Gò Công cảnh cũ người xưa xứng đáng được giữ gìn và trân trọng
Cụ Việt Cúc (1906 - 1990) tên thật là Nguyễn Văn Tám (tự Thê), được người dân kính trọng gọi thầy Bảy Thê (sinh quán làng Tân Niên Tây, nay là xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông). Từ nhỏ cụ học chữ Nho, hành nghề thuốc Bắc từ lúc 21 tuổi, học thêm về thuốc Nam, chữa bệnh, được Bộ Y tế cấp Bằng Đông y sĩ hạng A. Cụ từng tham gia Ủy ban Nông dân, Thanh niên cứu quốc… có nhiều hoạt động tích cực cho kháng chiến.
Cụ viết 2 tập ký sự Gò Công cảnh cũ người xưa, thể loại ký sự - từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX.
Dù trước đây đã đọc qua 2 quyển sách này với tổng cộng hơn 200 trang, nhưng sự hấp dẫn ấy không suy giảm mà ngược lại. Bài viết không dài, văn phong giản dị mà chân thật, sưu tầm, tra cứu công phu, rõ ràng về địa lý, địa danh, phong tục, lễ hội, truyền thuyết, các sự kiện nổi bật từng làng, xã ở Gò Công và những tiến bộ khoa học du nhập từ phương Tây…, khiến người đọc khó mà dứt được.
Quyển thứ nhất, cụ Việt Cúc giới thiệu Gò Công thuở xưa từ cuối thế kỷ XVII, thời tiền nhân khẩn hoang lập ấp, mở rộng đất gò, khai thông đường thủy cho thuận lợi sản xuất, sinh hoạt. Phần lịch sử và di tích có các bài: Lăng Võ Tánh tại Gò Tre, Giồng Sơn Qui, Truông Cóc, Vàm sông Bao Ngược… với câu hò nao lòng “Anh đi chuyến gạo Gò Công/ Anh về Bao Ngược bị giông đứt buồm…/Anh ơi!/ Thuyền anh cao nhưng sóng cả nhận chìm/ Em trông sông bao nhiêu khúc nỗi niềm ruột đau ơ hơ…”.
Kế đến là lai lịch, nguồn gốc chợ Tổng Châu, giồng Xe, cống Ông Lánh, giồng Găng, chùa Mục Đồng, rạch Già, láng Chim, rạch Ông Niên, bến vựa Ngoài, vịnh Đôi Ma, cầu Tam Bảng, trại Cá, cửa Khâu… và các đập, cống, bến, xóm, ao, thành, nhà, miễu, chợ, rạch, ụ, gò…, hầu hết ở các xã phía Đông của tỉnh Gò Công xưa. Cụ viết thêm về những nghi lễ xưa (quan, hôn, tang, tế) rất rành mạch.
Tiếp theo là những biến cố xảy ra trong thời kỳ Chánh phủ Pháp đến xứ này có các bài: Nạn Văn Thân, Nạn Đề Thám, Nạn Lính tản, Phong trào cách mạng, Thầy Ta học tiếng Tây, Bão lụt năm Thìn (1904), Thiên Địa hội, Giặc cào cào (năm 1908), Tá điền với chủ điền. Về đề tài khoa học phát minh có các bài: Cái máy hát, Máy chụp hình, Đua xe máy.
Trong bài “Máy chụp hình” có kể chuyện vào lễ khai thị chợ mới Gò Công (năm 1916) với đủ đầy quan viên huyện phủ tổng làng dự, cùng đoàn xe từ Sài Gòn xuống. Lúc ban nhiếp ảnh trương máy chuẩn bị chụp quan viên thì “… Một ông lớn tuổi đứng chắc lưỡi ra vẻ hoài nghi, nói lên rằng: Thật là quan Tây họ khôn khéo trật đời, họ đem máy ấy để “chụp hình” hết quan viên, hương chức tỉnh này, rồi họ thâu hình thâu đĩa vào đó, khiến người ấy mất hồn vía hết, đặng cho họ dễ say khiến…”. Thiên hạ nghe vậy sinh sợ sệt, máy chụp hình tới đâu thì lo trốn đi nơi khác.
Đặc biệt, bài “Máy bay” tường thuật sự kiện lớn đầy thú vị đối với người Gò Công. Để đón chiếc máy bay lần đầu tiên từ Sài Gòn xuống Gò Công, chính quyền sở tại lo làm đường đất phẳng dài độ 1.000 mét, ngang 1 mét (đoạn giếng nước, gần ngã tư nhà thờ, đường Nguyễn Văn Côn - TX. Gò Công hiện nay), tổ chức trọng thể, truyền rao cho dân chúng các làng đến xem. Dân tình hiếu kỳ nườm nượp chờ đón từ khuya, 9 giờ sáng máy bay xuất hiện lượn 3 vòng rồi đáp xuống đường đất.
Trích đoạn tác giả miêu tả chiếc máy bay rất hình tượng: “… Kiểu mới phát minh, còn đơn sơ, có hai cánh vuông trên và cánh dưới đều lợp thiếc mỏng. Khi cho máy chạy, phải đến trước đầu, dùng tay nắm cái cánh quạt xoay ít vòng cho lấy trớn, máy mới phát động. Đến lúc sắp bay, lại cần năm, bảy người nắm đuôi ghì lại cho phần đầu cất lên, rồi mới buông tay cho máy bay bổng…”. Người lạc quan, người bi quan bàn tán rất nhiều về tiến bộ khoa học này.
Quyển thứ nhì, cụ Việt Cúc có lời giới thiệu khá chi tiết về đất Gò Công “Địa linh - Nhân kiệt” theo thuật phong thủy, dịch lý. Sau đó là các mẩu chuyện: Ông súng cà lăm, Đời bà Lưu, Cảm tình cười và khóc, Ngôi mộ xóm Gò…, nội dung đề cao cuộc kháng Pháp của Anh hùng dân tộc Trương Định với những liệt nữ, Anh hùng như bà Lưu (Gia Thuận), Đốc binh Tình, Phó đốc binh Chung, Đặng Công Khả (Vĩnh Hựu), ông Hòa, ông Quới (Tân Niên Trung)…
Kế tiếp, cụ viết về lai lịch di tích Gò Lân, miễu Bà Rô, mả Bà Tương, chùa Bà Đá, ao Trôm xóm Rèn, xóm Đình, cầu Ông Hương Lễ… với nhiều truyền thuyết dân gian. Chuyện “Gắn mề đay”, “Trên đường hầu bái” với tình huống lố bịch của những kẻ chuộng hư danh, bợ đỡ, phù phiếm. Còn rất nhiều bài sưu khảo địa danh, phong tục như: Cửa Đàng Xà, Cầm trâu bãi cỏ, Chợ Sáu Thoàn, Vàm Rồng, Mộ quan Thừa Chỉ…
Chỉ với hơn 200 trang sách Gò Công cảnh cũ người xưa đã đưa người đọc hồi tưởng, hiểu biết thêm nhiều về nguồn cội Gò Công để thêm yêu quý vùng đất phía Đông tỉnh nhà, mãi là dấu ấn giá trị, xứng đáng được giữ gìn và trân trọng.
NGUYỄN KIM