Thứ Hai, 15/02/2016, 17:21 (GMT+7)
.

Những "ông đồ trẻ" ở Đường hoa Hùng Vương

Cùng với việc trưng bày hoa kiểng phục vụ cho người dân du xuân chào năm mới, Đường hoa Hùng Vương Xuân Bính Thân 2016 còn có các gian hàng phục vụ ăn uống, quà lưu niệm…, trong đó có các gian hàng thư pháp của những “ông đồ trẻ”. Họ là dấu gạch nối từ tết truyền thống đến tết hiện đại, với những nét đẹp tao nhã đầy ý nghĩa.

Rất nhiều khách tham quan  xem anh Nguyễn Ngọc Thiện viết những nét chữ điêu luyện.
Rất nhiều khách tham quan xem anh Nguyễn Ngọc Thiện viết những nét chữ điêu luyện.

Nhắc đến thư pháp, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh “…Ông đồ già/ Bày mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” của nhà thơ Vũ Đình Liên, với những nét chữ như phượng múa rồng bay. Hiện tại, ngoài việc thỏa mãn niềm đam mê của mình, những người trẻ đến với thư pháp còn để học hỏi và rèn luyện nhân cách.

Trong không khí nhộn nhịp, vui tươi của Đường hoa Hùng Vương, hình ảnh “ông đồ trẻ” với áo sơ mi, quần Tây ngồi chăm chú, nắn nót từng nét chữ để cho ra đời những đứa con tinh thần chứa đầy tâm huyết của mình, như dấu gạch nối giữa những người hiện đại với nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc.

Năm 2003, trong một dịp tình cờ, lúc đi ngang Nhà Văn hóa TP. Mỹ Tho, thấy có chiêu sinh lớp thư pháp cơ bản, vì tò mò và có chút đam mê từ nhỏ với môn nghệ thuật đầy tinh tế này, anh Trịnh Chánh Trung (30 tuổi, ngụ phường 2, TP. Mỹ Tho) đăng ký tham gia, rồi “ghiền” thư pháp lúc nào không hay.

Anh Trung cho biết: “Tôi thích thư pháp từ lúc còn nhỏ, qua những tranh chụp in trên lịch hoặc chiếu trên tivi. Tôi tò mò không biết làm sao người nghệ sĩ có thể viết được những chữ đẹp như thế. Năm tôi học lớp 11, tình cờ thấy thông báo chiêu sinh lớp thư pháp căn bản, tôi đăng ký học, rồi mê luôn tới giờ”.

Sau khi hoàn thành khóa học trong 5 tháng, lúc đầu anh Trung chỉ viết chữ tặng cho các chùa vào dịp lễ, tết. Về sau, có người thấy chữ đẹp, khuyên anh nếu viết bán sẽ có nhiều người mua. Từ đó anh bắt đầu phối hợp với các họa sĩ vẽ tranh tại các gian hàng, hội chợ vào những dịp lễ, tết.

Khách tham quan đang xem thư pháp.
Khách tham quan đang xem thư pháp.

Cùng gian hàng với anh Trung là anh Nguyễn Hoàng Huy (33 tuổi, ngụ phường 2, TP. Mỹ Tho) cũng đến với thư pháp một cách tình cờ. Anh Huy kể, tình yêu của anh dành cho thư pháp vào năm 2007 sau khi xem một phóng sự về nét đẹp tinh tế của nghệ thuật thư pháp.

Vì thấy anh Trung gần nhà viết chữ đẹp, nên anh theo anh Trung học cho tới giờ. Anh Huy cười nói: “Viết thư pháp  đòi hỏi người viết phải nguội tính, kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng nét cọ, nếu không có những đức tính này thì không thể viết thư pháp được”.

Cách chỗ anh Huy và anh Trung 2 gian hàng là gian hàng thư pháp của anh Nguyễn Ngọc Thiện (ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho). Anh đến với thư pháp từ năm 2006, vừa tham gia các lớp học về thư pháp do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức, anh vừa mày mò nghiên cứu từ Internet để trau dồi thêm cho mình.

Anh Thiện chia sẻ: “Rèn luyện thư pháp cũng đồng thời là rèn luyện bản thân mình. Thư pháp cho tôi thêm ý thức để sống, để làm việc. Học viết thư pháp giúp tôi rèn luyện được những đức tính tốt, biết kiên nhẫn hơn trong công việc, rèn được cái tôi của mình để học hỏi ngày càng tiến bộ hơn”.

Ngày xưa, thư pháp được viết trên giấy dó, giấy xướng chỉ. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, thư pháp được viết trên nhiều chất liệu khác nhau như: Gỗ, đá, vải… Mực dùng để viết thư pháp cũng đa dạng, như mực keo, mực nước, mực vẽ mỹ thuật… Với mỗi tác phẩm, tùy thuộc vào chất liệu và kích thước mà giá dao động từ 50.000 - 200.000 đồng/tác phẩm.

Anh Trung nói: “Ngày tôi mới bắt đầu viết thư pháp bán ở các hội chợ, mỗi ngày bán được cả trăm bức. Những năm gần đây người ta không còn để ý tới thư pháp nhiều nữa, nên khách hàng ngày càng ít đi, có năm tiền bán tranh chỉ đủ để trả tiền thuê mặt bằng”.

Thư pháp không mang lại thu nhập cao, nên các anh chỉ coi là nghề tay trái vào dịp tết. Để trang trải trong cuộc sống hàng ngày, tiếp tục niềm đam mê, họ đều có công việc chính, như anh Trung có tiệm chụp ảnh, anh Thiện là nhân viên của một công ty.

“Đã 5 năm nay, cứ dịp tết đến, tôi đều ra đây viết thư pháp. Tuy thu nhập từ bán tranh thư pháp không cao, nhưng đây là dịp để tôi trau dồi kỹ năng, rèn luyện bản thân, là nguồn cảm hứng để tôi tìm tòi, sáng tạo nên những tác phẩm mới với những nét riêng của mình” - anh Thiện tâm sự

PHAN THẮNG

.
.
.