Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trong 10 năm qua, ngành VH-TT&DL của tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, đã phát hành gần 40.000 tài liệu; 850 panô, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền việc cưới, việc tang và lễ hội; tổ chức 2 cuộc Hội thi văn nghệ quần chúng cấp tỉnh về đề tài này, thu hút gần 1.500 lượt diễn viên không chuyên tham gia biểu diễn, phục vụ cho khoảng 15.000 lượt người xem; đưa tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với việc công nhận các danh hiệu: Gia đình, ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) Văn hóa.
Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 417.403 hộ (đạt tỷ lệ 96,2% tổng số hộ), 969/1.025 ấp (khu phố), 79/173 xã (phường, thị trấn), 33 chợ, 304 con đường, 356 cơ sở thờ tự và 11 công viên đạt danh hiệu Văn hóa.
Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định tại TX. Gò Công. |
Xuất bản tập sách “Hỏi - đáp về tập tục tín ngưỡng, lễ thức theo vòng đời người xưa và nay” với số lượng 2.000 bản, phát hành trên toàn tỉnh để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Tổ chức 2 lớp tập huấn nhạc lễ Nam bộ cho gần 100 nghệ nhân của 65 ban nhạc lễ trong tỉnh, nhằm hướng các ban nhạc sử dụng đúng các bài bản theo nguyên tắc cổ điển, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thực hiện 2.000 đĩa nhạc lễ Nam bộ và nhạc tang phục vụ cho hoạt động tang tế của nhân dân. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 16/CT-UBND về “Quản lý nhạc lễ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Phối hợp với Báo Ấp Bắc thực hiện 40 chuyên trang Đời sống văn hóa, trong đó có nhiều bài viết tuyên truyền về việc cưới, việc tang và lễ hội.
Qua 10 năm tuyên truyền vận động, đa số nhân dân trong tỉnh tổ chức việc cưới, việc tang tiết kiệm, phù hợp với truyền thống dân tộc, thể hiện được nét đẹp văn hóa cộng đồng, các nghi thức lạc hậu dần được loại bỏ.
Một số mô hình mới như tổ chức đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã, các đôi tân hôn đến viếng nghĩa trang liệt sĩ...; khi gia đình có người qua đời đều trình báo với chính quyền, làm thủ tục báo tử theo quy định, đa số người dân ở thành phố thực hiện phương thức hỏa táng người chết.
Về lễ hội, Sở VH-TT&DL là cơ quan Thường trực của Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức tốt các ngày kỷ niệm, các lễ hội lớn của tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng cho nhân dân trong tỉnh. Các đình, miếu, cơ sở thờ tự của các tôn giáo trong tỉnh đều thành lập Ban Thờ tự nên hoạt động tế lễ nền nếp, đúng với quy định của Nhà nước.
Để tiếp tục vận động nhân dân thực hiện tốt việc cưới, việc tang, lễ hội, ngành VH-TT&DL sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều phương thức đặc thù của ngành, gắn với nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh thường xuyên nêu gương người tốt việc tốt, phê bình những biểu hiện thương mại hóa việc cưới, việc tang, lễ hội; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, lễ hội theo quy định của pháp luật.
THANH HẢI