Thứ Hai, 05/10/2015, 10:43 (GMT+7)
.

Văn học nghệ thuật cần thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện

Dự hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” diễn ra trong 2 ngày 3 đến 4-10 tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng nhưng lại đặc biệt nhạy cảm và tinh tế, do đó phải có định hướng phù hợp, sâu sát.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch nước, văn học nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người. Hơn nữa, lĩnh vực này cũng có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp.

Do đó, cuộc hội thảo này là một hoạt động ý nghĩa của giới văn học nghệ thuật nhằm tiếp thu, tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Trong đó có quan điểm chỉ đạo rất quan trọng là “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù sáng tạo”.

Đề cập đến những biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cá nhân, tình trạng tiêu cực trong xã hội, Chủ tịch nước cho rằng “có trách nhiệm của văn hóa, văn nghệ mà chúng ta cần tự phê bình và phê bình sâu sắc”.

Vì vậy, các nhà văn hóa, giới nghiên cứu và phê bình văn học nghệ thuật cần mạnh dạn đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi để xây dựng, hoàn thiện 7 đặc tính cơ bản trong nhân cách người Việt thời kỳ mới.

Trong đó, các văn nghệ sĩ phải sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức cảm hóa, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp theo quy luật của tình cảm, của cái đẹp, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ.

Đồng thời, đội ngũ lý luận, phê bình cần được quan tâm xây dựng phát triển cả về chất lượng và số lượng trong toàn bộ các lĩnh vực văn học nghệ thuật, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, thật sự góp sức thẩm định đúng đắn giá trị đích thực các tác phẩm văn học nghệ thuật và giáo dục thẩm mỹ, làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, trong thời kỳ hội nhập thì trên cơ sở gìn giữ, phát huy những giá trị của văn hóa nghệ thuật dân tộc, cần tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa...

“Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mong mỏi các văn nghệ sĩ ngày càng sáng tạo nhiều tác phẩm phản ánh hiện thực sinh động, chân thực, sâu sắc sự nghiệp của nhân dân ta… Các tác phẩm cần biểu dương, cổ vũ những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại; đề cao cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán thói hư, tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn”, Chủ tịch nước nói.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.