Thứ Hai, 23/11/2015, 10:50 (GMT+7)
.

Đại thi hào Nguyễn Du: Góp phần đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài

Nguyễn Du tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765 tại phường Bích Câu, Thăng Long trong một dòng họ khoa bảng nổi tiếng bậc nhất thời bấy giờ ở xứ Nghệ. Thân phụ ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, từng giữ chức Tể tướng đầu triều (dưới triều Lê); mẹ là bà Trần Thị Tần, sinh trưởng trong một dòng họ có truyền thống hiếu học ở Kinh Bắc. 
Tượng đài Đại Thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Tượng đài Đại Thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Sinh ra và học hành ở kinh đô, Nguyễn Du sớm được thừa hưởng những tinh túy của nhiều vùng văn hóa nổi tiếng: Xứ Nghệ, Kinh Bắc, Thăng Long, Phú Xuân, Gia Định… Sống trong một thời đại đầy biến động, cuộc đời của Nguyễn Du cũng vì thế mà “ba chìm bảy nổi”. Sau khi Gia Long lên ngôi, Nguyễn Du trở lại chốn quan trường. 18 năm làm quan cho triều Nguyễn nhưng cũng hơn 3 lần ông xin cáo quan về quê. Trong một đợt dịch tả vào năm Minh Mệnh nguyên niên, ông bị nhiễm bệnh rồi mất tại kinh thành Huế khi đang ở độ tuổi 55. 

Truyền thống của dòng họ, quê hương, sự giao thoa của các vùng văn hóa, cùng với tư chất thông minh đã góp phần tạo nên thi hào Nguyễn Du với lòng thương người sâu sắc. Đó cũng là mạch nguồn tạo nên các tác phẩm văn học kiệt xuất, như 3 tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục; các tác phẩm thơ Nôm:

Văn tế thập loại chúng sinh, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón và đặc biệt nhất là Truyện Kiều trở thành đỉnh cao của văn học cổ điển Việt Nam, đã làm phong phú cho nền văn học - nghệ thuật nước nhà. Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân. Tiếng Việt và thể thơ lục bát của dân tộc trong Truyện Kiều đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca, là sự kết tinh thành tựu văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. 

Các công trình nghiên cứu Truyện Kiều của Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế.
Các công trình nghiên cứu Truyện Kiều của Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế.

Mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc đời nhà Minh nhưng Truyện Kiều chính là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại nhà thơ đang sống. Tác phẩm gồm 3.254 câu lục bát kể về cuộc đời lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn, vì gia cảnh phải bán mình chuộc cha, bị các thế lực phong kiến dày xéo, chà đạp. Tác phẩm đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo; đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du là lễ kỷ niệm cấp Quốc gia, bao gồm các hoạt động: Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; xuất bản các ấn phẩm liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Du; xây dựng phim tư liệu, các tác phẩm sân khấu, âm nhạc, hội họa… về thời đại, cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi ngâm Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, nói chuyện về tác phẩm của Nguyễn Du; tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại Hà Nội, Bắc Ninh; lễ kỷ niệm cấp Quốc gia tại Hà Tĩnh…
Năm 1965, trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, chiến tranh hết sức ác liệt, nhưng cùng với Quyết nghị Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du của Hội đồng Hòa bình thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đại thi hào một cách trọng thể, rộng khắp, đặc biệt là ở quê hương Hà Tĩnh, Nghệ An.
 
Đó là một dấu mốc lớn trong việc nghiên cứu, đánh giá, khẳng định, tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều; đồng thời thể hiện sự tôn kính và tình cảm thiêng liêng của nhân dân Việt Nam đối với danh nhân đất nước. Ngày 25-10-2013, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết, nhất trí biểu quyết vinh danh 108 Danh nhân văn hóa thế giới, trong đó có Đại thi hào Nguyễn Du. 
 
Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của các tổ chức và cá nhân, nhiều tài liệu quý liên quan đến các tác phẩm của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã tiếp tục được phát hiện, sưu tầm, nghiên cứu. Tác phẩm Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, có rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đã chuyển thể sinh động tác phẩm này sang nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy, quảng bá các di sản văn hóa của dân tộc.
 
Cũng với Truyện Kiều của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Truyện Kiều nói riêng và toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Du nói chung được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc, Hội đồng Hòa bình thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
 
Nghi Xuân nói riêng, Hà Tĩnh nói chung từ xa xưa đã là đất địa linh nhân kiệt. Nguyễn Tiên Điền từng là dòng họ với nhiều tiến sĩ, danh nhân khoa bảng. Trong huyết mạch của người thi sĩ từng được vua phong là “nhất đại tài hoa” ấy có dòng máu của tài năng và phẩm giá mà cha ông để lại; đồng thời được bồi đắp thêm bởi trái tim nhân hậu vô bờ bến của người trí thức luôn đau nỗi đau của nhân loại và khát khao mãnh liệt tự do, công lý:
 
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là 
                                   lời chung!
 
Trong những lần xuôi thuyền về Cửa Hội, ngắm nhìn cảnh sông nước về chiều với “Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”, ông càng cảm nhận rõ hơn nỗi buồn nhân gian, nỗi đau biệt ly để rồi trái tim nhân đạo đã thôi thúc ông chuyển thể thành lục bát một cách tài tình những câu thơ đầy tâm cảm từ “Kim Vân Kiều truyện”:
 
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu 
                               xanh xanh”.
 
Ngày nay, quê hương ông đã có nhiều đổi thay. Cuộc sống yên bình, người dân tự do, những người phụ nữ thời đại mới được hưởng nhiều hạnh phúc, đang tự mình vươn lên cùng với 1,3 triệu dân Hà Tĩnh dựng xây bức tranh mới của miền quê Lam Hồng.
 
Điệu ví giặm, lời ca trù cùng với nhiều sinh hoạt văn hóa vừa đậm đà bản sắc, vừa hiện đại làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Chuẩn bị kỷ niệm 250 năm ngày sinh và đón nhận danh hiệu Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du vào năm 2015, mỗi người con Hà Tĩnh đang thắp sáng thêm ngọn lửa tài năng và lòng bác ái từ ông để góp phần tỏa sáng cho muôn đời. 
 
HỒNG LÊ (tổng hợp)
.
.
.