Thứ Tư, 06/04/2016, 18:00 (GMT+7)
.

Mong sao những "đôi cánh thiên nga" bay cao, bay xa

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vừa tổ chức lớp múa đương đại cho hơn 20 học viên, do Biên đạo múa Đức Nhuận (Nhà hát giao hưởng TP. Hồ Chí Minh) hướng dẫn trong hơn 1 tháng.

GIỌT MỒ HÔI “THIÊN NGA”

Có theo dõi những buổi tập mới thấy hết những khó khăn, gian khổ của những người đam mê môn nghệ thuật này. Những động tác uốn lượn nhẹ nhàng, mềm mại trên sàn diễn nhìn tưởng dễ dàng, đơn giản, nhưng để thực hiện được đòi hỏi sự tập trung tinh thần cao độ, huy động thể lực tối đa và sự khổ luyện.

Những giọt mồ hôi cứ lăn dài theo các động tác từ chậm đến nhanh, từ đơn giản đến điêu luyện. Sự đan chéo phối hợp ưng ý giữa các vũ công với nhau cũng là cả vấn đề. Không những thế, tai nạn cũng luôn rình rập bất cứ lúc nào.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa.												  Ảnh: TL
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh: TL

Giữa giờ giải lao, Đỗ Ngọc Tú My (sinh năm 1995, ngụ phường 6, TP. Mỹ Tho) lau những giọt mồ hôi trên má, hơi thở gấp nhưng vẫn vui vẻ tâm sự:

“Em là cộng tác viên của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang. Những ngày đầu tham gia môn nghệ thuật này em ngại lắm vì quá cực, vả lại gia đình em cũng không cho em theo vì cảm thấy nghề múa bấp bênh. Thế nhưng, sau 1 lần biểu diễn thành công trên sân khấu, em mê và chọn nghề múa, tin rằng sẽ tiến xa hơn…”.

Tú My còn nhiệt tình cho biết thêm: “Ở các lớp múa, các thành viên xem nhau như gia đình vậy. Em nhỏ nhất nên được các cô, các chú và anh chị quan tâm, giúp đỡ rất nhiều. Qua lớp đào tạo lần này, em học hỏi được rất nhiều điều, nhất là sự tự tin trên sân khấu”.

Không riêng Tú My, mà hầu hết học viên tham gia lớp múa đương đại lần này thể hiện sự hăng say, kiên trì luyện tập. Những động tác khó phải tập đi tập lại rất nhiều lần. Học viên Bảo Trâm được Biên đạo múa Đức Nhuận đánh giá cao, đã bộc bạch: “Do đam mê nên em tự phấn đấu. Em biết, con đường nghệ thuật múa rất gập ghềnh nhưng được thỏa mãn, được “cháy” hết mình trên sân khấu là bao mệt nhọc như được xua tan…”.

Biên đạo múa Đức Nhuận chia sẻ: “Múa đương đại là sự thoải mái của động tác, dùng đường nét tự nhiên và sức mạnh của thân hình để tạo hàng loạt chuyển động tiếp nối tuyệt vời. Múa với hầu hết loại âm nhạc, hoặc kết hợp với các hình thức khác để sáng tạo chuyển động mới của động tác. Nghệ thuật múa đương đại nhắm vào đường nét tự nhiên của cơ thể, giải phóng cơ thể, đi tìm sự hòa hợp cùng âm nhạc…”.

Trong hơn 1 tháng phụ trách hướng dẫn lớp học, anh đánh giá rất cao sự nỗ lực của các học viên. Là người tâm huyết nên anh cũng còn khá nhiều điều trăn trở: “Tôi thấy ở các bạn sự năng nổ, nhiệt tình và cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, do các bạn tiếp xúc với nghệ thuật múa hơi trễ nên khả năng còn hơi khiêm tốn. Nếu chúng tôi có thời gian làm việc lâu hơn, tôi tin chắc các bạn sẽ tiến bộ vượt bậc và sẽ có những thành công nhất định trên con đường nghệ thuật múa…”.

Trải qua quá trình tập luyện hơn 1 tháng, lớp đã có buổi diễn báo cáo thành công. Tại lễ bế giảng, Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang đã cấp 16 chứng chỉ hoàn thành khóa học và 4 Giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

Biên đạo múa Thu Thủy, Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ Múa của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nhận định sau màn biểu diễn báo cáo của lớp múa đương đại: “Qua sự hướng dẫn nhiệt tình của Biên đạo múa Đức Nhuận và sự cố gắng của học viên, tôi thấy các em đã tiến bộ hơn trước rất nhiều, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên và sự tự tin, bản lĩnh của các em trên sàn diễn…”.

Chắc hẳn, cảm hứng từ các cô chú, anh chị đi trước và niềm đam mê với nghệ thuật múa đã tác động học viên miệt mài trên sàn tập, để có được buổi trình diễn thành công. Ở họ, tôi luôn cảm thấy một niềm lạc quan, yêu đời, yêu nghề. Tôi cũng tin rằng, những cánh “thiên nga” miệt mài ấy không chỉ dừng lại ở sàn diễn trong tỉnh, mà còn bay cao, bay xa hơn.

“QUẢ NGỌT” VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN

Trong những năm gần đây, Chi hội nghệ sĩ Múa Tiền Giang đã gặt hái được khá nhiều thành công trên sàn diễn trong khu vực và kể cả toàn quốc. Có thể nhắc đến một số thành công nổi bật của chi hội trong năm 2015 như:

Giải A tại Liên hoan Ca khúc cách mạng Cụm các tỉnh khu vực sông Tiền; Giải A tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Cục Kỹ thuật Quân khu 9; đoạt 1 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc tại Liên hoan Ca khúc cách mạng toàn quốc (tổ chức tại tỉnh Quảng Trị); đoạt 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân khu vực phía Nam (tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu)…

Ngoài ra, hội viên múa dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ quần chúng cho các cơ quan, ban, ngành, trường học trong tỉnh tham gia nhiều cuộc liên hoan, hội thi cấp tỉnh và làm nòng cốt trong nhiều chương trình lễ hội, sân khấu hóa với vai trò biên đạo và diễn viên, phục vụ tốt các ngày lễ lớn trong năm. Đó là kết quả của sự phấn đấu không ngừng nghỉ của các vũ công và ê kíp biên đạo.

Trong những năm qua, múa trong các chương trình nghệ thuật ngày càng hiện diện nhiều hơn, có lúc gần như bao trùm cả chương trình. Qua đó có thể thấy nhu cầu của công chúng đối với nghệ thuật múa ngày càng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tích cực, phong trào múa cũng còn những hạn chế, phổ biến nhất là sự sáo mòn, lặp đi lặp lại khuôn mẫu, thiếu tính đột phá của tác phẩm, tiết mục múa; người làm biên đạo, dàn dựng đa phần chạy theo thị hiếu, sao chép trên mạng, không nhận dạng kỹ thể loại múa…

Để phát triển nghệ thuật múa, trong đó có phong trào múa quần chúng, cần có những kế hoạch, biện pháp thiết thực và hiệu quả, trong đó căn bản là thực hiện “Nghệ thuật hướng tới công chúng”; đồng thời hướng tới đào tạo lực lượng trẻ kế thừa cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng…
Mong sao những “đôi cánh thiên nga” bay cao, bay xa.        

      TRẦN THƯƠNG NHIỀU

.
.
.