Người phụ nữ góp phần "tô điểm sơn hà"
Đó là bà Cao Thị Khanh, sinh năm 1900, tại Gò Công, sinh trưởng trong một gia đình trí thức, năm 1929 bà cùng chồng là ông Nguyễn Đức Nhuận sáng lập Tuần báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn. Với vai trò Chủ nhiệm, bà đã có công lớn trong việc đưa tờ báo trở thành diễn đàn tranh đấu và bênh vực quyền lợi của nữ giới nước ta trong những năm đầu thập niên 1930.
Phụ nữ Tân văn (PNTV) số 1 xuất bản ngày 2-5-1929 (tòa soạn đặt tại số 42, đường Catinat, nay là đường Đồng Khởi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Ban Biên tập gồm những cây bút nữ nổi tiếng như: Ðạm Phương, Cao Ngọc Môn, Trần Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ðăng, Ðắc Hoa, Nguyễn Thị Kiêm..., với sự hỗ trợ của các cây bút như: Ông Lê Ðức (cựu chủ bút Nữ Giới Chung), Ðào Trinh Nhứt, Chương Dân, Nguyễn Hóa Ðàng, Hồ Biểu Chánh, Trịnh Đình Thảo...
Ngoài ra, tờ báo cũng có đội ngũ cộng tác hùng hậu như: Thiếu Sơn, Quách Tấn, Thượng Tân Thị, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải, Trần Thanh Mại, Lưu Trọng Lư…
Trong lời giới thiệu số đầu tiên, báo viết “Ngày hôm nay, Phụ Nữ Tân Văn ra đời, là non sông thêm một tay thợ điểm tô, xã hội thêm một người lo công việc, trên trường văn trận bút thêm một đội binh đàn bà, mà trong buồng khuê các của chúng ta cũng có một cơ quan để cùng nhau phấn đấu với đời đây!”.
Phụ nữ Tân Văn là dư âm của phong trào Duy Tân, thường xuyên có những bài phổ biến tri thức, bênh vực quyền lợi nữ giới, những bài phản đối quan niệm cổ hủ như ngăn cấm giới nữ tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, đi xe đạp, cắt tóc ngắn, đến trường học hay thưởng thức văn học - nghệ thuật...
Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, ở Cao Lãnh và Mỹ Tho diễn ra những cuộc biểu tình đòi giảm thuế, rồi công nhân đồn điền Phú Riềng đình công đòi tăng lương cải thiện cuộc sống… bị chính quyền thực dân đàn áp, PNTV đã mạnh dạn đưa tin trung thực. Sự việc trên khiến nhà cầm quyền ra lịnh đình bản tờ báo trong 5 tháng kể từ ngày 6-12-1930.
Ngay sau khi được tục bản, PNTV vẫn khẳng định theo tôn chỉ như trước. Bài xã luận “Cơ quan giáo dục và phấn đấu của phụ nữ Việt Nam” (đăng trên số 83, ngày 21 Mai 1931) khẳng định “Báo PNTV tái sanh, nguyện làm một cái cơ quan giáo dục và phấn đấu của phụ nữ An Nam. Tôi muốn nói rằng đây là nơi diễn đàn để cho chị em nào có kiến thức và nhiệt thành phô bày tư tưởng, ngỏ hầu giáo dục lẫn nhau, sao cho càng ngày đoàn phụ nữ càng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình biết đàng nào đáng cho mình noi theo mà tấn hóa”.
Ngoài biên tập, viết xã luận cho báo, bà Khanh đóng vai trò rất lớn trong việc vận động làm từ thiện - xã hội. Ngay sau khi PNTV phát hành được 2 số, bà đã đề xuất trích 15% từ lợi nhuận của báo để cấp học bổng cho 2 sinh viên Lê Văn Hai và Nguyễn Văn Hiếu sang Pháp du học.
Ngoài ra, báo cũng đứng ra tổ chức quyên góp giúp người thất nghiệp, anh chị em công nhân có đồng lương thấp. Năm 1931, bà đứng ra vận động các bà Trịnh Đình Thảo, sương phụ Nguyễn Trung Thu, bà Nguyễn Văn Nhã, bà Nguyễn Háo Ca và Cao Thị Cường thành lập Dục Anh hội với mục đích “tìm kiếm tất cả mọi phương pháp để giúp đỡ trẻ con nhà nghèo”.
