Sức lan tỏa từ Liên hoan CLB Gia đình phát triển bền vững...
Liên hoan CLB Gia đình phát triển bền vững và Đội Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) tỉnh lần thứ II - năm 2015 diễn ra vào đầu tháng 9, với sự tham gia của 15 đội đại diện cho 11 huyện, thành, thị.
Các đội đã trải qua 3 phần thi: Tự giới thiệu, Trắc nghiệm kiến thức và Tiểu phẩm. Mỗi phần thi với những yêu cầu khác nhau nhưng buộc phải có sự tham gia đầy đủ cả 5 thành viên của mỗi đội, vì thế buộc mỗi thành viên phải nỗ lực với tinh thần thống nhất, đoàn kết… thì mới có thể đạt được kết quả cao nhất.
Phần Tự giới thiệu đoạt giải I của đơn vị xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo. |
Ở phần thi Tự giới thiệu, nhiều đội đã khéo léo kết hợp nhiều hình thức văn hóa - nghệ thuật như thơ ca, hò, vè, các bản ngắn cải lương, các điệu lý cùng với lối dẫn dắt sinh động, kèm tranh ảnh, panô, slide trình chiếu (có các số liệu minh chứng)…
Các đội ấp Lương Phú A (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo), ấp Mỹ Phú (xã Tân Phú, TX. Cai Lậy)… còn đầu tư trang phục đẹp, đồng phục cho các thành viên, chứng tỏ có sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc để tham gia liên hoan.
Đội ấp Lương Phú A không chỉ đầu tư về hình thức mà cả nội dung. Trong 5 phút của phần Tự giới thiệu, 5 thành viên đã thể hiện ca, múa, tuyên truyền miệng và hình ảnh trực quan khá sinh động, nêu bật được thành tích hoạt động và những đặc điểm của địa phương mình và đã xứng đáng đoạt giải I ở phần thi này.
Trong phần Thi trắc nghiệm kiến thức, các thí sinh trong trạng thái khá căng thẳng, bởi đòi hỏi tất cả các thành viên trả lời về những kiến thức pháp luật, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…
Để đảm bảo tính khách quan và phản ánh đúng thực lực của mỗi thành viên trong đội, Ban tổ chức đã xây dựng 5 bộ đề khác nhau, tương ứng với 5 thí sinh của mỗi đội. Phần thi đã diễn ra nghiêm túc, trung thực dưới sự giám sát của Ban tổ chức, Ban giám khảo. Kết quả hết sức bất ngờ: Có 3/15 đội đạt điểm tuyệt đối (100 điểm); còn lại 11 đội các thành viên có số điểm từ 90 - 98 điểm. Điều đó cho thấy các thành viên khá am hiểu kiến thức.
Thể hiện chiều sâu trong công tác tuyên truyền các nội dung mang tính chất thời sự, các hành vi cần điều chỉnh cho phù hợp với giá trị đạo đức truyền thống văn hóa… nên phần thi Tiểu phẩm được đầu tư công phu nhất. Yêu cầu nội dung gắn với xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị; xã đạt chuẩn nông thôn mới; phòng, chống tệ nạn xã hội; bình đẳng giới...
Đây là phần thi cần có sự kết hợp giữa nghệ thuật diễn xuất với công tác tuyên truyền. Chính từ lối diễn không chuyên nhưng rất chân thật, đề cập đến những vấn đề bức xúc trong xã hội nên đã đánh vào tâm lý người xem để mục đích tuyên truyền đạt hiệu quả cao.
15 tiểu phẩm như bức tranh đa sắc màu được diễn ra trên sân khấu trong 15 phút đã lột tả hiện trạng cuộc sống, nhiều nhất là bạo lực gia đình với nhiều hành vi khác nhau. Tiêu biểu là tiểu phẩm Cái vỏ hạnh phúc của đơn vị Khu phố 1 (phường 9, TP. Mỹ Tho) đã cho thấy góc khuất của thực trạng bạo lực về tinh thần trong gia đình trí thức - một loại bạo lực gia đình mà bên ngoài khó có thể nhận ra, bởi nó không gây tổn hại thân thể, vật chất nhưng làm tổn hại nếp nhà đi đến đổ vỡ hạnh phúc nếu không kịp dừng lại.
