Những kỷ niệm với Nhà văn Trang Thế Hy
Tôi biết Nhà văn Trang Thế Hy từ đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Lần đầu tôi gặp ông vào năm 1981, ở Trại Sáng tác Trẻ của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, nhưng đến 4 năm sau mới gọi là “quen”, khi truyện ngắn Cô gái bình dị và một tâm hồn thơ lớn của tôi được in ở Báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, nơi ông đang làm việc.
Nhà văn Trang Thế Hy thắp hương tưởng niệm Nhà văn Sơn Nam. Ảnh: N.C |
Một lần, trên đường từ quê nhà tỉnh Bến Tre lên TP. Hồ Chí Minh, ông đã ghé Hội Văn nghệ Tiền Giang tìm tôi, để biết “mặt mũi” đứa đã viết những câu, chữ làm ông xúc động. Bên chiếc bàn làm việc trong một góc biệt thự Hội Văn nghệ cũ trên đường Thủ Khoa Huân, tôi đã có buổi hội ngộ đầu tiên với tác giả Văn Phụng Mỹ của Nắng đẹp miền quê ngoại, Vầng trăng bên kia sông mà tôi yêu thích trước năm 1975, giờ là Nhà văn Trang Thế Hy với Mưa ấm, Người yêu và mùa thu vừa xuất bản, đã gây nhiều tiếng vang. Ông bảo, không phải tôi viết về XD làm ông xúc động, mà qua những trang viết của tôi, ông đã “thấy được tâm hồn tôi”. Hồi đó, tôi còn quá trẻ để “thấu thị” những gì ông nói, nhưng cũng cảm nhận đươc sự ưu ái mà ông dành cho tôi.
Vậy mà, phải tới 8 năm sau, khi ông từ giã văn đàn Sài Gòn “đi chỗ khác chơi”, tôi mới có dịp tái ngộ với ông. Đó là năm Hội Văn nghệ Tiền Giang mở Trại truyện ngắn, tôi tìm qua nhà mời ông phụ trách đọc bản thảo, nhận xét. Ông nói đã “nghỉ chơi” rồi, không muốn “bẹo hình bẹo dáng” nữa.
Vậy mà, cuối cùng ông cũng nhận lời. Sau đó, mấy anh bạn đồng nghiệp ở Hội Văn nghệ tỉnh Bến Tre hỏi tôi: Sao mà “bứng” được cụ Tư ra khỏi “vườn dừa” vậy? Có gì đâu, thì cứ năn nỉ… Không chỉ phụ trách chuyên môn cho trại viết, lần lượt nhiều năm sau ông còn làm giám khảo các cuộc thi Văn học của Chi hội Văn.
Hồi đó, Hội Văn nghệ Tiền Giang còn rất nghèo, tôi thường chở ông qua Mỹ Tho nói chuyện văn chương bằng chiếc cup 50. Con đường đất lổn nhổn “ổ gà” từ nhà ông ra đường cái hễ mưa xuống là lầy lội, tôi phải để xe ngoài lộ, nói “vô bác Tư Sâm” là chủ nhà vui vẻ cho gửi. Hai bác cháu xách dép ra tới cái cống ở đầu lộ mới rửa chân. Ngồi sau xe, ông thường nói: Tội nghiệp con nhỏ, chở ông già, nên chạy chậm rì…
Ngày ấy, tôi hay cùng nhóm bạn viết trẻ: Tường Oanh, Hạ Thu, Hoàng Thu Dung…, hễ rảnh là rủ nhau “qua bác Tư chơi!”.
Rồi phà Rạch Miễu không còn, cùng với chiếc cầu khang trang, đường sá cũng mở rộng, không còn “ngăn sông cách trở”, nhưng nhóm bạn bè cũ, người rẽ ngang việc viết lách, người đi xứ khác mưu sinh, thi thoảng 2 - 3 năm tôi lò dò qua thăm, ông nhắc không sót từng đứa trong trại viết cũ, rồi tiếc: Nhỏ đó viết được quá mà sao không viết nữa!…
Khoảng hơn 15 năm nay, khi những đầu sách của ông bắt đầu in ấn lại, nhất là khi tập thơ song ngữ Đắng và ngọt được ra mắt và nhiều lần tái bản, tên của người “đi chỗ khác chơi”, những câu chuyện văn chương về ông được nhắc nhở nhiều trên báo chí, ngôi nhà trong vườn dừa không còn quạnh quẽ…
Bạn bè viết lách cả nước và độc giả yêu quý trang viết của ông tìm đến thăm ông ngày càng nhiều. Hầu như ai đọc văn, nghe tiếng ông cũng mong muốn một lần được diện kiến “Người hiền của văn chương Nam bộ”. Đặc biệt, giới trẻ càng yêu mến, ngưỡng mộ, xem ông như mẫu mực về nhân cách viết cũng như nhân cách sống.
Tôi từng nói giỡn: Hồi bác Ba (Nhà thơ Lê Hà) còn sống, năm nào con cũng qua chơi. Con ít ghé bác vì bác thiếu gì người thăm. Ông gật gù: Ừ, nói nào ngay tao không đến nỗi hiu quạnh như “thằng cha” Lê Hà. Những lúc thân mật, ông thường dùng đại từ nhân xưng rặt chất Nam bộ như vậy.
Còn nhớ, lần sinh nhật mừng thượng thọ 80 tuổi của ông, do Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu tổ chức, chiều muộn, tôi cùng mấy bạn viết Tiền Giang qua thăm, lúc ra về, tôi nói đùa: Bác Tư ráng khỏe, 5 năm nữa tụi con qua chúc thọ bác tuổi 85. Vậy mà đúng 5 năm sau tôi mới trở lại thăm ông dù cầu đã thông, không còn cảnh phải “lụy” phà.
Và lần cuối cùng, sinh nhật mừng tuổi 89, chạng vạng, ngược con đường đất đỏ lổn nhổn từ nhà ông ra lộ, tôi ngoái lại bùi ngùi nhìn dáng gầy gò của ông chậm chạp quay trở vào căn nhà liêu xiêu, nhủ thầm: Chắc phải qua thăm bác Tư thường hơn!
Bây giờ, con lộ vào nhà ông đã được mở rộng, trải nhựa sát hiên thềm. Đến viếng ông, hàng dãy xe hai bánh, bốn bánh đậu dọc hai bên lề. Dòng sông nhỏ trước nhà cũng được làm bờ kè với chiếc cầu xinh xắn nối đôi bờ.
Cảnh quan thông thoáng, đẹp đẽ khiến tôi nguôi nhớ con lộ vừa đi vừa tránh “ổ gà”, bờ lau sậy quạnh quẽ dẫn vào ngôi nhà nằm sâu trong khoảng sân um tùm, nơi tôi từng có những buổi “thanh lọc tâm hồn” khi đến thăm ông, dù là những giờ phút ngắn ngủi trong cuộc đời.
THU TRANG