Ngậm ngùi Xóm hát bội Mỹ Tho
Nhắc đến hát bội, trong ký ức tuổi thơ của tôi còn ghi lại: “Mỗi khi đình có lễ là bọn con nít xóm tôi rất háo hức. Tiếng chiêng tiếng trống như giục bước chân chúng tôi chạy nhanh thêm để không bỏ lỡ những màn hay. Lúc ấy, chúng tôi thường mê tít những đường gươm, mũi giáo của các vị tướng uy dũng và mơ màng mình được như vậy…”.
Hát bội từng là bộ môn nghệ thuật rất được ưa chuộng ở Nam bộ. Ảnh: TL |
TÌM VỀ XÓM HÁT BỘI MỸ THO
Tôi tìm đến Xóm hát bội Mỹ Tho để tìm về ký ức tuổi thơ và cũng để hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Xóm hát bội Mỹ Tho nằm trong con hẻm nhỏ ở phường 5 (TP. Mỹ Tho), đối diện với Trường Đại học Tiền Giang. Hỏi thăm, đến được nhà Nghệ sĩ Huyền Nga thì cô đã đi vắng.
Không nản chí, tôi tiếp tục tìm nhà Nghệ sĩ Bảo Ân thì được biết ông không còn ở trong xóm, mà đã dời nhà qua cầu Bến Chùa. Quyết không bỏ cuộc, tôi hỏi tiếp nhà của Nghệ sĩ Thanh Bình và lần theo sự hướng dẫn tôi cũng tìm được nhà của ông, nhưng ông vắng nhà và cái ổ khóa nặng trịch như kéo chùn không gian xuống.
Có người cho biết, có lẽ ông đang đi bán vé số dạo ở một con đường, góc hẻm nào đó, khiến tôi bùi ngùi trong dạ. Trong lúc thất vọng thì rất may tôi gặp được cô út Lình. Trò chuyện hồi lâu, tôi mới biết cô là con của Nghệ sĩ Ba Kiên, bầu của Đoàn hát bội Hiệp Lợi, đang nối nghiệp cha quản lý đoàn. Theo lời cô, hiện thời xóm hát bội chỉ còn vài nghệ sĩ, đa phần do phải lo kế sinh nhai nên đã tản mát hết, chỉ khi nào có suất diễn mới liên hệ hội tụ.
Vào những năm 40 của thế kỷ XX, giữa lòng “Mỹ Tho đại phố” cái tên Xóm hát bội Mỹ Tho không chỉ người dân địa phương biết đến, mà còn lan khắp miền Tây và lên tận Sài Gòn phồn hoa. Trước đây, xóm là khu đất vườn của một bà Đốc và khi thành lập Đoàn hát bội Tấn Lộc Thành thì ông bầu Tửng mới rủ các anh em nghệ sĩ: Ba Kiên, Ba Quốc, Chín Hiếu, Ngọc An… về thuê đất dựng nhà ở chung xóm cho vui, cũng như tiện bề tập tuồng, đi hát. Từ đó, tên gọi Xóm nghệ sĩ hát bội Mỹ Tho ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.
Sau năm 1975, Đoàn Tấn Lộc Thành không còn hát bội nữa, mà chuyển sang hát cải lương tuồng cổ và mang danh là Đoàn Cải lương Tiền Giang 2. Do căn bản của Đoàn Cải lương Tiền Giang 2 là hát bội nên khi chuyển sang hát cải lương tuồng cổ có lợi thế hơn các đoàn cải lương khác ở “điệu bộ”, phong cách diễn, trang phục. Cũng vì thế mà Đoàn Cải lương Tiền Giang 2 lúc bấy giờ rất được ái mộ và là đoàn có doanh thu cao nhất tỉnh. Đoàn Cải lương Tiền Giang 2 khi ấy gồm các nghệ sĩ: Bảo Ân, Kiều Loan, Trúc Phương, Ngọc Hạnh…
Sau khi kể về nguồn gốc của xóm hát bội cho tôi nghe, cô út Lình bồi hồi: “Gia đình tôi đã 5 đời theo nghề nên hầu như những thăng trầm trong nghiệp xướng ca đều đã trải qua. Ngày xưa, đi hát ham lắm, lịch hát dày đặc hà. Ghe chưa tới đình là bà con ra đón rần rần. Vào những tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng mười và tháng mười một nhằm vào các dịp lễ đoàn nhận hợp đồng liên tục.
Những dịp ấy, chỉ sợ hợp đồng trùng lịch diễn hoặc anh em nghệ sĩ “đuối” quá diễn không nổi thôi. Đời sống của nghệ sĩ lúc đó tuy là ăn quán ngủ đình nhưng khá thoải mái, chứ không chật vật như bây giờ. Còn vào những tháng bình thường thì đoàn cũng có “sô” lai rai, bảo đảm nghệ sĩ vẫn có thu nhập ổn định cuộc sống”.
Quả thật, trong ký ức của người Nam bộ, hát bội từng là bộ môn nghệ thuật rất được ưa chuộng và trong các lễ hội cúng đình, kỳ yên, thượng điền, hạ điền… thì không thể thiếu vắng. Cảnh người dân từ già, trẻ, gái, trai chen kín sân đình để chờ xem hát bội không phải là chuyện lạ. Có thể nói, từ thôn quê cho đến thành thị, từ tầng lớp bình dân cho đến trí thức đều ưa thích, háo hức chờ đợi để rồi khóc cười, dâng trào từng cung bậc cảm xúc theo từng vai diễn của tuồng hát.
