Trần Thế Ngọc và hành trình về với cội nguồn của cái đẹp
Hành trình của một đời người là sự ra đi, hướng về nhiều vùng đất khác nhau nhưng cuối cùng lại là sự trở về với vùng đất nơi sinh ra.
Đối với một người yêu cái đẹp, công việc sáng tác thơ thường luôn đồng hành với từng bước thăng trầm trong hành trình của một đời người.
Tập thơ: “Quê hương” của tác giả Trần Thế Ngọc, do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2015 chính là hành trình về với cội nguồn của quê hương của cái đẹp.
37 bài thơ trong tập thơ: “Quê hương” bộc lộ tâm thế của một người ra đi và trở về, hướng tâm hồn về với cái đẹp của quê hương…với những cảm xúc thiêng liêng, sâu nặng.
Trên hành trình của cuộc đời, tâm hồn của nhà thơ luôn giao hòa với cái đẹp của con người, thiên nhiên và đời sống.
Nhiều bài thơ của Trần Thế Ngọc đã bộc lộ phẩm chất tâm hồn của một nhà thơ với những cảm xúc tinh tế và sâu lắng trong sự giao hòa với cái đẹp nhỏ nhoi, bình dị của thiên nhiên và đời sống.
“Ta đi từ phố lên ngàn
Đường hoa mấy cội hoa vàng rụng rơi
Thuyền ai nửa giọng ru hời
Nửa câu mái đẩy, nửa lời vấn vương”
(Hoa rụng ven sông)
Đọc thơ của Trần Thế Ngọc, tôi cảm nhận một hồn thơ rộng mở, sâu đậm giữa bao biến động của nhân thế, thời cuộc. Thơ của Trần Thế Ngọc vượt qua mọi ảnh hưởng của các trào lưu, trường phái thơ ca hiện đại, định hình một phong cách thơ dung dị về nghệ thuật ngôn từ và hình tượng thơ giàu sắc thái biểu cảm. Trần Thế Ngọc là một chính khách, một tiến sĩ kinh tế nên tư duy của ông chủ yếu là kiểu tư duy logic, khách quan, hướng về các quy luật của xã hội, kinh tế.
Thế nhưng, khi đọc thơ ông, người yêu thơ vẫn nhận ra một tâm hồn thơ đắm đuối với cái đẹp, chất chứa nỗi hoài vọng về cái đẹp một thời. Hình tượng quê hương, vẻ đẹp của mái trường, vẻ đẹp của màu áo trắng…luôn hiển hiện trong nhiều bài thơ của Trần Thế Ngọc.
“Trở lại trường xưa chiều phố cũ
Nghe lòng ấm lại tuổi thơ tôi
Vung tay níu chặt thời nông nổi
Áo trắng thư sinh mộng giữa trời!”
(Chiều qua trường Trương Định)
Hình tượng quê hương trong thơ ông thường gắn liền với vẻ đẹp thiêng liêng và những tình cảm sâu nặng, đằm thắm trong tâm hồn. Hình tượng quê hương trong thơ Trần Thế Ngọc hòa quyện với hình tượng mùa xuân, biểu hiện vẻ đẹp non tươi và sức sống mãnh liệt.
“Tôi ngồi nghe mùa xuân đang bước khẽ
Trước hiên nhà lặng lẽ một cành mai
Tóc phôi pha theo tháng rộng năm dài
Đường xa thẳm mấy ai người tri ngộ”
(Đoản thơ xuân)
Hành trình thơ của Trần Thế Ngọc không chỉ là trở về với quê hương, với cội nguồn của cái đẹp mà còn là sự trở về, khám phá con người thẳm sâu trong chính bản ngã của mình.
“Màu thời gian chớm tròn lại khuyết
Đỉnh phù vân gió quyện trăng ngàn
Đêm chia xa bỗng lòng da diết
Nẻo trầm luân mấy lượt trăng tròn!”
Phong cách thơ của Trần Thế Ngọc phảng phất chất Đường thi, hình tượng nhiều câu thơ thấp thoáng chí khí, bóng dáng của tráng sĩ xưa pha lẫn chất sử thi của thơ ca Việt Nam hiện đại thời kỳ chống Mỹ. Dù vậy, thơ ông vẫn tạo được một phong cách độc đáo với chất trữ tình say đắm hòa trộn với chất thế sự gắn liền với thời cuộc.
Đọc tập thơ: “Quê hương” của Trần Thế Ngọc, người yêu thơ cảm nhận được hành trình tâm hồn của một nhà thơ rộng mở, sâu đậm và đa mang với cái đẹp của con người, thiên nhiên và cuộc đời. Hành trình thơ của ông mới là sự bắt đầu và hy vọng về một mùa hoa trái thơ ca vẫn còn ở phía trước.
VÕ TẤN CƯỜNG