Rạp hát thầy Năm Tú: Bao giờ được "đánh thức" sau một "giấc ngủ" dài?
Tọa lạc tại đường Lý Công Uẩn (nay thuộc phường 1, TP. Mỹ Tho - gần chợ Mỹ Tho), Rạp hát Thầy Năm Tú được xây dựng khoảng năm 1905, do ông Châu Văn Tú (thường gọi thầy Năm Tú, quê quán xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) đầu tư kinh phí, ban đầu để chiếu bóng.
Năm 1918 ông Năm Tú mua lại gánh xiếc và ca ra bộ của André Thận, rồi bỏ tiền mời thêm đào kép, thầy tuồng lập nên “Gánh hát Thầy Năm Tú” và Rạp hát Thầy Năm Tú là rạp hát cải lương đầu tiên, nơi trình diễn vở cải lương đầu tiên của Việt Nam vào năm 1918.
Trích đoạn cải lương Nửa đời hương phấn của CLB Đờn ca tài tử (Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang). |
Vào thời hoàng kim, Rạp hát Thầy Năm Tú được coi là “kinh đô” sân khấu cải lương của lục tỉnh Nam kỳ, là nơi lui tới thường xuyên của giới thượng lưu, tài tử giai nhân. Sân khấu đêm đêm đỏ đèn, “cháy” vé… Thời hoàng kim qua đi, rạp nhiều lần thay tên như: Hí viện Vĩnh Lợi, Rạp Tiền Giang…
Những năm thập niên 80, thập niên 90 của thế kỷ trước, rạp được sửa chữa lại, dùng để chiếu phim và các đoàn cải lương trong, ngoài tỉnh như: Tiền Giang 1, Tiền Giang 2… cũng góp phần tạo nên sức sống mãnh liệt nơi này, với 3 suất diễn trong ngày vào những dịp tết; là nơi tổ chức một số hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, lực lượng vũ trang Tiền Giang… Sau đó rạp xuống cấp nên phải đóng cửa im lìm, đìu hiu, quạnh quẽ suốt một thời gian dài.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Để giữ gìn, tôn tạo nơi được mệnh danh là “cái nôi cải lương”, lãnh đạo Sở đã đề xuất tu sửa lại nhằm lưu giữ di tích lịch sử cấp tỉnh. Rạp được khởi công xây dựng (tu bổ lại) vào tháng 3-2014 và hoàn thành vào tháng 12-2014 với kinh phí gần 3 tỷ đồng, chính thức đổi tên lại là Rạp Thầy Năm Tú, đưa vào hoạt động tháng 7-2015 và đang hoàn thành hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Cùng với việc đại trùng tu, Sở VH-TT&DL cũng đã triển khai một số hoạt động định kỳ, hướng tới phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân và du khách qua đêm: Phối hợp Đài PT-TH, Hội VH-NT, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh, Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL)… tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hội thi, liên hoan, giao lưu…”.
Trước mắt, nhằm đưa rạp trở lại sáng đèn, song song với việc tổ chức chiếu phim 3D, phim màn ảnh rộng mỗi đêm tại rạp là hoạt động giao lưu đờn ca tài tử (ĐCTT) được tổ chức định kỳ mỗi tối thứ Sáu hàng tuần với sân khấu ngoài trời được dựng ngay trước rạp để thuận tiện thu hút khán giả, nòng cốt là những thành viên trong CLB ĐCTT của Hội VH-NT tỉnh như:
Nguyệt Châu, Kim Loan, Minh Tuấn, Minh Thiết, Thu Hiền...; kết hợp giao lưu với các nhóm, CLB ĐCTT trong và ngoài tỉnh, đan xen với các tiết mục biểu diễn ảo thuật, kịch câm, trích đoạn cải lương... Đến xem chương trình có khá đông khán giả là bà con mộ điệu trong khu vực chợ Mỹ Tho và một số huyện lân cận như: Châu Thành, Chợ Gạo.
