Thứ Tư, 04/11/2015, 16:21 (GMT+7)
.

Nhà văn Thu Trang và tập truyện ngắn dịch Người mẹ ở Mannville

 
Nhà văn Thu Trang có hơn 30 năm gắn bó với công việc sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết và quản lý văn nghệ (nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh). Thu Trang đã xuất bản tập truyện ngắn Quê ngoại (năm 1996) và 2 tiểu thuyết Chân dung yêu dấu (năm 1990), Mưa rơi trên lá (năm 1991)
 
 

Khoảng 10 năm gần đây, Thu Trang dành nhiều thời gian vào công việc dịch thuật thông qua nguyên bản tiếng Anh một số truyện ngắn của các nhà văn nổi tiếng thế giới.

Truyện ngắn dịch của chị xuất hiện trên các tạp chí, các báo văn nghệ như: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Văn Nghệ Quân đội, Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang và một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2007, nhà văn Thu Trang được tặng thưởng dịch thuật của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 2015, Thu Trang cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn dịch Người mẹ ở Mannville do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Tập truyện ngắn dịch Người mẹ ở Mannville của Thu Trang giới thiệu đến người yêu văn học 18 truyện ngắn của một số nhà văn hiện đại nổi tiếng thế giới.
 
Trong số các nhà văn có truyện ngắn được dịch, có một số nhà văn đã có tác phẩm xuất bản và quen thuộc với độc giả Việt Nam như: D. H. Lawrence (Anh), James Joyce (Ailen), Marijorie Kinnan Rawlings (Mỹ)…
 
Việc chọn dịch tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng là sự thử thách lớn đối với người dịch. Bởi lẽ, người đọc có điều kiện đối chiếu, so sánh giữa các văn bản dịch với tác phẩm nguyên tác để đánh giá, nhận định về chất lượng của tác phẩm dịch. Thế nhưng, Thu Trang đã vượt qua sự thử thách và tạo được dấu ấn về phong cách dịch đối với độc giả yêu văn học. 
 
Dịch tác phẩm văn học, trong đó có truyện ngắn không chỉ là sự chuyển ngữ, mà còn là sự đồng sáng tạo của người dịch đối với nhà văn sáng tạo ra văn bản gốc của tác phẩm. Theo quan niệm của một số nhà dịch thuật, dịch văn chương đòi hỏi người dịch cần nắm được cả ngôn ngữ nguồn (source language) lẫn ngôn ngữ mục tiêu (target language), tìm ra mối liên hệ qua lại giữa 2 ngôn ngữ. Dịch không chỉ thuần túy là chuyển tải ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ mục tiêu, mà cần phải tôn trọng tối đa nét đặc trưng của ngôn ngữ mục tiêu.
 
Nhà văn Thu Trang là người sáng tác truyện ngắn nên đã tuân thủ chuẩn mực của ngôn ngữ mục tiêu (tiếng Việt) trong tác phẩm dịch. Truyện ngắn dịch của Thu Trang tuân thủ về tính tương đương ngữ nghĩa giữa 2 văn bản, nhưng đối với văn bản dịch vẫn tạo được phong cách riêng, với sự Việt hóa về các cấp độ của ngữ pháp như: Từ ngữ, câu, cấu trúc văn phạm, phong cách tiếng Việt…
 
Truyện ngắn dịch của Thu Trang hầu hết là tác phẩm viết về mối quan hệ giữa con người trong đời thường, quan hệ tình mẹ con, tình yêu nam nữ… Một số truyện ngắn đề cập đến số phận con người trong những hoàn cảnh éo le; đồng thời thể hiện vẻ đẹp nhân bản, sự yêu thương đồng loại giữa con người với nhau.
 
Truyện ngắn Người mẹ ở Mannville” của Marijorie Kinnan Rawlings (Mỹ) khắc họa số phận côi cút và khát vọng được gặp mẹ, tặng mẹ đôi găng tay của một đứa bé ở viện mồ côi. Truyện ngắn Bóng tối của Josephine Johnson (Mỹ) miêu tả bi kịch của nhân vật người đàn ông khiếm thị được sáng mắt nhưng lại trở nên lạ lẫm, lạc lõng đối với cuộc sống xung quanh và sự biến đổi của cảnh vật.
 
Nhà văn Pháp Frank Bernard thì khắc họa diễn biến tâm trạng của một người đàn ông cùng với đứa con gái bị lật thuyền. Trong lằn ranh giữa sự sống và cái chết, nội tâm nhân vật có sự biến động, lóe sáng và chợt nhận ra điều quý giá của tình yêu thương, sự sống…
 
Có người cho rằng: “Dịch là… diệt”. Điều này cho thấy một số tác phẩm dịch đã không bám sát nghĩa của văn bản nguyên tác, làm mất đi cái hay, cái đẹp về ngữ nghĩa, hình tượng của văn bản gốc. Tập truyện ngắn dịch Người mẹ ở Mannville của nhà văn Thu Trang đã tuân thủ nguyên tắc của việc dịch thuật, tạo được sự “chuyển dịch” về ngữ nghĩa của ngôn từ, hình tượng của tác phẩm văn học giữa ngôn ngữ nguồn (tiếng Anh) sang ngôn ngữ mục tiêu (tiếng Việt). Mời bạn đọc hãy mở trang sách, đọc và cảm nhận tác phẩm Người mẹ ở Mannville để phát hiện cái hay, cái đẹp và vẻ đẹp nhân văn lấp lánh trong từng truyện ngắn.
 
VÕ TẤN CƯỜNG
.
.
.