Tiểu phẩm đoạt giải I của phường 9, TP. Mỹ Tho. |
Ngoài hình thức kịch nói, một số đơn vị như: Ấp Lương Phú A (xã Lương Hòa Lạc), ấp Thanh Đăng (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) còn xây dựng chập cải lương, vận dụng lời ca tiếng hát để tuyên truyền những thông điệp mới, tạo sự thu hút khán giả. 2 tiểu phẩm này nhằm nêu hiệu quả của hoạt động CLB Gia đình phát triển bền vững trong công tác hòa giải, góp phần gìn giữ hạnh phúc gia đình…
Bên cạnh các đội có sự đầu tư tốt về trang phục, đạo cụ, hình ảnh minh họa, vẫn còn một số ít đội trang bị khá sơ sài, nhiều thành viên lần đầu bước lên sân khấu nhưng không có sự hỗ trợ, dìu dắt của người dàn dựng, còn rụt rè, bỡ ngỡ, lúng túng, chưa làm chủ được sân khấu…
Anh Nguyễn Cao Sơn (huyện Chợ Gạo) cho biết: “Liên hoan đã mang đến không khí thi tài sôi nổi, giúp các thành viên có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nhằm góp phần nâng chất hoạt động trong thời gian tới…”.
Theo bà Lê Thanh Lan, Trưởng ban giám khảo Liên hoan: “Nhìn chung, chất lượng Liên hoan lần này nâng lên về hình thức lẫn nội dung. Nội dung của các phần thi được gởi về ban tổ chức trước khi diễn ra hội thi đúng quy định. Thí sinh tham dự nghiêm túc, trang phục đẹp…
Tuy nhiên, còn một số khuyết, nhược điểm như: Phần tự giới thiệu của một số đội chưa có tính khái quát cao, chưa nêu được những điểm nổi bật trong hoạt động của đội mình. Một số phần thi còn mang tính báo cáo thành tích, thiếu hình ảnh minh họa, chưa có sự phân bổ đồng đều công việc giữa các thành viên. Về phong cách, nhiều thành viên còn thụ động, thiếu tự tin do chưa quen đứng trên sân khấu lớn…”.
Một cán bộ ngành Văn hóa nói rằng: “Liên hoan kết thúc với kết quả đúng với sự cố gắng đầu tư của các đơn vị, được căn cứ vào số điểm 3 phần thi cộng lại và xếp hạng; không có phần chọn các đội điểm cao vào chung kết xếp hạng với phần thi “Xử lý tình huống” nên không có kết quả “lội ngược dòng” là đội điểm thấp hơn bỗng vượt trội ở phần thi cuối và đứng thứ hạng cao gây bức xúc cho các đội khác như một số hội thi khác mà tôi đã dự”.
Tác giả Quốc Nhân (xã Long Khánh, TX. Cai Lậy) cho rằng: “Liên hoan đã tổ chức khá tốt, Ban tổ chức có tham khảo trước nội dung của 2 phần thi Tự giới thiệu và Tiểu phẩm. Thời lượng của tiểu phẩm quy định 15 phút là vừa đủ để gói gọn nội dung cần nêu lên, tạm đủ để tháo gỡ vấn đề đặt ra.
Ban tổ chức còn lo cho thí sinh ăn trưa tại chỗ để chuẩn bị tốt phần thi buổi chiều và để các thí sinh có dịp gần gũi chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, mở rộng thêm vòng tay bè bạn… Những cách làm này cần được duy trì trong những lần liên hoan tới”.
NHÃ THY