Thứ Hai, 28/12/2015, 15:46 (GMT+7)
.

Hy vọng sẽ bừng sáng

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Để giữ gìn, tôn tạo nơi được mệnh danh là “cái nôi cải lương”, lãnh đạo Sở đã đề xuất tu sửa lại rạp hát Tiền Giang, được khởi công vào tháng 3-2014, hoàn thành vào tháng 12-2014 với kinh phí gần 3 tỷ đồng và chính thức đổi tên lại là: Rạp hát Thầy Năm Tú, đưa vào hoạt động tháng 7-2015, đang hoàn thành hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Cùng với việc đại trùng tu này, Sở VH-TT&DL đã triển khai một số hoạt động định kỳ, hướng tới phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân và du khách qua đêm: Phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình, Hội Văn học - Nghệ thuật, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, Phòng Nghiệp vụ văn hóa… tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hội thi, liên hoan, giao lưu…”.

Tấm màn nhung sân khấu cải lương của Rạp hát Thầy Năm Tú đã mở ra.
Tấm màn nhung sân khấu cải lương của Rạp hát Thầy Năm Tú đã mở ra.

Đã gần nửa năm đi vào hoạt động như: Chiếu phim, giao lưu đờn ca tài tử (ĐCTT) vào mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, nhưng tấm màn nhung của sân khấu cải lương Rạp hát Thầy Năm Tú vẫn đóng im lìm. Bởi lẽ, chiếu phim màn ảnh rộng phủ trước tấm màn sân khấu, còn giao lưu ĐCTT ở ngoài tiền sảnh.


Đêm 23-12, Rạp hát Thầy Năm Tú sáng bừng, rộn ràng xe cộ, nhiều người ra vào, đặc biệt có nhiều diễn viên, nhạc công, phụ trách âm thanh của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang đến sớm hơn đại biểu và chăm chút sắm tuồng. Sự rộn rịp hiếm có khiến nhiều người dân xung quanh khu vực rạp hát tò mò, hướng mắt về phía rạp hát chờ đợi.

Một người đàn ông đẩy xe hàng rong dừng lại hỏi: “Cô ơi, bộ rạp cho hát cải lương trở lại? Bao nhiêu một vé?...”. Tôi đáp: “Sau Lễ trao Bằng công nhận di tích Rạp hát Thầy Năm Tú, sẽ diễn báo cáo trích đoạn cải lương Huyền sử Rạch Gầm cho khách mời xem, không bán vé anh à!”.

Anh ta đứng ngắm nhìn, khen rạp sửa lại đẹp và đã nhắc lại cái thời thơ ấu anh từng ngồi ngoài hiên rạp nghe, chờ “thả giàn” để xin vào xem Đoàn Cải lương Tiền Giang diễn màn cuối vào những năm thập niên 80 của thế kỷ trước - thời mà Nghệ sĩ Kim Lệ Thủy của Đoàn Tiền Giang 1 tự hào cho rằng: “Lúc ấy các đoàn cải lương sáp nhập lại, đào chánh và kép chánh đến 2 cặp, Đoàn Tiền Giang diễn ở Rạp Vĩnh Lợi (Rạp hát Thầy Năm Tú) vào mùa tết 2 - 3 suất/ngày mà lúc nào khách cũng chật rạp.

Hồi đó, Đoàn Tiền Giang diễn vở tuồng Ngọn cờ đầu Trương Định của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thành Châu, đạo diễn Văn Sinh tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (năm 1980) tại An Giang đã đoạt 7 Huy chương, trong đó có 1 Huy chương Vàng  (chỉ có 3 đoàn đoạt Huy chương Vàng), 1 Huy chương Vàng cho đạo diễn, 3 Huy chương Vàng cho Trương Hoàng Long, Đỗ Ẩn (chồng Kim Lệ Thủy), Hoài Châu và 2 Huy chương Bạc cho Kim Lệ Thủy và Kim Hoa…”.

Lúc đó, tuy cải lương có dấu hiệu xuống dốc, nhưng rạp hát Tiền Giang (Rạp Thầy Năm Tú bây giờ) vẫn thường xuyên sáng đèn, các đoàn trong và ngoài tỉnh thay phiên nhau về biểu diễn. Cuối thập niên 80 đầu 90, thỉnh thoảng rạp mới ấm lên qua mùa Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, Hội diễn Lực lượng vũ trang…

Rồi dần dần sân khấu nơi này thiếp đi như giấc ngủ của người nghệ sĩ già không còn “thanh sắc” và hầu như mọi thứ trong rạp bị xuống cấp, ẩm mốc, nhện giăng…, khiến những người yêu sân khấu cải lương không khỏi chạnh lòng khi bước chân qua đây.

Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh cho biết: Tầng lửng hiện đang là chỗ chiếu phim 3D, tầng trệt phục vụ phim màn ảnh rộng. Tạm thời rạp hoạt động vào những ngày cuối tuần (thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật chiếu phim; thứ Sáu biểu diễn ĐCTT.

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngày 1-9 chúng tôi tổ chức chiếu phim tại rạp này, mời lãnh đạo tỉnh, một số huyện, thị, thành và nhân dân TP. Mỹ Tho đến xem phim Nhà tiên tri của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất và xin ý kiến về việc tổ chức các hoạt động tại rạp vào các ngày còn lại trong tuần…

“Do kinh phí hạn hẹp, nên mỗi tuần chúng tôi chỉ có thể tổ chức hoạt động giao lưu ĐCTT xen với phần biểu diễn ảo thuật và trích đoạn cải lương ngoài tiền sảnh. Chúng tôi cũng có những ước vọng tạo cho Rạp hát Thầy Năm Tú có sức sống mãnh liệt hơn sau một “giấc ngủ” dài, nhưng ước mong đó không phải dễ khi cải lương, ĐCTT không còn ở vị trí “độc tôn” như thời kỳ trước tại Nam bộ, đó là “bài toán” chưa có đáp số nên tạm bằng lòng với hiện tại” - Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết.

Đêm 23-12, khi tiếng nhạc vang lên, tấm màn nhung sân khấu mở, sàn gỗ của Rạp hát Thầy Năm Tú rậm rịch bước chân, tiếng nghệ sĩ cất lên, không phải của các bậc tiền bối: Phùng Há, Năm Châu, Tám Danh, Ba Du, Bảy Nam, Năm Phỉ hay của Trương Hoàng Long, Kim Lệ Thủy, Kim Hồng Hạnh, Kim Hoa, Hoài Châu, Bích Ngọc…, mà của lớp trẻ, đã gây tiếng vang cho “cái nôi cải lương” này như: Kiều Quốc Tâm, Nhơn Hậu, Đào Vũ Thanh, Huỳnh Mơ, Hoài Nhung, Lâm Ngân…; tiếng đàn của Thanh Nhàn, Mạnh Cường, Chí Lợi, Ngọc Xưa, Văn Lục… qua trích đoạn cải lương Huyền sử Rạch Gầm.

Chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sân khấu Rạp hát Thầy Năm Tú tiếp tục sáng đèn và rộn rã bước chân của các nghệ sĩ cải lương trẻ, để mãi âm vang tiếng hò, xự, xang, xê, cống.

NGỌC LỆ

.
.
.