Thứ Hai, 19/10/2015, 15:18 (GMT+7)
.

Đờn ca tài tử Tiền Giang tự hào quá khứ và sức sống hôm nay

Cùng với quá trình khai khẩn Nam bộ của di dân từ miền Trung, đờn ca tài tử (ĐCTT) được sinh ra từ chất liệu “bác học” của Nhã nhạc Cung đình Huế, kết tinh thêm chất phóng khoáng dân dã của miền Nam đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân vùng sông nước nơi này.

Ban Đờn ca tài tử TP. Mỹ Tho đoạt giải Nhất tại hội thi cấp tỉnh.
Ban Đờn ca tài tử TP. Mỹ Tho đoạt giải Nhất tại hội thi cấp tỉnh.

Theo TS. Mai Mỹ Duyên: “Vùng đất Mỹ Tho trước kia (Tiền Giang hiện nay), nơi mà TS. Phan Hiển Đạo đã truyền dạy nhạc Huế cho các môn sinh của mình; nơi mà cứ mỗi lần thương nhớ quê hương là Thái Hậu Từ Dụ đã cho dời ông Trần Thiên Trứ và cháu gái là Trần Thị Hậu ra Huế đờn ca giúp vui; nơi mà hai họ Trần - Nguyễn của làng Vĩnh Kim tỏa sáng trong nghệ thuật ca cầm; nơi mà cô Ba Đắc đã khởi xướng lối ca có lời đối đáp bằng những giọng khác nhau; nơi có Nguyễn Tống Triều cùng nhóm ĐCTT Mỹ Tho sang Pháp biểu diễn…” là niềm tự hào sống mãi trong chúng ta.

Càng tự hào hơn, ngày 11-2-2014 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức đã đại diện cán bộ và nhân dân Tiền Giang cùng đại diện lãnh đạo của 21 tỉnh, thành vinh dự nhận Bằng sở hữu “Nghệ thuật ĐCTT” là di sản của nhân loại, do bà Katherine Muller Marin, Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao. Góp công đầu trong việc làm hồ sơ đề xuất cũng như vận động ủng hộ là cố GS-TS Trần Văn Khê, người con của đất Tiền Giang.

Để xứng đáng với danh hiệu cao quý đó và phát huy, nhân rộng phong trào khắp tỉnh Tiền Giang, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo mở nhiều lớp ĐCTT từ cơ bản đến nâng cao. Năm 2013 toàn tỉnh có 121 câu lạc bộ (CLB), nhóm ĐCTT với 1.201 người tham gia hoạt động thường xuyên ở các xã (phường, thị trấn). Hiện nay, nhiều CLB, nhóm ĐCTT ra đời, cho thấy phong trào đang nở rộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT&DL, Đề án bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015 được xây dựng trước khi di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được UNESCO vinh danh, trong đó có một số nội dung phù hợp với Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014 - 2015 đã được Bộ VH-TT&DL công bố; đồng thời Sở VH-TT&DL đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cụ thể như: Rà soát, điều chỉnh thời gian; bổ sung nội dung, kinh phí của Đề án bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015.

Tiền Giang sẽ tiếp tục xây dựng Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020, tập trung một số hoạt động cơ bản sau: Tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ; tôn vinh (đã gởi hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho danh cầm Đức Huệ), tổ chức sáng tác bài bản tài tử, tạo điều kiện, môi trường cho các nghệ nhân, nhóm người, cộng đồng thực hành di sản; tăng cường các hoạt động quảng bá di sản; nâng cấp cơ sở vật chất, nơi sinh hoạt, thực hành nghệ thuật ĐCTT Nam bộ nhằm đưa di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ vào cuộc sống và đóng góp vào việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cộng đồng dân cư…

Lớp ĐCTT nâng cao do Sở VH-TT&DL mở cho học viên các huyện, thị phía Đông tại huyện Chợ Gạo năm 2015.
Lớp ĐCTT nâng cao do Sở VH-TT&DL mở cho học viên các huyện, thị phía Đông tại huyện Chợ Gạo năm 2015.

Từ nội dung trên, phương hướng của ngành VH-TT&DL tỉnh trong thời gian tới sẽ tích cực phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội thi, giao lưu, tạo điều kiện và khuyến khích các nhóm tự phát ở địa phương hoạt động theo định kỳ và mở rộng giao lưu; đã và đang mở các lớp hướng dẫn ca tài tử rộng rãi trong nhân dân (trước mắt tổ chức các lớp học gắn với việc duy trì và phát triển các CLB ĐCTT tại địa phương), góp phần nâng chất lượng nghệ thuật đờn, ca tài tử và tạo một sân chơi, giao lưu văn hóa - nghệ thuật bổ ích.

Hoạt động của các CLB ĐCTT ở tỉnh ta hiện nay không chỉ gói gọn tại cơ sở như thời gian trước, mà còn tổ chức giao lưu theo hình thức “xoay vòng” định kỳ giữa các xã, huyện với nhau. Ngoài ra, còn có các buổi “hẹn hò” giao lưu với các CLB ĐCTT ngoài tỉnh như: Bến Tre, Long An, Bình Dương… nhằm trao đổi, thi tài để nâng cao ngón đờn, giọng ca.

Một số CLB ĐCTT tiêu biểu tổ chức sinh hoạt định kỳ như: CLB do Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang tổ chức, sinh hoạt thường kỳ vào thứ sáu hàng tuần tại Rạp thầy Năm Tú; CLB ĐCTT tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và nhiều CLB huyện, xã…

Bên cạnh đó, còn có nhiều CLB ĐCTT tư nhân do các thầy đờn - những người tâm huyết lâu năm với nghệ thuật ĐCTT lập nên, vừa giảng dạy học trò, vừa có những buổi giao lưu đờn ca với nhau, tiêu biểu có nhóm ĐCTT của thầy Mười Phong (sinh hoạt thứ tư và chủ nhật hàng tuần tại phường 9, TP. Mỹ Tho)…

Không chỉ là thú giải trí như ngày xưa, mà hiện nay ĐCTT còn được đưa vào đời sống như một loại hình dịch vụ, vừa để giới thiệu cho bạn bè quốc tế thông qua việc phục vụ ĐCTT tại Khu du lịch Thới Sơn. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan và giới hạn về thời gian của chuyến tham quan du lịch nên việc phục vụ tại đây vẫn chưa diễn tả hết cái hồn của ĐCTT, mà chỉ giới thiệu được một vài bài bản vắn, mang màu sắc tươi vui, được biến tấu ít nhiều cho phù hợp với thị hiếu của du khách.

CLB ĐCTT Tiền Giang tham dự Lễ hội ĐCTT toàn quốc lần thứ I tại Bạc Liêu.
CLB ĐCTT Tiền Giang tham dự Lễ hội ĐCTT toàn quốc lần thứ I tại Bạc Liêu.

TS. Mai Mỹ Duyên từng kết luận: Lịch sử đã cho thấy một truyền thống văn hóa được xác lập, một sự kế tục và tiếp nối đã tạo nên tính liên tục của nghệ thuật ĐCTT ở vùng hạ lưu sông Tiền. Đó còn là một bằng chứng không thể phủ nhận rằng Tiền Giang là nơi khởi xướng ra nghệ thuật ĐCTT và sân khấu cải lương Nam bộ.

Bao thế hệ ở Tiền Giang yêu mến âm nhạc dân tộc, trong điều kiện của mình đã nỗ lực để giữ gìn, khôi phục, tôn vinh những giá trị tinh thần to lớn mà dòng nhạc này mang lại. Những cuộc liên hoan ĐCTT tổ chức hàng năm từ các cấp xã, huyện, tỉnh và những giải thưởng cao đã mang về cho tỉnh nhà qua các cuộc liên hoan, hội thi khu vực và toàn quốc.

Những nghệ nhân tài tử của trên 100 CLB, ban, nhóm ĐCTT đã dầm mưa dãi nắng để duy trì sinh hoạt định kỳ cho thỏa lòng tri kỷ tri âm; những lớp dạy ĐCTT ở tư gia với một mức học phí thấp đến không ngờ hay các lớp học do ngành Văn hóa tổ chức hoàn toàn miễn phí chỉ cốt mong có người nối dõi nghệ thuật ĐCTT.

Những cuộc vận động sáng tác bài ca, bản nhạc mới để tăng thêm sức sống cho nhạc tài tử trước sự “tấn công ào ạt” của làn sóng văn hóa nước ngoài... Tất cả đang là sự cộng lực của biết bao con người ở những mặt bằng xã hội khác nhau nhưng lại có chung một đối tượng để tự hào và yêu mến đó là: Nghệ thuật ĐCTT.

Có thể nói, chưa bao giờ phong trào ĐCTT ở tỉnh ta nở rộ, phong phú dưới nhiều hình thức và nhận được sự quan tâm, định hướng đúng đắn của cơ quan quản lý như hiện nay. Đó là một tin vui giúp chúng ta tin rằng dù đời sống có hiện đại đến đâu thì ĐCTT sẽ luôn tồn tại và phát triển.

NGỌC LỆ - NHÃ THY

.
.
.