Đạo diễn Tấn Lộc: Trưởng thành từ sân khấu không chuyên
Ở Tiền Giang, trên 30 năm qua, cái tên Tấn Lộc trở nên quen thuộc trong giới văn nghệ của tỉnh bởi uy tín nghề nghiệp của anh. Có thể nói, anh là người đa tài, từ viết nhạc, viết kịch, đến dàn dựng, biểu diễn, ở vai trò nào anh cũng làm tốt và luôn để lại dấu ấn.
Tấn Lộc sinh năm 1957, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho. Do có năng khiếu ca nhạc, múa, diễn kịch nên năm 1977 Tấn Lộc được Đoàn Văn công Tiền Giang (nay là Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang) tuyển dụng, công tác ở đoàn đến năm 1980.
Từ năm 1981 đến năm 1990 anh là diễn viên, rồi Đội trưởng Đội Thông tin lưu động tỉnh. Từ năm 1995 anh là Phó Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh, rồi Trưởng đoàn từ năm 2001 đến nay. Anh đã tốt nghiệp Đại học Văn hóa quần chúng và Đại học Đạo diễn sân khấu.
Là người gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) của tỉnh, nên khoảng từ năm 1981 Tấn Lộc đã dàn dựng thành công nhiều chương trình VNQC cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để tham dự các cuộc hội diễn VNQC cấp tỉnh và cấp khu vực đoạt nhiều giải thưởng.
Nhiều vở kịch ngắn do anh sáng tác và dàn dựng được công diễn trên sân khấu không chuyên của tỉnh gây được tiếng vang như: Gãy càng tôm, Trước sóng gió, Con đường người lính, 3 điều ước…
Vào những năm 1990, anh dàn dựng rất thành công nhiều vở kịch nói cho CLB Kịch nói của Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh và CLB Sân khấu trẻ Tiền Giang như: Thị Mầu lên chùa, Sân ga tình người, Điều không thể mất và vở cải lương “Cung đàn nước mắt” của soạn giả Huỳnh Anh. Đặc biệt, chập cải lương Người lính do anh sáng tác và dàn dựng được Đài Truyền hình Cần Thơ thu hình và phát sóng năm 1990 được khán giả và đồng nghiệp ở ĐBSCL khen ngợi bởi cách đặt, giải quyết vấn đề và cái nhìn của tác giả về người lính trong thời bình.
Tấn Lộc còn dàn dựng múa cho sân khấu không chuyên, sáng tác một số bài hát tân nhạc khá hay, được nhiều bạn trẻ chọn hát trên sân khấu VNQC của tỉnh như: Em yêu màu phấn trắng, Cai Lậy quê em, Người làm đẹp thành phố…
Ở vai trò diễn viên, khoảng từ năm 1981 đến năm 1990 anh là người diễn hài rất có duyên trên sân khấu thông tin lưu động của tỉnh cùng với ê-kíp diễn viên giỏi nghề lúc bấy giờ như: Quốc Hưng, Thanh Hải, Lệ Quyên, Ngọc Sánh, Nguyệt Sương… Có thể nói, chương trình biểu diễn của Đội Thông tin lưu động tỉnh trong giai đoạn này rất sinh động, hấp dẫn, vừa đạt được hiệu quả tuyên truyền vừa tạo được dấu ấn nghệ thuật trong lòng công chúng khắp nơi trong tỉnh, cho đến bây giờ nhiều cô bác ở xã vẫn còn nhắc đến.
Từ năm 2000 đến nay, anh tham gia dàn dựng cho Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh một số vở cải lương để tham dự các cuộc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đoạt Huy chương Bạc như: Thiếu phụ Sông Tiền, Trăng soi dòng Bảo Định, Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy. Các vở diễn này cũng đã đem đến giải thưởng Huy chương Vàng và Huy chương Bạc cho các diễn viên: Đào Vũ Thanh, Nhơn Hậu, Thanh Tâm, Hoài Dương, Lâm Ngân, Huỳnh Mơ.
“Tiếng lành đồn xa”, trong nhiều năm qua đạo diễn Tấn Lộc được nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL mời dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ quần chúng, các vở kịch ngắn, chập cải lương, kịch bản tuyên truyền lưu động tham dự các cuộc hội thi cấp khu vực; đặc biệt là những vở kịch ngắn của anh với kịch bản văn học rất đơn giản, nhưng khi qua tay anh đã toát lên được nội dung tư tưởng mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại.
Qua mấy mươi năm gắn bó với phong trào VNQC của tỉnh, anh đã dìu dắt cho nhiều diễn viên trẻ thành danh như: Quyền Linh, Chu Thiện, Nhơn Hậu, Thúy Vi… Bản thân người viết bài này cũng đã được anh dìu dắt, động viên đi học Trung cấp Văn hóa quần chúng ở TP. Hồ Chí Minh vào những năm 1987 - 1988.
Từ năm 2001 đến nay, với trách nhiệm là Trưởng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh (trực thuộc Sở
VH-TT&DL), anh đã điều hành tốt hoạt động của đoàn, phục vụ tốt nhiều sự kiện chính trị, các lễ hội lớn của tỉnh và thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân, tạo được uy tín nghệ thuật của Đoàn ở trong và ngoài tỉnh, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành VH-TT&DL. Anh được lãnh đạo tỉnh đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào cuối năm 2015.
THANH HẢI