Nhọc nhằn nghề chụp ảnh ngày tết thời smartphone
Nghề chụp ảnh ngày tết từng là "cần câu cơm" chính cho những người thợ chụp ảnh. Thế nhưng, với sự tiện ích và thông dụng của smartphone ngày nay, đang làm cho nghề chụp ảnh ngày tết dần mất chỗ đứng.
Anh Phước đang xem lại ảnh chụp cho khách. |
THỜI HOÀNG KIM ĐÃ XA
Chúng tôi đến Đường hoa Hùng Vương vào mùng 3 tết, hòa lẫn giữa dòng người hớn hở du xuân, là bóng dáng của những người thợ ảnh chào mời khách tham quan chụp ảnh lưu niệm. Thế nhưng, đáp lại họ là những cái lắc đầu và nụ cười trừ của khách tham quan. Đó là tình trạng chung của những người thợ ảnh nơi đây. Ế khách, họ đứng quây quần bên nhau, nhắc nhớ nhau về cái thời hoàng kim của nghề chụp ảnh.
Chú Phan Văn Hải (ngụ phường 9, TP. Mỹ Tho) có thâm niên hơn 30 năm chụp ảnh ngày tết, bồi hồi nhớ lại: “Tôi nối nghiệp cha mình, bắt đầu chụp ảnh dạo tết từ năm 1982. Thời đó, nghề chụp ảnh được nhiều người nể trọng, vì máy ảnh mắc lắm, cả cây vàng mới mua được một chiếc máy…”.
Trong khoảng thời gian từ năm 1990 - 2003 là thời kỳ “cơm no áo ấm” của giới thợ ảnh vào mỗi dịp tết. Lúc đó, Đường hoa Hùng Vương chưa được tổ chức, chỉ chụp ảnh từ 25 tháng Chạp đến 30 tết ở chợ hoa.
Sau mỗi mùa tết, nghề ảnh mang lại cho họ nguồn thu lớn để lo toan cho cuộc sống gia đình.
Anh Phước (xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) là thợ ảnh gắn bó với chợ hoa Mỹ Tho 24 năm nay, kể lại: “Ngày đó, khách đắt lắm, họ kêu mình chụp liên tục không kịp nghỉ tay. Mỗi ngày, tôi chụp được hơn chục cuộn phim (mỗi cuộn chụp được 36 ảnh), trừ chi phí, tôi sắm được ít nhất 5 chỉ vàng mỗi mùa tết”.
Cùng với guồng quay của thời gian, những bước phát triển của công nghệ, máy ảnh ngày càng rẻ và phổ biến hơn, nhất là sự bùng nổ của smartphone với những tính năng tiện ích, dễ sử dụng đang dần đẩy nghề chụp ảnh vào dĩ vãng.
“CẦN CÂU CƠM” ĐANG LUNG LAY
Với sự phát triển của đất nước, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, việc sử dụng máy ảnh, smartphone ngày càng thông dụng. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết khách tham quan đều cầm trên tay chiếc smartphone hay máy chụp ảnh, để tự mình selfie hay chụp ảnh cho người thân làm kỷ niệm ngày tết.
Anh Phạm Thiên Vũ (phường 10, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Bây giờ máy ảnh rẻ quá, nên hầu như nhà nào cũng sắm cho mình cái máy ảnh; nhất là bây giờ giới trẻ chỉ thích chụp hình rồi đăng Facebook chia sẻ cho bạn bè, không cần rửa ra, nên đâu có kêu tụi tôi chụp hình nữa…”.
Sau một hồi đi tới đi lui mời khách chụp ảnh, chú Hải dừng lại xem đồng hồ, rồi nói với chúng tôi: “Tôi ra đây từ 6 giờ, giờ đã 9 giờ mà chưa chụp được kiểu nào. Cứ mời mười người thì lắc đầu đủ mười, còn chìa ra cái điện thoại, ý nói “có máy chụp hình rồi” nên không kêu chụp”.
Rất nhiều bạn trẻ chuyền nhau chiếc smartphone, khoe nhau những tấm ảnh vừa chụp; hoặc con trẻ đang chụp hình cha mẹ làm kỷ niệm bằng máy ảnh kỹ thuật số của gia đình. Với sự tiến bộ của công nghệ, việc chụp ảnh ngày càng dễ dàng, nên họ đâu cần đến những người thợ ảnh đang đứng trầm ngâm ở phía xa, như chào thua trước sự phát triển của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.
Theo quy định, để được chụp ảnh kinh doanh ở Đường hoa Hùng Vương, những người thợ ảnh phải đóng phí đăng ký hành nghề cho Ban Quản lý Đường hoa. Chụp ảnh ở Đường hoa từ 28 tháng Chạp đến ngày mùng 7 tết, mỗi người thợ ảnh phải đóng 2.800.000 đồng cho máy ảnh thường, 3.300.000 đồng cho máy ảnh lấy liền.
Mức phí cao cộng với sự cạnh tranh gay gắt của smartphone, thu nhập của những người thợ ảnh chẳng là bao. Anh Phước tâm sự: “Năm nay, khách chụp ảnh ít hơn năm ngoái, không đủ tiền đóng phí, phải đem nước suối theo uống chứ không dám uống cà phê…”.
Với thu nhập thấp dần theo từng năm nên nhiều thợ ảnh đã bỏ nghề để làm nghề khác. Cụ thể, năm ngoái có 40 thợ đăng ký chụp hình, thì năm nay chỉ còn 30 thợ đăng ký. Anh Lê Văn Cường (xã Nhuận Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) là thợ ảnh trẻ, mới chụp ảnh những năm gần đây, cho biết:
“Tôi là giáo viên dạy Tin học ở một trường trung học cơ sở. Nghề chụp ảnh tết chỉ là nghề tay trái hầu kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhưng chẳng đáng với công sức bỏ ra nên tôi dự định năm sau sẽ nghỉ, không làm nữa”.
Mùa tết là mùa mà giới thợ ảnh cho là mùa “ấm no” mà còn hiu hắt đến thế, thì những ngày khác còn rầu hơn. Thế nên, họ mong mỏi các cơ quan chức năng tạo điều kiện để được chụp ảnh ở các danh lam, địa điểm du lịch của tỉnh để kiếm sống mà bám trụ với nghề.
PHAN THẮNG