Cảm hứng thế sự trong thơ Trần Công Tùng
Nhà thơ Trần Công Tùng sinh năm 1932, tại Hải Phòng. Ông tận tâm và sống gắn bó với công việc dạy học, quản lý giáo dục và làm thơ ở vùng đất sông Tiền đã gần 40 năm. Hơn nửa thế kỷ đam mê đeo đuổi công việc sáng tác thơ, nhà thơ Trần Công Tùng đã xuất bản 3 tập thơ gồm: Sợi tơ tằm, Mây nước vào thu và Hương cúc dại.
Trần Công Tùng đeo đuổi phong cách thơ truyền thống, với ngôn ngữ thơ chân phương, giản dị và hình tượng thơ lung linh, gần gũi với vẻ đẹp của đời thường. Cảm hứng chủ đạo trong các tập thơ của Trần Công Tùng có sự đan xen, hòa quyện giữa tính trữ tình, tự sự và thế sự; thường hướng về vẻ đẹp của thiên nhiên, phong cảnh quê hương, tình yêu nam nữ, tình bạn, tình mẹ con...
Cảm xúc trong thơ của Trần Công Tùng sâu lắng và mang nặng tình cảm gắn bó giữa tình đất, tình người quê hương. Trong bài thơ “Chợ làng”, nhà thơ Trần Công Tùng viết:
Đêm trăng chiếu trải thềm hoa
Uống trăng uống cả tình nhà nghĩa quê.
Viết về tình yêu, những câu thơ của Trần Công Tùng thường bộc lộ khát khao về một tình yêu chân thành và sự dâng hiến hết mình. Ông mượn hình ảnh thiên nhiên với vẻ đẹp thi vị và nên thơ của sự vật để khắc họa tình cảm và nỗi niềm của đôi lứa yêu nhau. Trong bài thơ “Trên đỉnh Langbian”, nhà thơ Trần Công Tùng viết:
Tượng còn nắm lấy tay nhau
Sao mình chẳng chụm mái đầu che mưa?
Theo cái nhìn của Trần Công Tùng, công việc sáng tạo thi ca chính là sự thăng hoa của cảm xúc và sự hóa thân của nhà thơ vào tận cùng sự bí ẩn của sự vật. Nhà thơ Trần Công Tùng viết:
Hồn thơ cây nến nhỏ
Tháng năm dài lung linh
Muốn giữ hồng sắc lửa
Nến tự thiêu chính mình.
Thơ của Trần Công Tùng mang cảm hứng thế sự, hướng về cuộc sống đời thường, về thế thái nhân tình, về số phận con người trong đời sống thực tại. Những bài thơ của ông mang cảm hứng thế sự, thể hiện giá trị thẩm mỹ của sự vật giữa đời thường, khám phá mọi ngõ ngách, góc khuất của đời thường và cả cái cao quý trên hành trình đi tìm sự sống và hạnh phúc của con người.
Muốn thực sự sông xa
Phải làm con suối trước
Không bao giờ biển được
Khi chưa hề bao la.
(Không đề)
Thơ thế sự của Trần Công Tùng giàu tính chiêm nghiệm, suy tư về sự sống, về thời gian và thân phận con người giữa cõi bao la, rộng lớn của vũ trụ.
Ngẫm đời như đốm lửa
Lập lòe đầu điếu Mai
Chỉ vừa mới phà hơi
Khói đã tan vào gió.
(Tiếng khóc trong nôi)
Thơ Trần Công Tùng thể hiện tâm thế của một con người hay nghiền ngẫm, chiêm nghiệm về đạo đức, về lẽ phải và lựa chọn cách sống trong sạch, thanh bạch về tinh thần.
Bạc tiền nhiều bụi bám
Tham vọng dễ gai chông
Tốt hơn: Lòng thanh thản
Sống giữa đời sắc không!
(Cõi đời II)
Cảm hứng thế sự trong thơ của Trần Công Tùng không chỉ thể hiện bằng những ý thơ mang tính triết luận, suy ngẫm, mà còn bộc lộ bằng hình tượng lung linh, biến ảo. Trong bài thơ: “Chiều thu”, Trần Công Tùng viết:
Ngã ba sông yên ả
Vó bè ai treo cao
Lưới buông chùng đơm gió
Cả chiều thu vương vào.
Cảm hứng thế sự ở đây chính là cảm hứng thẩm mỹ về vẻ đẹp và sự giao hòa của sự vật nhỏ nhoi, bình dị giữa đời thường và sự bao la, rộng lớn của đất trời mùa thu. Bài thơ dồn nén, cô đúc về ý tứ nhưng lại gợi cảm, tạo sự liên tưởng mạnh mẽ trong tâm hồn của người đọc.
Hơn nửa thế kỷ sáng tạo thơ ca, nhà thơ Trần Công Tùng đã chắt lọc tinh hoa của tâm hồn để dâng hiến cho người, cho đời những bài thơ chứa chan tình cảm và giàu tính chiêm nghiệm, suy ngẫm về lẽ đời, về nhân tình thế thái.
Dù dòng thời gian luôn tuôn chảy và sàng lọc, thử thách những giá trị thơ ca của một thời, nhưng người yêu thơ tin Trần Công Tùng vẫn có những bài thơ đọng lại trong hồn người. Những bài thơ mang cảm hứng thế sự của nhà thơ Trần Công Tùng vẫn “thao thức” cùng với hồn người trước sự sống, cuộc đời và thời đại.
Tháng 12-2015
VÕ TẤN CƯỜNG