Thứ Tư, 10/02/2016, 06:58 (GMT+7)
.

Những phong tục đẹp trong dịp Tết

Tiền Giang là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời so với các tỉnh khác của Nam bộ. Khoảng đầu thế kỷ XVII, lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng, Thanh - Nghệ trong hành trình tiến về phương Nam đã đến khai mở vùng đất này.

Bằng sự lao động cần cù, bền bỉ, quả cảm, sáng tạo, tinh thần tương thân tương ái, các bậc tiền nhân đã từng bước biến một vùng đất hoang vu trở thành trù phú. Do các đặc điểm địa lý tác động đến tiến trình phát triển kinh tế của một vùng, nên trong quá trình hình thành và phát triển đã để lại trên vùng đất này một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó có các phong tục trong dịp tết.

Ảnh: CAO LẬP ĐỨC
Ảnh: CAO LẬP ĐỨC

Theo tục xưa, chiều 30 tết (hoặc 29 âm lịch) mọi người đều phải tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo mới, với hy vọng dòng nước trong mát cuối năm sẽ tẩy rửa mọi tai họa của năm cũ và đem lại hạnh phúc trong năm mới. Tiếp theo, chủ nhà dọn một mâm cơm lên bàn thờ rước tổ tiên về ăn tết với con cháu; sau khi cúng xong, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm, gọi là tiệc tất niên.

Trước đây, lễ rước ông bà được tổ chức rất long trọng, chủ nhà phải bưng khay lễ ra trước ngõ đón ông bà, hai bên có hai đứa cháu cầm hai cây mía gọi là “gậy” ông bà. Lễ rước xong, hai cây gậy được buộc hai bên bàn thờ suốt dịp tết. Lễ vật rước ông bà thường có một con gà luộc (gà chữ Hán viết là “kê”, gần âm với chữ “kiết” (cát), có ý nghĩa tốt đẹp) với nhiều hành lá hoặc củ hành (hành chữ Hán đọc là “thông”, trùng âm với chữ “thông”, có nghĩa là thông suốt).

Lễ vật này với ý nghĩa trình báo với tổ tiên biết con cháu được mọi sự tốt đẹp suốt năm. Ngày xưa, lúc rước ông bà, người ta đốt rất nhiều giấy thay vải lụa, có ý nghĩa hy vọng ông bà được ấm thân trong mấy ngày tết. Tục lệ này ngày nay không còn.

Tết quê. 			      		                   Ảnh: DUY BẰNG
Tết quê. Ảnh: DUY BẰNG

Từ chiều 30 tết, sau lễ rước ông bà thì xem như tổ tiên đã ở tại nhà, nên suốt 3 ngày sau con cháu phải dâng cúng cơm nước 3 bữa mỗi ngày.

Sáng mồng một dâng trà nước, nhang đèn làm lễ chúc tết tổ tiên. Sau đó con cháu dâng trà nước chúc tết ông bà và được lì xì một phong bì, trong đó có một đồng tiền mới, có ý nghĩa lấy lộc may mắn đầu năm.

Ngày mồng một cũng là ngày mọi người đến chùa chiền, đình miếu… để mừng tuổi Phật trời, thần thánh. Trong ngày đầu năm và liên tiếp các ngày sau, mọi người đến thăm viếng, chúc tết bà con thân tộc nội ngoại, bạn bè, láng giềng, thầy dạy học, dạy nghề “Mồng một tết nhà, mồng hai tết (bên) vợ, mồng ba tết thầy …”.

Mồng ba tết là ngày ra mắt các vị thần thánh. Sáng sớm, người ta làm lễ ra mắt thần Hành binh, Hành khiến (những vị thần chủ quản việc chiến tranh, dịch bệnh, tai họa) để cầu gia đạo bình an.

Người làm nghề chăn nuôi thì làm lễ ra mắt vợ chồng thần chuồng trại, cho trâu ăn một bó cỏ non và trâu đực được uống chút rượu, trâu cái được uống chút trà. Trẻ mục đồng được tặng một bộ quần áo mới và bao lì xì. Người làm vườn làm lễ ra mắt Thổ thần. Người làm ruộng ra mắt bà Chúa Xứ…

Bên cạnh đó, người ta còn có tục dùng giấy hồng đơn cắt thành hình quả tram hoặc hình quả bầu dán lên tất cả cây cối hoặc đồ vật trong nhà, gọi là tết nhà, tết vườn. Thầy đồ, giới trí thức làm lễ khai bút bằng cách viết một dòng chữ hoặc một bài thơ dán lên cột nhà... Tất cả đều có ý nghĩa cầu mong một năm thịnh vượng.

Lễ cúng tất xưa được tổ chức vào chiều ngày mồng bốn. Chủ gia đình bưng khay trầu rượu cùng với hai người cầm gậy ông bà, thêm người gánh lễ vật (gồm bánh ít, bánh tét, dưa hấu, thịt kho, cơm canh... mỗi thứ một ít tượng trưng) ra đến ngõ rót rượu, mời trầu, đốt vài tờ vàng bạc cho tổ tiên làm lộ phí, sau đó đốt tất cả lễ vật, kể cả hai cây gậy mía. Ngày nay, lễ cúng tất thường được cúng vào ngày mồng ba và đã được đơn giản hóa, chỉ bày lễ vật và mâm cơm lên bàn thờ, dâng hương, rượu trà... kể như đã đưa tiễn tổ tiên.

Những phong tục vừa kể trên là những tục lệ gắn bó với đời sống của cư dân nông nghiệp và theo thời gian đã có nhiều biến đổi cho phù hợp với cuộc sống công nghiệp, hiện đại. Với tinh thần “ôn cố, tri tân”, “gạn đục, khơi trong”, thiết nghĩ chúng ta cần tiếp tục giữ gìn, phát huy những phong tục tốt đẹp mang đậm tính nhân văn của cha ông và loại bỏ những tục lệ không còn phù hợp, thay vào đó những tục lệ tiến bộ hơn. Đó chính là một việc làm thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.                        

MINH PHÚC

.
.
.