Nhà cổ của ông Lê Văn Xoát - kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Cách thị trấn Cái Bè khoảng 3 km, đi dọc theo bờ nam sông Cái Bè dưới bóng mát xum xuê của các loại cây ăn trái xoài cát Hòa Lộc, nhãn, bưởi da xanh, cam, quýt, mận là bắt gặp ngôi nhà cổ của ông Lê Văn Xoát (số 620, tổ 18, ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè). Đây là ngôi nhà có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, kiểu nhà rường của Huế nhưng mang đậm sắc thái Nam bộ.
Ảnh: VĂN TUẤN
Được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ thứ XIX, sau hơn 3 năm (1818 - 1821) ngôi nhà mới hoàn thành. Vợ chồng ông Lê Văn Ký và bà Phạm Thị Lầu đã rước thợ từ Huế vào xây cất. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà rường xiên trính, 3 gian 2 chái đôi toàn bằng gỗ quý, mái ngói âm dương trên diện tích khuôn viên vườn cây ăn trái 9.215 m2.
Trải qua 6 đời, tuy có một số lần sửa chữa, tu bổ, nhìn bên ngoài như mang dáng dấp của kiến trúc phương Tây, nhưng bên trong ngôi nhà vẫn giữ được nét đặc trưng ban đầu theo lối kiến trúc nhà ở dân gian Nam bộ.
Theo khảo sát thực tế và hồ sơ di tích đang lưu giữ tại Ban Quản lý di tích tỉnh: Phần trước là mặt dựng được xây bằng gạch có diện tích 80 m2 theo kiểu kiến trúc Pháp, cao 4,5 m; bó nền bằng đá xanh lục giác; mặt nền lót gạch bông; cột vuông và tròn; cửa vòm; trên đỉnh cửa và cột được xây theo kiến trúc gothic trang trí hoa văn dây lá, hoa hồng; ở giữa có 2 chữ “Nhựt Tân” có hoa văn đồng tiền kết nối; mái lợp ngói vảy cá.
Bên trong mặt dựng là nhà cầu làm nơi tiếp khách và làm việc có diện tích 110 m2, bộ khung gồm 14 cây cột gỗ to, có đường kính khoảng 30 cm, cao từ 2,78 - 3,78 m được kê trên táng đá xanh nền lót gạch men (trước đây là gạch Tàu). 3 gian chính được tạo bởi 4 thanh trính nối với 4 cột hàng ba nhà chính, trên 6 kèo đều được chạm khéo léo, tỉ mỉ như: Đầu rồng cách điệu, chữ song hỷ, chim phượng, trái cây, dây lá…
Qua nhà cầu là nhà chính có diện tích 205 m2, lót gạch Tàu da quy, có hành lang chạy sâu vào phía sau, đỡ mái bằng 24 cột tròn bằng gỗ cao to (đường kính 30 - 35 cm, cao 3,5 - 4,7 m). Trên các khung cửa “thượng song, hạ bản” được trang trí nhiều khuôn chạm lộng, chạm nổi, chạm chìm khéo léo (124 khuôn) với các đề tài mang đậm phong cách Việt: Mai, điểu, tùng, lộc, trái phật thủ, hoa cúc, hoa sen, dây lá... biểu tượng của hạnh phúc, an khang thịnh vượng và trường thọ.
Bước vào gian chính là nơi thờ tự, được xây dựng theo kiểu nhà rường xiên trính, có 24 cột gỗ căm xe không chạm, kê trên táng đá xanh; trên xiên chạm các đề tài hoa trái lê, lựu, dây lá… rất độc đáo. Trên hàng cột được bố trí 2 câu đối, phần giữa 2 cột là bao lam khảm xà cừ và sơn son thếp vàng. Đố cửa bao lam được chạm hoa văn chữ vạn và hoa trái.
Chính giữa là biển đại tự “Chấn gia thanh”, hai bên là 2 bức liễng khảm xà cừ mai điểu, bên dưới là bàn thờ Phật với bộ tranh thờ rất trang trọng. 2 gian bên, bao lam chạm rồng cách điệu hoa lá, cuốn thư, rơi ngậm tiền, trái mãng cầu, khế, giỏ hoa….; bên dưới là bàn thờ tổ tiên chạm cá hóa long. Phía sau là lẫm lúa có diện tích 150 m2 (hiện đã bị tháo dỡ, chỉ còn dấu vết nền).
Không chỉ ngôi nhà có lối kiến trúc độc đáo, mà bên trong ngôi nhà còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật quý: 6 bàn thờ, 2 bộ trường kỷ, 4 bộ bao lam, bộ án thờ, bộ bàn ghế…, có những cái được chạm trổ long, phụng, cuốn thư, mai điểu, trái cây một cách khéo léo, tinh tế hay được chạm cẩn xà cừ, sơn son thếp vàng, thể hiện sự tài tình của những nghệ nhân tài hoa lúc bấy giờ. Đặc biệt, còn giữ được 1 bộ bàn dài cẩm thạch vân trắng, chân quỳ dài 1,59 m, rộng 0,82 m, cao 0,82 m và 1 bộ ván cẩm thạch (2 ván) dài 2,20 m, rộng 1,60 m, dày 15 cm.
Với bề dày lịch sử và kiến trúc nghệ thuật trang trí độc đáo, cũng như một số ngôi nhà khác ở xã Đông Hòa Hiệp, nhà cổ của ông Lê Văn Xoát đã được tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và ngành Văn hóa địa phương tư vấn phát triển du lịch cộng đồng, được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2014.
Được biết, quần thể di tích nhà cổ Đông Hòa Hiệp đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận Làng cổ cấp Quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích phục vụ khách tham quan du lịch tại Tiền Giang.
NGUYỄN MẠNH THẮNG
.