Bước tiến của phong trào "TDĐKXDĐSVH" ở huyện Cai Lậy
Năm 2015, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Cai Lậy chọn 3 xã: Thạnh Lộc, Cẩm Sơn và Ngũ Hiệp tập trung chuyển đổi danh hiệu “Xã Văn hóa” sang “Xã Văn hóa nông thôn mới (NTM)”. Để hoàn thành mục tiêu, các xã đã nỗ lực nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo bước đệm vững chắc để xây dựng xã NTM.
Một tuyến đường giao thông được mở rộng ở ấp 3, xã Thạnh Lộc. |
Về Thạnh Lộc, đổi thay về hạ tầng nông thôn là cảm nhận đầu tiên ở một xã có thế mạnh về sản xuất lúa hàng hóa. Những năm qua, sự đồng lòng, nhất trí của người dân đã tạo bước chuyển mình tích cực cho xã thực hiện mục tiêu xây dựng “Xã Văn hóa NTM”.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chính quyền xã tập trung nâng chất. Từ đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của người dân, góp sức thay đổi bộ mặt nông thôn qua từng công trình cầu, đường giao thông. Người dân xã Thạnh Lộc đã tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc với kinh phí trên 6,9 tỷ đồng hoàn thành các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt, giao thương hàng hóa.
Bà Đoàn Thị Hạnh, một hộ dân ở ấp 2, xã Thạnh Lộc chia sẻ: “Gắn bó lâu năm với một xã vùng sâu của huyện Cai Lậy, tôi rất phấn khởi khi Thạnh Lộc hôm nay thuận lợi hơn về điều kiện giao thông, đời sống người dân có nhiều thay đổi. Vì vậy, khi chính quyền xã vận động hiến đất mở rộng các tuyến đường, gia đình tôi và người dân quanh đây đều đồng thuận”.
Chuyển đổi danh hiệu xã văn hóa sang xã văn hóa NTM, xã Cẩm Sơn đặc biệt quan tâm tiêu chuẩn “Giúp nhau phát triển kinh tế”. 10 năm trở lại đây, qua chuyển giao khoa học - kỹ thuật và trợ vốn sản xuất của các đoàn thể, nông dân Cẩm Sơn đã vươn lên khá giàu với mô hình vườn chuyên canh.
Toàn xã có 966 ha đất nông nghiệp đã chuyển sang chuyên canh sầu riêng, bưởi da xanh, mít… Đời sống kinh tế phát triển, người dân phấn khởi trước những đổi thay của quê hương, hỗ trợ nhau thoát nghèo hiệu quả và tích cực đóng góp cho xã.
Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 29 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,4%. Năm 2014, Cẩm Sơn bình chọn 698 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” có thêm những kết quả tích cực.
Từ đầu năm đến nay, xã đã vận động kinh phí trên 500 triệu đồng cho xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo…
Ông Huỳnh Văn Sang, nông dân ấp 3, xã Cẩm Sơn cho biết: “Qua chuyển giao kỹ thuật, nông dân ứng dụng vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống đê bao được đầu tư xây dựng hoàn thiện nên bà con yên tâm chuyển ruộng lên vườn, chuyên canh cây ăn trái. Gia đình tôi sau 10 năm chuyển sang vườn chuyên canh sầu riêng, cuộc sống giờ đã ổn định”.
Kinh tế phát triển, người dân tích cực tham gia các phong trào, hoạt động xã hội tại địa phương, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt là chuyển biến sinh động từ việc chuyển đổi danh hiệu “Xã Văn hóa” sang “Xã Văn hóa NTM” ở xã Ngũ Hiệp thời gian qua. Nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xã Ngũ Hiệp tập trung vận động người dân chỉnh trang môi trường sống, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng, đấu tranh, phòng ngừa các tệ nạn xã hội...
Hiện nay, 92% hộ dân ở xã Ngũ Hiệp có hàng rào cây xanh hoặc hàng rào kiên cố, 75% hộ có sân kiểng làm đẹp khuôn viên nhà. Tình hình an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Bình xét cuối năm 2014, có 98% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Ông Nguyễn Minh Phương, người dân ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp nói: “Khi địa phương phát động chuyển đổi “Xã Văn hóa” sang “Xã Văn hóa NTM”, tôi thấy rất thực tế, vì nó tiếp tục làm cho mình thay đổi suy nghĩ, nhận thức để xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại hơn. Mỗi gia đình không chỉ chăm lo nâng cao mức sống, mà còn hoàn thiện mình để nâng chất gia đình văn hóa. Sự thay đổi của mỗi gia đình sẽ thay đổi cả cộng đồng dân cư”.
Xây dựng xã văn hóa đã khó, chuyển đổi danh hiệu “Xã Văn hóa NTM” lại càng cần sự nỗ lực của các xã. Để đạt được mục tiêu, ngoài vai trò của chính quyền xã trong việc chọn và có kế hoạch xây dựng từng giai đoạn, sự tin tưởng, đồng lòng thực hiện của người dân là yếu tố quyết định.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các xã đều nỗ lực nâng chất “Xã Văn hóa”, tiếp tục phát huy sức dân hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo bền vững, giữ vững an ninh trật tự... Việc chuyển đổi thành công “Xã Văn hóa” sang “Xã Văn hóa NTM” cũng là bước đệm vững chắc để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM hoàn thành đúng kế hoạch.
TRƯỜNG GIANG