Ngày 7-11-1931, Thống đốc Nam kỳ Krautheimer đã chuẩn y cho Hội Dục Anh ra đời với 10 thành viên, hội quán đặt tại số 65, đường Massiges (nay là đường Mạc Đĩnh Chi, phường Đakao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Hoạt động của Hội Dục Anh khá sôi nổi, đặc biệt là vào đầu tháng 2 hàng năm hội thiết kế lễ “Cây Mùa Xuân” tổ chức phân phát quần áo, khăn nón và bánh trái cho trẻ em nghèo trong các viện mồ côi. Báo PNTV Xuân năm 1934 mô tả quang cảnh Viện Dục Anh hội số 1 ở cầu Rạch Bần như sau:
“Trước cửa viện có một cái sân rộng, giữa sân trồng một cây có nhành lá xanh tươi, những đồ chơi xanh đỏ trắng vàng nào là búp bê, ba lông, tàu khói, xe hơi, khỉ, thỏ, cọp, voi đều treo lên mấy cành cây… Gần bên cây mùa xuân có mấy bàn bày la liệt nào hồng, cam, bánh, mứt, khăn, nón, vải sồ…”.
Từ thành công của Hội Dục Anh, tháng 11-1933 bà xướng xuất 3 việc lớn là thành lập Hội Cựu học sanh nữ học đường, Ủy ban Phụ nữ chủ nghĩa và Nữ lưu học hội; trong đó Nữ lưu học hội là một tổ chức quy tụ chị em tham gia học hỏi về nữ công gia chánh “giúp cho chị em có tri thức lại cũng sẽ rèn tập luôn cho chị em có chức nghiệp nữa” (PNTV số 226, ngày 30 Novembre 1933);
Đồng thời “trên con đường vận động chúng ta phải cải cách cái giáo dục bất thiện ấy đi, cái giáo dục chân chánh ngày nay chính là dạy cho đàn bà thoát ly cái chuyên chế của gia đình, khôi phục cái nhân cách, tăng tiến địa vị, đề cao trí thứ của chị em lên. Nói tóm lại là thay vào một nền tân giáo dục bình đẳng” (PNTV số 232, ngày 18 Janvier 1934).
Từ ngày 4 đến 7-5-1932, Báo PNTV tổ chức Hội chợ Phụ nữ từ thiện ở sân Tổng cuộc Thể thao Sài Gòn để gây quỹ cho Hội Dục Anh. Đây là cuộc hội chợ quy mô, với nhiều nhân sĩ tham gia vào Ban tổ chức. Nhiều địa phương Hà Nội, Huế và các tỉnh miền Tây đem các loại phẩm vật đến trưng bày. Ngoài đấu xảo nữ công còn có các cuộc thi đấu thể thao, đàn ca, diễn thuyết…
Sau hội chợ, các tờ báo: Công Luận, Trung Lập, Sài Thành… viết bài tố cáo ông Nguyễn Đức Nhuận đã tư túi khoản tiền thu được từ hội chợ, nhất là khoản thu không minh bạch về việc bán bông giấy (confetti).
Trong số báo ra ngày 3 Juin 1934, ông Nhuận đã trả lời “Việc độc quyền bán bông giấy trong hội chợ tôi đã có xin ông Hội trưởng Nguyễn Xuân Bái để cho tôi bán lấy tiền bỏ vào quỹ học bổng phụ nữ. Vậy thì lời lỗ về tôi chịu chớ không dính vấp gì với hội”. Cuộc tranh luận kéo dài nên phải đưa nhau ra tòa án. Cuối cùng, tòa xử trắng án.
Phụ nữ Tân Văn là nơi dấy lên phong trào thơ mới, là tờ báo ra số xuân đầu tiên, mở đầu ấn phẩm xuân hàng năm cho báo giới.
Năm 1934, PNTV đưa tin tên tư bản Homberg đút lót Bùi Quang Chiêu. Chính quyền thực dân ghép PNTV vào tội “mạ lỵ” và đình bản ở số báo 271, ra ngày 20 Décembre 1934. Đến ngày 21 Avril 1935 PNTV ra số cuối cùng rồi ngừng hẳn.
Có thể nói, ngoài việc lèo lái thành công tờ PNTV, bà Cao Thị Khanh là một nhà hoạt động xã hội nhiệt tâm vì người nghèo và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
NGUYỄN NGỌC PHAN