Làng cổ Đông Hòa Hiệp: Hướng đến phát triển du lịch cộng đồng...
“Gắn kết vai trò của cộng đồng trong gìn giữ di sản bằng cách tạo ra lợi ích cho người dân từ khai thác du lịch; đồng thời nâng cao ý thức của họ trong việc chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ” - Đó là mục tiêu Làng cổ Đông Hòa Hiệp đang hướng đến.
Du khách nước ngoài tham quan ngôi nhà cổ của ông Phan Văn Đức (Ba Đức) ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp. |
Làng cổ Đông Hòa Hiệp có vị trí nằm ở trung tâm du lịch huyện Cái Bè. Làng cổ này hiện có 7 ngôi nhà cổ độc đáo, có niên đại từ 150 - 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách đây từ 80 - 100 năm, cùng với nhiều vườn trái cây đa dạng... Với những lợi thế sẵn có, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã trở thành địa điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng.
Những năm qua, Làng cổ Đông Hòa Hiệp được ngành Du lịch Tiền Giang cũng như huyện Cái Bè đưa vào tour, tuyến du lịch và được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai Dự án “Phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển bền vững thông qua du lịch”.
Các đơn vị lữ hành du lịch cũng đã khảo sát đưa loại hình du lịch Homestay (nghỉ tại nhà dân) phục vụ khách. Nhiều đoàn khách đã về tham quan, lưu trú tìm hiểu, khám phá văn hóa, kiến trúc, đời sống của làng cổ này. Bên cạnh đó, tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp cũng diễn ra 2 kỳ Lễ hội Du lịch và đã thu hút khá đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan...
Chính sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là chính từ những người dân của Làng cổ Đông Hòa Hiệp mà làng cổ này đã được du khách trong và ngoài nước biết đến. Trung bình hàng năm có khoảng 100.000 lượt khách đến Làng cổ Đông Hòa Hiệp, trong đó hơn 90% khách tham quan các làng nghề và khoảng 50% khách tham quan nhà cổ.
Mặc dù việc phát triển du lịch cộng đồng ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn cần tháo gỡ. Đó là việc quảng bá hình ảnh Làng cổ Đông Hòa Hiệp chưa có chiều sâu và chưa rộng rãi.
Du khách chỉ nghe đến tên làng cổ chứ chưa biết nhiều đến những giá trị di sản văn hóa lịch sử của làng cổ này. Cơ sở hạ tầng về du lịch trong làng cổ còn thiếu. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chủ yếu dựa vào tài nguyên du lịch có sẵn. Đặc biệt là các hoạt động phụ trợ để đáp ứng về nhu cầu ẩm thực, giải trí, quà tặng và nghỉ dưỡng của du khách gần như còn bỏ ngỏ...
Dưới góc nhìn của một người kinh doanh lữ hành du lịch, ông Dương Văn Gia, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch Cái Bè cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng chính là một trong những nhân tố tích cực thúc đẩy người dân nâng cao ý thức bảo vệ, trùng tu, giữ gìn những ngôi nhà cổ quý hiếm mà cha ông truyền lại qua bao đời nay nhưng họ lại ít được hưởng lợi từ làm du lịch.
Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp của người dân đối với du khách còn hạn chế, nhất là đối với du khách nước ngoài. Chưa hình thành được mối quan hệ, hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp hoạt động kinh doanh về du lịch để xây dựng các tour, tuyến đưa khách về Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Ông Gia mong rằng, sắp tới sẽ nhận được sự ủng hộ, gắn kết chặt chẽ giữa các hộ dân làm du lịch trong phạm vi Làng cổ Đông Hòa Hiệp nói riêng và trên địa bàn Tiền Giang nói chung để đạt hiệu quả mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Đức, chủ ngôi nhà cổ ở ấp An Lợi được công nhận là Di tích cấp tỉnh và là điểm tham quan du lịch homestay hấp dẫn du khách quốc tế cũng cùng chung quan điểm, khi ông bày tỏ: “Nhà nước cần tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch cộng đồng hiệu quả; tập huấn, đào tạo kỹ năng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa chủ nhân các ngôi nhà cổ với những đơn vị du lịch lữ hành”.
Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hóa làng cổ đòi hỏi cả một quá trình lâu dài, khi mà những giá trị văn hóa đủ sức lan tỏa và chủ nhân của những giá trị văn hóa đó được đền bù thỏa đáng cho những gì mà họ đã dày công giữ gìn và tôn tạo. Cộng đồng dân cư có quyền và nghĩa vụ tham gia vào các hoạt động du lịch và hưởng lợi ích hợp pháp từ du lịch. Đây là nguyên tắc cơ bản trong định hướng phát triển du lịch bền vững đối với các địa phương.
Cùng với đó thì vấn đề cần quan tâm hiện nay là làm sao để Làng cổ Đông Hòa Hiệp trở thành một điểm du lịch mà ở đó ý thức bảo tồn sẽ song hành cùng việc thu lợi từ du lịch. Theo ý kiến phát biểu của ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) tại buổi Tọa đàm Phát triển du lịch cộng đồng và quản lý di sản làng cổ được tổ chức vừa qua ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp, để đạt hiệu quả phát triển du lịch bền vững cũng như quản lý tốt di tích làng cổ, địa phương cần quan tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên mang tính chuyên nghiệp, am hiểu; có lực lượng trùng tu, bảo vệ di tích có trình độ và năng lực chuyên môn cao; chú ý xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để hấp dẫn du khách; đồng thời cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và nhân dân để cùng tháo gỡ khó khăn, đưa du lịch cộng đồng gắn với quản lý di sản làng cổ phát triển.
Cần có đội ngũ thợ lành nghề trùng tu, bảo vệ di sản nhà cổ, làng cổ Trong vấn đề bảo tồn, trùng tu nhà cổ, làng cổ, ông Akiyoshi Ejima cho rằng, cần đặc biệt chú ý đến yếu tố giữ nguyên trạng, không phá vỡ cảnh quan và không gian di tích. Muốn vậy, tại các làng cổ cần có đội ngũ thợ lành nghề để đảm bảo việc trùng tu, bảo vệ di tích đạt chất lượng tốt. |
PHƯƠNG NGHI