MTTQ với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 07/CT-TU chỉ đạo các cấp ủy trong tỉnh lãnh đạo thực hiện phong trào này.
Ông Huỳnh Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao Bằng khen cho Khu dân cư ấp Long Mỹ, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho. |
Theo đó, UBND, MTTQ và các ngành liên quan có các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Sở VH-TT&DL cũng đã ký kết Chương trình phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhằm nâng cao chất lượng phong trào trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh.
Các kế hoạch liên ngành với Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, Sở TN-MT, Sở Y tế… được ký kết, phối hợp triển khai thực hiện theo hệ thống mỗi ngành, mỗi tổ chức từ tỉnh tới cơ sở, trong đó tập trung nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, hướng dẫn xây dựng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư nhằm phát huy vai trò tự chủ, tự quản, tự xây dựng và bảo vệ của người dân tại cộng đồng…
Để phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) có hiệu quả, MTTQ các cấp đi sâu tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu dân cư tham gia Chương trình “1 tăng, 4 giảm”. Mặt khác, từ năm 2007 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh có chủ trương xây dựng các mô hình điểm khu dân cư, kết quả từ 49 khu dân cư điểm của năm 2007, đến nay nhân rộng ra 483/1.024 khu dân cư, 173/173 xã, phường, thị trấn đều có tổ chức mô hình ở khu dân cư.
Đã phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề cho 32.724 lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 130.000 lao động; giúp 51.762 ngày công lao động, 2.251.209 cây, con giống. Bên cạnh đó, vận động quỹ vì người nghèo được 167,5 tỷ đồng, xây tặng 20.306 căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn cho 506 hộ nghèo, trao 30.000 suất học bổng cho các em vượt khó học tốt…, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm, đến năm 2015 toàn tỉnh còn 4,98% hộ nghèo.
Ngoài ra, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân đã đóng góp hàng chục ngàn ngày công lao động, hiến đất và đóng góp tiền với tổng trị giá 586,6 tỷđồng cùng Nhà nước xây dựng các công trình cầu bê tông, đường nhựa, đường bê tông nông thôn…
Có thể nói, phong trào TDĐKXDĐSVH đã giúp nhân dân xây dựng mối quan hệ đoàn kết, giúp đỡ nhau, góp phần phát triển kinh tế, giảm hộ nghèo; ý thức sống và làm việc theo pháp luật được phát huy, tính tự quản trong cộng đồng dân cư mở rộng.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: Một số nơi vai trò của MTTQ trong việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và sự phối hợp với các ngành chức năng có lúc chưa tốt, chưa chặt chẽ. Một số cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp nắm chưa chắc, thậm chí hiểu chưa hết ý nghĩa, nội dung của phong trào nên bị động, lúng túng trong tổ chức thực hiện. Chất lượng các danh hiệu: Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ở một số nơi chưa phản ánh đúng thực tế…
Trong thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp trong quá trình thực hiện phong trào; quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác Mặt trận; chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên phải bảo đảm được 4 rõ: “Rõ nội dung, rõ trách nhiệm, rõ biện pháp thực hiện và rõ thời gian hoàn thành”, lấy nội dung xây dựng gia đình văn hóa làm nội dung trung tâm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, đảm bảo chất lượng khi xét, công nhận danh hiệu này… để hiệu quả phong trào ngày càng được nâng cao.
BAN PHONG TRÀO ỦY BAN MTTQ TỈNH