Biết tôi có ý định tiếp xúc với một vài nghệ sĩ để hiểu thêm về nghệ thuật hát bội cũng như cuộc sống của họ, cô Út Lình đã nhiệt tình hướng dẫn và tôi lại tiếp tục lên xe máy hướng về Pháp Bảo Tự trên đường Lý Thường Kiệt để tìm Nghệ sĩ Minh Vàng và Thanh Hiệp.
Trốn nắng trong bóng râm, bác tài “xe ôm” đang vắt vẻo trên xe của mình là Nghệ sĩ hát bội Thanh Hiệp, từng là tướng quân uy vũ với những đường đao mũi thương ngang dọc trên sân khấu, làm say đắm lòng người. Ông cho biết, nghệ thuật hát bội có mặt ở Việt Nam từ rất lâu đời và là 1 trong 3 loại hình sân khấu thịnh hành của Việt Nam (gồm cải lương, thoại kịch và hát bội), là loại hình nghệ thuật mang tính ước lệ, tượng trưng, chủ yếu lấy những nội dung từ các tuồng tích cổ.
Do đặc thù như vậy, nên đòi hỏi người xem và người diễn phải có những hiểu biết nhất định về văn hóa, lịch sử mới có thể cảm nhận được cái hay, sự tinh túy của hát bội và học hát bội khó hơn học cải lương nhiều, vì riêng về “bộ tịch”cũng đã có hàng trăm bộ khác nhau, từ bộ tay đến bộ chân hay bộ của một quan võ khác với bộ của một quan văn. Khi diễn các bộ ấy, người nghệ sĩ phải lấy hơi từ bụng lên mà hát, tất cả đều phải toát ra được cái hồn của nhân vật, từ ánh mắt đến lời hát, phong thái đến điệu bộ mới gọi là đạt…
TRĂN TRỞ VỚI NGHỀ
“Trồng trầu trồng lộn với tiêu
Con theo hát bội mẹ liều con hư”.
Mở đầu cuộc trò chuyện bằng câu ca dao, Nghệ sĩ Bảo Ân như muốn nói với tôi về những khó khăn, gian khổ của nghề hát. Nghệ sĩ Bảo Ân đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông cho rằng, giới trẻ bây giờ rất hiếm người còn biết và nhớ đến hát bội.
Bên tách trà, người nghệ sĩ già say sưa kể về nghiệp cầm ca của mình với bao tháng ngày trên chiếc ghe bầu lênh đênh, len lỏi khắp các “hang cùng ngõ hẻm” của sông nước miền Tây với bao buồn vui, trăn trở của cuộc đời hơn 40 năm trên sân khấu hát bội. Nghiệp cầm ca đến với ông từ rất sớm. Ông đùa: “Tôi lên sân khấu từ hồi còn trong bụng mẹ”. Quả vậy, biết làm sao nói hết những ràng buộc của nghề hát khi mà gia đình là cái nôi đào tạo nghệ sĩ theo nghiệp. Cha là kép, mẹ là đào và những người con dĩ nhiên được sinh ra, trưởng thành trong đoàn hát gắn liền với tuồng tích, với câu hò câu hát. Nghiệp hát từ đó cũng thấm dần vào máu, khó lòng mà dứt ra được.
Hiện nay, Xóm hát bội Mỹ Tho có 2 đoàn: Đoàn Bảo Ân với 17 thành viên gồm các nghệ sĩ: Trúc Phương, Bảo Ân, Kiều Loan, Huyền Nga, Hữu Tín, Thái Hòa…; Đoàn Hiệp Lợi có 30 nghệ sĩ: Tấn Sĩ, Ngân Thanh, Thái Hùng, Kiều Mộng Sinh, Kim Phía, Xuân Yến, Thanh Loan…
Xã hội phát triển, hàng loạt các loại hình giải trí mới ra đời khiến một số loại hình nghệ thuật cổ truyền dân tộc đang đứng trước những nguy cơ bị lãng quên, trong đó có hát bội. Nghệ sĩ Bảo Ân tâm sự: “Cái khó của hát bội thì rất nhiều, nhưng chủ yếu nằm ở 3 vấn đề: Không có sân khấu để diễn, không có lực lượng kế thừa và quan trọng là khán giả ít còn tha thiết”.
Trao đổi với nghệ sĩ Bảo Ân, bầu đoàn Bảo Ân và cô út Lình, bầu đoàn Hiệp Lợi mới thấy được những khó khăn của 2 đoàn hát này trong việc tồn tại ở thời buổi hiện nay. Vào những tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng mười và tháng mười một nhằm vào các dịp lễ thì đoàn nhận hợp đồng mới được kha khá; những tháng còn lại thì hầu như chỉ được 1 - 2 hợp đồng, bình quân trong năm được khoảng 4 - 5 suất diễn/tháng.
Theo hợp đồng diễn gần hay diễn xa thì tiền thù lao dao động từ 10 - 15 triệu đồng/suất diễn. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi suất diễn của anh em nghệ sĩ từ 3 - 4 giờ lao động nghệ thuật chỉ được khoảng 200.000 - 400.000 đồng. Với mức thu nhập khiêm tốn và không ổn định, cuộc sống của người nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần anh em nghệ sĩ đều phải làm thêm “nghề tay trái” để bám trụ với nghiệp Tổ.
Hiện những nghệ sĩ Xóm hát bội Mỹ Tho ai cũng đã hơn nửa đời người gắn bó với nghề và chưa có lực lượng kế thừa, đành ngậm ngùi với bộ môn nghệ thuật mà mình đeo mang. Trong họ luôn thầm mong sẽ có một ai đó có tài, có tâm, có khả năng vực dậy loại hình nghệ thuật này để những tâm huyết của tiền nhân không bị mất đi.
TRẦN THƯƠNG NHIỀU