Chị Lâm Bích Thủy (49 tuổi, ngụ phường 3, TP. Mỹ Tho) vừa say mê xem chương trình vừa chia sẻ: “Tối thứ Sáu nào tôi cũng đến đây xem ĐCTT, thích nhất là nghe ca vọng cổ, xem những trích đoạn cải lương. Hồi nhỏ tôi thường đến rạp Vĩnh Lợi (Rạp Thầy Năm Tú) xem cải lương. Hồi đó có Đoàn Tiền Giang 1, Tiền Giang 2... thường diễn ở đây nguyên tuồng dài, người xem rất đông, dịp tết diễn tới 3 suất/ngày. Ước gì bây giờ có được những tuồng dài như vậy để xem!”.
Anh Trần Văn Tám (58 tuổi, ngụ phường 10, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Ở nhà xem phim hoài cũng chán. Tiếc là Rạp Thầy Năm Tú sửa chữa xong rồi mà chưa cho vô diễn, thậm chí Giải Chuông Vàng vọng cổ vừa rồi cũng không đem vào Rạp Thầy Năm Tú tổ chức!?”.
Chúng tôi mang niềm trăn trở này đến hỏi ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT&DL, được ông trả lời: “Giải Chuông Vàng vọng cổ khu vực, chúng tôi có đưa Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh vào rạp khảo sát, nhưng họ không chịu vì sức chứa của rạp chỉ gần 600 người và bên ngoài không chỗ để xe. Vì lẽ đó họ yêu cầu tổ chức trong Trung tâm Hội nghị tỉnh cho rộng hơn. Vả lại, cuộc thi này do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức nên mình không quyết được…”.
Bên trong rạp, gần 600 ghế mới và sân khấu còn thơm mùi gỗ. Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh giới thiệu: “Tầng lửng hiện đang là chỗ chiếu phim 3D, tầng trệt phục vụ phim màn ảnh rộng với số lượng khán giả chưa nhiều lắm. Tạm thời rạp hoạt động những ngày cuối tuần: Thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật chiếu phim; thứ Sáu biểu diễn ĐCTT.
Dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 năm nay, ngày 1-9 chúng tôi sẽ tổ chức chiếu phim tại rạp này, mời lãnh đạo tỉnh, một số huyện, thị, thành và nhân dân ở TP. Mỹ Tho đến xem phim Nhà tiên tri của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất; sau đó sẽ tìm phương hướng khai thác hoạt động cho rạp vào các ngày còn lại trong tuần…”.
Người dân hiện nay có quá nhiều lựa chọn hình thức giải trí, thưởng thức nghệ thuật thì việc đưa Rạp Thầy Năm Tú trở lại thời vàng son là điều không phải dễ. Bởi theo Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh:
“Do kinh phí hạn hẹp nên mỗi tuần chúng tôi chỉ có thể tổ chức hoạt động giao lưu ĐCTT xen với phần biểu diễn ảo thuật và trích đoạn cải lương ngoài tiền sảnh của rạp để đem lại “luồng gió nghệ thuật” truyền thống cho nơi này.
Chúng tôi cũng có những ước vọng tạo cho Rạp Thầy Năm Tú có sức sống mãnh liệt hơn sau một “giấc ngủ” dài, nhưng ước mong đó không phải dễ khi cải lương, ĐCTT đã không còn ở vị trí “độc tôn” như thời kỳ trước tại Nam bộ. Đó là một “bài toán” chưa có “đáp số” nên tạm bằng lòng với hiện tại!”.
Thiết nghĩ phương pháp “bảo quản” tốt nhất một di tích, bên cạnh việc trùng tu, sửa chữa thì không gì khác ngoài việc tìm cách “thổi hồn” để cho Rạp Thầy Năm Tú có một đời sống thực sự, thường xuyên sáng đèn phục vụ nhân dân những “món ăn tinh thần” mang nét nghệ thuật dân tộc.
NGỌC LỆ