GS-TS Trần Văn Khê ngọn lửa không bao giờ tắt
GS-TS Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921, tại làng Chợ Giữa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trong một gia đình và dòng họ nội - ngoại đều có truyền thống âm nhạc. Những chữ nhạc hò, xự, xang, xê, cống của 2 bên nội - ngoại và người cha tài hoa đã dung dưỡng trong ông một tình yêu âm nhạc từ khi còn rất nhỏ.
Những chữ nhạc sâu sắc và tinh tế đó đã biến hóa thành những hơi, điệu tuyệt vời, giúp ông vượt qua bao sóng gió, tự tin trước những nghiệt ngã của cuộc đời và chắp cho ông “đôi cánh” để vượt lãnh thổ quốc gia và bay xa ra thế giới. Tri ân tổ tiên và các bậc sinh thành, dưỡng dục; đồng thời cũng là đáp nghĩa quê hương, ông đã đem trí tuệ và tài năng của mình để vinh danh nghệ thuật dân tộc Việt Nam, làm cho những giá trị văn hóa tinh hoa của nước nhà được thế giới công nhận và khâm phục.
Giáo sư - Tiến sĩ - Viện sĩ Trần Văn Khê tại buổi Tọa đàm “Tiền Giang - cái nôi nghệ thuật cải lương”. Ảnh: Vân Anh |
Suốt hai phần ba cuộc đời ông cống hiến cho nghiên cứu, biểu diễn và thuyết giảng thì cũng ngần ấy năm là một cuộc chiến đấu dai dẵng với đau đớn vì bệnh tật. Bao nhiêu lần vừa ra viện thì ông đã ngồi vào máy tính để kiểm tra email, viết bài, thông tin với học trò, liên hệ lịch giảng với các trường đại học, các cơ quan văn hóa - nghệ thuật… với một thái độ điềm tĩnh và lạc quan chưa từng thấy.
Có lần đến tư gia thăm ông, căn phòng của ông ngập đầy sách báo, bản thảo, băng đĩa… Thấy tôi tỏ ý lo ngại về sức khỏe, ông trấn an: “Không sao đâu con! Bác cứ làm được tới đâu hay tới đó. Đây là công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên trì. Không có Bác, các cháu đến giúp sẽ không biết đâu mà sắp xếp!”. Nhiều lần tôi ngỏ ý muốn giúp ông xử lý tư liệu thì ông vui vẻ từ chối và nghiêm khắc bảo rằng: “Việc con cần phải làm là cố gắng giúp các cháu trẻ hiểu và yêu quý nghệ thuật dân tộc. Đừng để các cháu quên đi nguồn cội của mình. Còn những việc này đã có người khác làm với bác rồi!”
Đừng quên nguồn cội của mình! Đó là lời dặn chính mình mà ông luôn đau đáu trong những năm ly hương. Có lẽ vì vậy mà tôi thấy khuôn mặt ông rạng rỡ hạnh phúc khi được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cấp căn nhà để làm nơi giao lưu nghệ thuật, trao đổi học thuật, sưu tầm nghiên cứu… để ông có cơ hội giới thiệu và phổ biến những tài sản văn hóa quý giá của ông sau bao năm hoạt động và tích lũy.
Đừng quên nguồn cội của mình! Cũng là lời giải thích vì sao suốt bao năm hoạt động ở nước ngoài ông vẫn giữ Quốc tịch Việt Nam. Đi thuyết giảng nơi đâu hoặc tham dự những nhạc hội danh tiếng vẫn thấy ông với bộ trang phục truyền thống ung dung, lịch lãm và tự hào khi nói về âm nhạc Việt Nam. Dù am hiểu nhiều ngoại ngữ và nói lưu loát tiếng Pháp, tiếng Anh nhưng ông vẫn duy trì một văn phong thuần Việt, rõ chất Nam bộ trong lối nói và cách viết. Nhờ vậy, những tác phẩm của ông đã đến với các thành phần trong xã hội. Và ông đã cho chúng tôi một bài học: Quyển sách hay phải là quyển sách của nhiều người!
Từ những hoạt động nghiên cứu của ông, mà kết quả là hàng trăm thùng tư liệu quý giá đem về Việt Nam đã dạy cho chúng tôi một bài học về sự kiên nhẫn và tỉ mỉ của người làm khoa học và giảng dạy. Có những vấn đề còn băn khoăn về âm nhạc dân tộc, ông khuyên chúng tôi nên mở rộng nhãn quan của mình bằng cách đọc nhiều, tiếp xúc với những bậc tiền bối, trải nghiệm hơn nữa trong hoạt động thực tế để cảm nhận và thấu hiểu đối tượng nghiên cứu của mình. Có như vậy công trình khoa học mới thực sự có giá trị.
Hình ảnh mà bao người có dịp tiếp xúc với ông sẽ luôn giữ trong ký ức đẹp đẽ của mình, đó là nụ cười chan hòa sự bao dung và nhân ái. Bao giờ cũng vậy, sau nụ cười là vòng tay ôm ấm áp nghĩa tình và một giọng nói trầm ấm ân cần. Có thể nói, ở ông sự giao tiếp đã thành nghệ thuật, được biểu hiện rất sinh động và cụ thể:
Nét mặt hân hoan, ánh mắt chân thành, cử chỉ đúng mực, giọng nói nhiều cảm xúc, động tác hài hòa, ngôn từ như bật từ trong tim ra… tất cả đã kết hợp hòa quyện, tạo một phong thái rất đặc biệt và một ấn tượng khó phai với bất kỳ ai, dù chỉ một lần được nghe ông thuyết giảng về văn hóa - nghệ thuật.
Và mỗi khi có học trò tháp tùng, bao giờ ông cũng dành vài phút để giới thiệu và khen ngợi những gì mà học trò của mình đạt được. Lời khen đúng lúc, đúng chỗ của ông đã giúp cho biết bao lớp học trò ông vượt qua mặc cảm, tự tin để mạnh mẽ nối bước ông trên hành trình khoa học và nghệ thuật.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời để nếm trải thành công và thất bại, hạnh phúc và bất hạnh, tình yêu thương và nỗi cô đơn, sự ngọt ngào và niềm cay đắng… Có người thấy mình chết thật xứng đáng, cũng không ít người trước khi nhắm mắt xuôi tay vẫn đầy ân hận và hối tiếc. Với chúng tôi, GS-TS Trần Văn Khê đã có một cuộc đời xứng đáng (ông mất lúc 2 giờ 55 phút, ngày 24-6-2015 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP. Hồ Chí Minh).
Ông đã mang tình yêu của mình làm rộng mở tâm hồn những ai yêu mến những giá trị truyền thống của dân tộc. Ông đã như cánh chim không mỏi trong suốt hai phần ba đời người rao truyền những tinh hoa của âm nhạc Việt Nam. Ông đã thắp lên trong mỗi người trẻ tuổi (khi tiếp xúc với ông) một ngọn lửa tình yêu quê hương, dân tộc, khơi dậy những khả năng tiềm ẩn và thúc đẩy họ biết tạo lập những giá trị mới cho khoa học và nghệ thuật nước nhà.
Và vì vậy, ông sẽ mãi còn trong mỗi chúng tôi!
TP. Hồ Chí Minh, ngày 25-6-2015.
TS. MAI MỸ DUYÊN
(Giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh)