Ghi nhận từ lớp ĐCTT nâng cao: Học hát với niềm yêu thích thật sự
Ngày 9-7, Sở VH-TT&DL phối hợp Phòng VHTT huyện Chợ Gạo tổng kết, cấp giấy chứng nhận cho 31 học viên tham gia khóa học đờn ca tài tử (ĐCTT) tại Trung tâm VHTT huyện Chợ Gạo.
Lớp học do nghệ nhân Nguyễn Thế Châu và tài tử đờn Phạm Thành Danh (Tám Danh) hướng dẫn. Học viên đa phần ở các huyện, thị phía Đông và TP. Mỹ Tho. Qua 3 tháng học tập, học viên đã được hướng dẫn một số bài bản tài tử, bản ngắn cải lương, một số bài lý, vọng cổ nhịp 32, nhịp 16…
Nghệ nhân Nguyễn Thế Châu cho biết: “Tôi lấy làm lo lắng khi kiểm tra đầu vào chỉ có 2 học viên biết nhịp cơ bản. Vậy mà sau 2 lần kiểm tra chất lượng, học viên đã tiến bộ rất nhanh, có trên 50% học viên có thể tự tin hát giao lưu đúng bài bản và nhịp đờn. Điều này cho thấy nhạc dân tộc vẫn được nhiều người yêu thích, tất cả đi học hát với niềm yêu thích thật sự…”.
Học viên chụp ảnh lưu niệm với thầy Nguyễn Thế Châu (ngồi). |
Lớp học đủ mọi thành phần: Tiểu thương, thợ may, nông dân, cán bộ Hội LHPN, cán bộ hưu trí, sinh viên mới ra trường… Trong 3 tháng qua, vào mỗi sáng sớm thứ Bảy và Chủ nhật, 31 học viên tất bật “khăn gói” đến lớp. Có không ít học viên ở huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông hay ở huyện Cai Lậy dù xa nhưng vẫn đến lớp đều đặn, đúng giờ, vào lớp với tinh thần ham học và cầu tiến.
Học viên lớn tuổi nhất là Nguyễn Thị Hồng (SN 1951, ngụ xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) đã vui vẻ cho biết: “Tôi thích hát lắm. Nghe có mở lớp học ĐCTT là đăng ký. Ở quê bây giờ hầu như có đám tiệc là có dàn nhạc. Học để biết canh nhịp, biết hát một số bản ngắn cho tinh thần thoải mái, chứ không phải thi thố gì. Chồng tôi cũng muốn tham dự khóa học này, nhưng nhường tôi để lo việc nhà thay vợ”.
Học viên trẻ nhất là Huỳnh Ngọc Nhã Thy (SN 1991, cử nhân Văn hóa mới ra trường) bày tỏ: “Hồi còn là sinh viên, mỗi lần họp mặt giao lưu là bạn bè đề nghị em ca vọng cổ vì biết em là người Tiền Giang - nơi xuất hiện nhiều “cây đa, cây đề” của nhạc tài tử và cải lương. Được học về Văn hóa Việt, em càng yêu hơn nền âm nhạc dân tộc và luôn tìm cơ hội để được tìm hiểu sâu hơn. Vì lẽ đó em đến với lớp ĐCTT này. Em mong có rất nhiều người, nhất là bạn trẻ biết quý trọng và yêu thích dòng âm nhạc này”.
Chị Nguyễn Bích Phượng (SN 1972), là Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Bà Lẫy, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông chia sẻ: “Tôi làm nghề thợ may. Đi học lớp ĐCTT thì phải tăng thời gian làm ban đêm. Mỗi ngày đi - về hơn 70 km vậy mà không ngán, trái lại rất vui. Nôn nao tới thứ Bảy, Chủ nhật để đi học. Đến lớp không những học thầy mà còn học ở bạn bè. Giờ thì tôi có thể ca vọng cổ, hát liên nam, kim tiền huế, văn thiên tường…, có “vốn” để hát giao lưu, sinh hoạt nhóm, sinh hoạt các câu lạc bộ…”.
Các anh chị em của các nhóm ĐCTT trong và ngoài tỉnh cũng thường xuyên đến với học viên trong lớp, có thời gian thì cùng hát giao lưu. Thầy Tám Danh (Phạm Thành Danh) là người cực nhất, bởi là tay đờn duy nhất đờn cho cả thầy và trò cùng hát, đờn không ngơi tay nhưng lúc nào thầy cũng tươi cười.
Cứ mỗi bài thầy dạy xong thì từng người hát lại. Những buổi kiểm tra, các học viên ăn mặc rất nghiêm túc, nữ áo dài, nam áo sơ mi cà vạt, có người mặc cả đồ vét-tông; thí sinh bên dưới tập trung, lo lắng cho người đang được kiểm tra, hát hay, hát chưa đúng cũng đều được tập thể vỗ tay khích lệ.
Cuối khóa học, lớp có chương trình trên 30 phút để báo cáo. Kim Chi, Kim Định, Ngọc Quyền, Văn Mỹ, Phương Diệu và Nhã Thy là 6 học viên giỏi của lớp đã có mặt trong chương trình báo cáo với các bài: Vọng cổ, Đoản khúc Lam Giang, Văn Thiên Tường, Xế xảng….
Thầy Nguyễn Thế Châu vui mừng nói rằng: “Tôi thật sự không ngờ kết quả cuối khóa như thế này. Tôi tin rằng các em sẽ hát tốt hơn và tự tin hơn trong các buổi giao lưu…”. Ông Trần Thanh Phúc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Lớp học nằm trong Đề án Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015. Tôi mong rằng, sau khi được học lớp ĐCTT này, các anh chị sẽ yêu hơn và cùng nhau góp phần gìn giữ dòng nhạc dân tộc độc đáo này mà ông cha ta đã để lại….”.
ÁI QUỲNH