Thứ Hai, 16/11/2015, 14:27 (GMT+7)
.

Những nét son của phong trào văn nghệ quần chúng

Nhiều năm qua, ngành Văn hóa của tỉnh luôn quan tâm gầy dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Ngoài việc sưu tầm các điệu lý, bài hò, ca dao, tục ngữ…; các ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa đều thành lập đội văn nghệ quần chúng không dưới 10 thành viên làm nòng cốt… 
 
Cùng với việc cử cán bộ nghiệp vụ xuống cơ sở hỗ trợ phong trào, tổ chức các lớp tập huấn…, Sở VH-TT&DL còn chỉ đạo 2 năm luân phiên tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng và Liên hoan các đội tuyên truyền lưu động của 11 huyện, thành, thị để đánh giá phong trào, qua đó phát hiện nhân tố mới để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Một tiết mục tại Hội thi “Tiếng hát người cao tuổi  tỉnh Tiền Giang năm 2014”.
Một tiết mục tại Hội thi “Tiếng hát người cao tuổi tỉnh Tiền Giang năm 2014”.
Những lần hội diễn, liên hoan, thể lệ cuộc thi thường khuyến khích và có giải thưởng cho những sáng tác tự biên để phát hiện những “cây bút” mới. Ngoài ra, ngành Văn hóa còn có các cuộc thi quy mô không kém như: Hội thi văn nghệ xã (phường, thị trấn) văn hóa và Hội diễn văn nghệ xã nông thôn mới.
 
Ở 2 cuộc thi này, mỗi đơn vị dàn dựng 1 chương trình văn nghệ tổng hợp và biểu diễn phục vụ tại địa phương mình; ban giám khảo của cuộc thi đến từng nơi chấm điểm, ngoài điểm chất lượng nghệ thuật còn có điểm cho cách tổ chức và số lượng khán giả đến xem.
 
Biên đạo múa Thu Thủy (thành viên ban giám khảo nhiều năm của các cuộc thi) cho biết: “Hội thi Văn nghệ xã (phường, thị trấn) văn hóa do ngành Văn hóa các địa phương trực tiếp tổ chức nên chất lượng nghệ thuật và số lượng người xem không thua gì Hội diễn Nghệ thuật quần chúng. Năm 2015, Sở VH-TT&DL chỉ đạo không tổ chức Hội thi văn nghệ xã (phường, thị trấn) văn hóa nữa, mà thay vào đó tổ chức Hội diễn văn nghệ các xã nông thôn mới để đánh giá phong trào toàn diện hơn.
 
Thế nhưng, qua 11 đêm văn nghệ của 11 xã nông thôn mới, nhìn chung không bằng Hội thi Văn nghệ xã (phường, thị trấn) văn hóa cả về quy mô lẫn chất lượng nghệ thuật. Vì sao? Có nhiều lý do, nhưng theo nhận xét khách quan thì có lẽ người phụ trách chưa quen nên chưa “mặn mòi” và còn phụ thuộc vào kinh phí đầu tư cho dàn dựng, tập dợt… 
 
Song song đó, những năm gần đây phong trào văn nghệ của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, trường học cũng đã nở rộ, tổ chức hội diễn, hội thi, liên hoan hàng năm như: Hội thi “Tiếng hát công nhân, viên chức, lao động” do Liên đoàn Lao động tổ chức; Hội diễn văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân” của ngành GD-ĐT; Hội diễn văn nghệ quần chúng lực lượng vũ trang; Hội thi “Tiếng hát nông dân với phong trào xây dựng nông thôn mới”; Hội thi “Phụ nữ với hát ru Nam bộ”; Hội Nông dân phối hợp với ngành Văn hóa tổ chức Liên hoan “Đờn ca tài tử”; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng của ngành Công an; Hội thi “Tiếng hát người cao tuổi” của Hội Người cao tuổi… Chủ đề của các hội thi, hội diễn, liên hoan nói trên phản ảnh rõ nét và kịp thời tình hình thời sự như: Tình yêu quê hương, biển, đảo; xây dựng nông thôn mới…
 
Nhìn chung, phong trào phát triển mạnh và đều đặn nhất vẫn là Hội thi “Tiếng hát công nhân, viên chức, lao động” (diễn ra hàng năm) và Hội diễn văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân” của ngành GD-ĐT (2 năm/lần). Lực lượng diễn viên của hội thi, hội diễn này rất hùng hậu, có sự đầu tư dàn dựng công phu, là sân chơi hoành tráng cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, giáo viên và học sinh.
 
Nhiều người đã chia sẻ: “Dù phải vừa hoàn thành công việc, vừa phải bỏ thời gian và công sức tập múa, tập hát nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui, giảm bớt căng thẳng do công việc nghiệp vụ, gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn qua mỗi lần hội diễn…”.
 
Nhiều gương mặt lớn lên từ phong trào văn nghệ quần chúng như: Tấn Hưng, Ngọc Thảnh, Minh Sang, Tấn Mẫn, Minh Cường, Hà Thanh, Thúy An, Phương Uyên, Mộng Thu, Vĩnh Yên… Trong số này do được đào tạo, bồi dưỡng thêm, đã khẳng định được mình bằng những Huy chương Vàng, Huy chương Bạc… trong các cuộc so tài khu vực và toàn quốc: Tấn Hưng, Tấn Mẫn, Hà Thanh, Minh Cường, Mộng Thu…
 
Nhiều giám khảo cho rằng, mỗi cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ dù lớn hay nhỏ của tỉnh, ban giám khảo đều mong chờ xuất hiện những gương mặt triển vọng, là những quả ngọt đầu mùa, tạo thêm “sắc màu, hương vị” cho phong trào chung nếu chúng ta quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện để những gương mặt triển vọng phát triển đúng hướng.
 
Không chỉ quan tâm đến lực lượng ca, diễn mà những cây bút, đạo diễn, biên đạo quần chúng từ cơ sở cũng được chú ý thông qua việc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh mở nhiều lớp tập huấn dàn dựng múa không chuyên, lớp đờn ca tài tử, lớp múa đương đại, lớp luyện thanh, lớp luyện người dẫn chương trình…
 
Nhờ nuôi dưỡng những nhân tố “gạo cội” được phát hiện từ phong trào mà những năm gần đây Đội Văn nghệ quần chúng của tỉnh nhà luôn có những gương mặt mới phát triển đúng tầm, gặt hái nhiều thành tích qua các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan cấp khu vực, toàn quốc, góp phần đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh nhà là 1 trong những tỉnh đứng tốp đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
NGỌC LỆ
.
.
.