Phủi bụi thời gian, tìm hạt vàng lấp lánh
Dòng thời gian tuôn chảy, những giá trị thơ ca một thời có thể bị khuất lấp dưới lớp bụi của thời gian. Đọc và phát hiện cái hay, cái đẹp của thơ ca một thời xa xưa đòi hỏi người đọc phải có cái nhìn thấu suốt, vượt qua những cột mốc của lịch sử để hướng về những giá trị khuất lấp của một thời.
Tôi cảm thấy thích thú và hào hứng khi được nhà báo Nguyên Chương gửi gắm bản thảo tập thơ của Nhà báo - Liệt sĩ Vân Lam và đề nghị tôi viết lời giới thiệu. Tôi như được sống lại không khí hừng hực, sục sôi lửa nhiệt huyết cách mạng của vùng đất Nam bộ cách đây hơn 50 năm. Tôi tự đặt mình trong tâm thế của một người ngược dòng lịch sử, phủi lớp bụi thời gian để tìm kiếm, phát hiện những hạt vàng lấp lánh trong những câu thơ, bài thơ của Vân Lam.
Tất cả những bài thơ trong tập bản thảo đều được tác giả Vân Lam sáng tác cách đây hơn nửa thế kỷ. Cảm hứng sử thi và vẻ đẹp hào hùng của tinh thần yêu nước, sự dũng cảm, hy sinh của quân và dân tỉnh Mỹ Tho trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được tác giả khắc họa bằng những hình tượng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ bản thảo tập thơ.
Bản thảo tập thơ Vân Lam gồm nhiều chủ đề đa dạng, phong phú: Tình nghĩa gắn bó sâu nặng giữa quân và dân; tâm sự của người dân mất tự do trong ấp chiến lược của đế quốc Mỹ; tâm trạng của người đưa tiễn chiến sĩ lên đường chiến đấu; vẻ đẹp hào hùng và dũng cảm của người chiến sĩ cách mạng; tinh thần lao động hăng say của người dân để tiếp sức cho các chiến sĩ cách mạng yên tâm diệt thù; tinh thần xung kích của người thanh niên trong ngày lên đường tòng quân; vẻ đẹp anh hùng của người phụ nữ Nam bộ; phát huy tinh thần Ấp Bắc Anh hùng…
Thơ của Vân Lam có sự đan cài, hòa quyện giữa yếu tố trữ tình và tự sự, giữa cảm xúc riêng tư của một con người và tính sử thi mang tầm vóc thời đại. Thơ của Vân Lam nằm trong dòng chảy của thơ ca yêu nước Nam bộ những năm nửa cuối thế kỷ XX. Thơ ca giai đoạn này chủ yếu mang tính tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược của quân và dân miền Nam Anh hùng.
Thơ của Vân Lam mang tính đại chúng, ngôn ngữ thơ nôm na, dễ hiểu, giàu tính biểu cảm, giống như ngôn ngữ ca dao Nam bộ. Ngôn ngữ thơ của Vân Lam gần gũi với lời ăn tiếng nói của người dân Nam bộ những năm giữa thế kỷ XX. Tác giả không chế tác ra ngôn ngữ thơ độc đáo của riêng mình, mà vận dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ của đời sống đưa vào tác phẩm thơ ca.
“Quê Thới Sơn tan rồi đồn bót giặc
Trường thiếu nhi vui tiếng hát dưới cờ sao
Rừng dừa xanh ngạo nghễ vượt lên cao
Vui cuộc sống mận hồng đào ươm đỏ mộng”.
Thơ của Vân Lam biểu lộ lý tưởng thời đại của dân tộc Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước, đó chính là tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta đối với giặc ngoại xâm. Thơ của Vân Lam mang âm hưởng hào hùng của bản giao hưởng thời đại mới.
“Tôi bước đi giữa buổi mai nắng đẹp
Giữa chiến công oanh liệt của quê hương
Lòng reo vui theo sóng lúa xanh rờn
Nghe sóng reo khúc kiên cường Ấp Bắc”.
Thơ của Vân Lam gắn liền với đời sống tình cảm của quân và dân Nam bộ thời kỳ kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược. Thơ Vân Lam là tiếng nói trực tiếp của người trong cuộc, mang hơi thở, nhịp điệu tâm hồn của người dân Nam bộ thời kỳ chiến tranh.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, thơ ca Việt Nam thời hiện đại đã trải qua nhiều trào lưu, trường phái khác nhau. Thế nhưng, trường phái thơ ca phản ánh hiện thực cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc vẫn tạo được giá trị và chỗ đứng vững chắc trong lịch sử thơ ca của dân tộc.
Đọc và cảm thụ thơ của Vân Lam, người yêu thơ sẽ phát hiện vẻ đẹp hào hùng, bi tráng của tính cách, tâm hồn con người Nam bộ thời kỳ chiến tranh. Những câu thơ của Vân Lam lấp lánh như những hạt vàng của lịch sử vẫn còn mãi với thời gian.
Mỹ Tho, tháng 11-2015
VÕ TẤN CƯỜNG