những bài múa tính cách anh luôn được thầy cô xếp đứng ở vị trí trung tâm. Cuối khóa học Trung cấp múa, Tuấn đứng thứ tư ở nhóm giỏi.
Sau đó, Sở VH-TT&DL và lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh tạo điều kiện để Tuấn tiếp tục thi vào lớp Đại học Biên đạo múa, kinh phí tự túc. Lúc ấy vợ Tuấn sinh con mới 10 ngày. Tuấn động viên tinh thần vợ và quyết định đi học.
Anh đi vay tiền đóng học phí và thi tuyển đầu vào. Đây là khóa I của Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (Hà Nội), mở ở khu vực miền Nam, học viên phải qua nhiều vòng thi với hình thức khác nhau nhưng khó nhất vẫn là phần thi bắt đề ngẫu nhiên một đoạn nhạc của Ban tổ chức lớp cho, sau 30 phút phải vừa nghe, phân loại nhạc và dàn dựng biểu diễn bài thi tại chỗ.
Tưởng đã phải chào thua và xách hành lý quay về, nhưng khi chụp chiếc nón lên đầu, một ý tưởng lóe lên và bài múa ngắn hình thành với tên gọi “Trốn chạy” (một người tù vượt ngục, phải trốn tránh pháp luật…), người thực hiện vai diễn là chính mình và Tuấn đã đứng hàng thứ 7/23 học viên đầu vào được tuyển chọn từ 200 thí sinh. Thấy Tuấn thông minh, có óc sáng tạo và chăm chỉ học hành, các thầy thường nhường show cho Tuấn dàn dựng các nơi ở TP. Hồ Chí Minh.
Vừa học vừa làm, cuối tuần tranh thủ chạy về thăm vợ con, mấy năm liền Tuấn phải đương đầu với nhiều áp lực và khó khăn bởi trong lớp có nhiều học viên từng làm biên đạo cho các chương trình lớn, tiếng tăm như: Tấn Lộc, Phúc Hải, Như Trang…, mỗi học kỳ học viên phải có 3 tác phẩm múa mới để báo cáo với lớp, Tuấn luôn phải gồng mình vươn theo họ và còn phải thuê trang phục, đạo cụ cho tác phẩm của mình… Tuấn luôn tự động viên: Học cho chính mình và anh đã thành công với thành tích học tập vượt trội.
Sacombank Tiền Giang với tiết mục đoạt Huy chương Bạc của Biên đạo múa Anh Tuấn ở Hội thi ngành Ngân hàng toàn miền Nam. |
Từ đó đến giờ, Tuấn dàn dựng trên 40 bài múa lớn, nhỏ cho các cuộc hội thi, liên hoan từ huyện (thị, thành) đến cấp tỉnh, khu vực cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và có 2/3 bài múa đạt giải thưởng cao. Rất nhiều tác phẩm múa của Tuấn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem như: Lời ru cội nguồn, Lời ru của biển, Biển vọng, Thằng Bờm, Của để dành, Gánh thời gian, Độc huyền cầm, Ngược dòng ký ức, Cõi Phật…
Tuấn chia sẻ: “Đối với Biển vọng, dù là người “sanh” nó ra, nhưng đêm biểu diễn Tuấn đứng trong cánh gà sân khấu điều động anh chị em và vừa xem, vừa khóc: Hình ảnh 3 người phụ nữ miệt biển với nỗi đau quay quắt chồng đi biển không về, họ đã vật vã với niềm mong đợi và 3 người giành nhau 2 tấm áo trôi trên biển… Bài múa được công diễn và làm nhiều người rơi lệ trong đêm Liên hoan múa mở rộng của TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là bài múa tốt nghiệp, góp phần đưa thành tích học tập của Tuấn đứng vào tốp đầu của lớp.
Hầu hết các tác phẩm múa của Tuấn mang chiều sâu hơi thở của cuộc sống, xoáy vào tim người xem một cảm xúc rất gần của tình người và nhất là hình ảnh đẹp của người phụ nữ Nam bộ. Tuấn trầm ngâm: “Má Tuấn mất rồi, nhưng hình ảnh má tảo tần nuôi 8 đứa con luôn khắc sâu trong lòng.
Sau đó Tuấn chứng kiến cảnh người chị ruột khóc chồng, vì anh đi biển mất trong cơn bão số 5. Tuổi thơ của Tuấn khá vất vả, phải lăn lộn qua nhiều nghề để kiếm sống, tất cả những nếm trải ấy đã cho Tuấn vốn sống và chiều sâu nội tâm để Tuấn thổi hồn vào những “bức tranh sống” của mình trên sân khấu.
Gần 1 năm chuyển công tác về Phòng Nghiệp vụ của Trung tâm VHTT tỉnh, Tuấn hỗ trợ phong trào và có cơ hội tiếp cận, làm việc với nhiều diễn viên múa không chuyên. Có rất nhiều người chưa 1 lần bước lên sân khấu, bỡ ngỡ với từng động tác múa và Tuấn phải bỏ công chỉ dẫn từng động tác. Cũng chính vì vậy, khi tác phẩm hoàn thành, Tuấn cảm thấy vui hơn, trân trọng hơn những gì mình làm được.
Tuấn đang cùng Biên đạo múa Thu Thủy chiêu sinh lớp múa từ 10 - 22 tuổi với mong muốn đào tạo lực lượng múa cho tỉnh nhà trong tương lai và đang trăn trở khai thác cái đẹp của làng nghề dệt chiếu truyền thống Long Định với ý định dàn dựng múa cho Chương trình “Hò hẹn 9 dòng sông” năm 2015. Chúng ta chờ đợi để được thưởng thức và chia sẻ cảm xúc mới về những “bức tranh sống” của Biên đạo trẻ Anh Tuấn trong tương lai.
ÁI QUỲNH