Thứ Sáu, 26/06/2015, 10:01 (GMT+7)
.

Chuyện về một gia đình 3 đời gìn giữ di sản văn hóa

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà chứa nhiều cổ vật, chú Nguyễn Tùng Châu (Sáu Châu, ngụ số 11A/6, đường Trần Nguyên Hãn, phường 8, TP. Mỹ Tho) kể về quá trình gia đình chú lưu giữ các cổ vật (di sản văn hóa) với nhiều kỷ niệm mà ông cha để lại đến ngày nay.

Chú Sáu Châu và cổ vật tại nhà.
Chú Sáu Châu và cổ vật tại nhà.

Ông nội chú là Nguyễn Văn Chương thuộc hàng khá giả trong xã Song Bình (huyện Chợ Gạo) có thú chơi cổ ngoại, đã cất công sưu tầm nhiều loại cổ vật, từ những chiếc chén, bình trà, bình vôi cho đến bộ bàn ghế cẩm thạch cẩn ốc xà cừ, những bức bình phong, cặp liễn sơn son thếp vàng…

Khi ông nội mất đi đã để lại cho cha chú là Nguyễn Văn Chức (Tám Chức, thầy thuốc Nam) một khối tài sản văn hóa khá đồ sộ, có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Cha chú cũng có “máu” chơi đồ cổ, đã gìn giữ và sưu tầm thêm nhiều cổ vật Việt Nam, Trung Hoa có giá trị về lịch sử, văn hóa - nghệ thuật.

Dẫn chúng tôi xem và thuyết minh từng cổ vật, chú Sáu Châu kể tiếp: Để có những cổ vật này, ông nội và cha của chú đã bỏ rất nhiều công sức, của cải để mua, cứ hễ biết tin ở đâu có cổ vật thì bất kể đường sá xa xôi cũng lặn lội tìm đến xem, nếu ưng ý thì hỏi mua cho bằng được.

Cũng theo lời chú Sáu Châu, có lần nghe tin ở Gò Công bán chiếc lục bình “Khổng Tử gặp Thần Đồng”, dù tuổi cao sức yếu, cha của chú Sáu Châu (ông Tám Chức) bắt chú phải chở đến tận nhà người bán để xem, cảm thấy ưng ý đã hỏi mua. Chủ nhà kêu giá rất cao, nhưng ông quyết mua cho kỳ được, về nhà gom góp và vay mượn tiền bạc của anh em, bạn bè xuống mua mang về. Đêm ấy và cả tuần sau, cứ hễ xong công việc bốc thuốc cho người bệnh là ông đến ngắm nghía từng nét hoa văn sắc sảo, độc đáo trên chiếc lục bình rồi cẩn thận lau chùi…

Chú Sáu Châu cho biết thêm, mua được các món cổ vật đã khó, nhưng việc bảo vệ, gìn giữ chúng còn khó hơn bởi do chiến tranh, kẻ trộm hay “săn lùng” hoặc do tác động của môi trường thiên nhiên… Có lần lính bố ráp vào nhà ông nội chú, ngoài việc lùng sục bắt cán bộ cách mạng, chúng còn cướp bóc những tài sản có giá trị của bà con, may mà ông nội chú đã gom hết các cổ vật đem giấu.

Năm 1962, gia đình chuyển nơi ở từ xã Song Bình ra phường 8 (nơi ở hiện nay) để định cư nhằm tránh sự càn quét, bắn phá của bọn địch và để bảo vệ những cổ vật vốn có mà gia đình đã cất công sưu tầm. Hay có lần con mèo nhảy làm đổ chiếc bình bông trên bàn thờ là ông nội chú lại mất ngủ một số đêm vì luyến tiếc…

Ghế mặt cẩm thạch chạm cẩn ốc xà cừ.
Ghế mặt cẩm thạch chạm cẩn ốc xà cừ.

Từ khi cha của chú Sáu Châu mất (năm 2009), mặc dù chú Sáu Châu vẫn đam mê cổ vật nhưng không có điều kiện sưu tầm thêm, nhưng chú vẫn bằng mọi cách gìn giữ gần 500 cổ vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa - nghệ thuật mà ông cha để lại như: Bình bông, chén, bình trà, lư đồng, đèn treo 3 dây của Pháp, bình phong, liễn, bàn ghế, tủ thờ…, đa số có niên đại vào thế kỷ XVIII, XIX, đầu thế kỷ XX.

Có những lúc gia đình quá khó khăn, có người trả bộ bàn ghế cẩm thạch lên đến hơn 350 triệu đồng, nhưng chú nhất quyết không bán. Điều làm chú Sáu Châu lo ngại nhất là có một số kẻ gian giả làm người tham quan tìm hiểu cổ vật, khi chủ nhân sơ ý liền ra tay đánh cắp, do đó khi có người lạ đến xin vào nhà để tìm hiểu là gia đình chú không cho…

Hiện chú có 2 người em trai là chú Nguyễn Bá Tri và Nguyễn Mai Tri đang làm ăn xa nhà nhưng vẫn tiếp tục sưu tầm các cổ vật để chơi.

Anh Trần Hữu Hiền - cộng tác viên Bảo tàng nhận định: “Ở Tiền Giang hiện có gần 100 nhà sưu tập cổ vật không chuyên, trong đó có 10 nhà sưu tập chuyên nghiệp có rất nhiều cổ vật, nhưng chỉ có gia đình chú Sáu Châu là còn gìn giữ nhiều cổ vật có giá trị cao. Đây là điều đáng quý đối với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc tại Tiền Giang”.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.