Đậu Viết Hương có sức làm việc, sáng tạo mạnh mẽ, cần mẫn. Hơn 20 năm qua, Đậu Viết Hương đã đoạt hàng trăm giải thưởng báo chí, văn học gồm các thể loại: Phóng sự, điều tra, ký báo chí, ký văn học, truyện ngắn và thơ.
Đậu Viết Hương quê ở tỉnh Nghệ An, nhưng sống gắn bó với vùng đất sông Tiền dã hơn 30 năm. Ông là người vui vẻ, tính cách chan hòa với mọi người, sống lăn lộn với đời sống, gần gũi với người dân đã giúp ông tìm hiểu, khai thác, tích lũy được nhiều tư liệu quí về con người và sự việc giữa đời thường.
Đậu Viết Hương chưa từng học một lớp viết báo, viết văn chính quy nào. Niềm say mê sáng tác đã thôi thúc ông dấn thân và miệt mài với lĩnh vực văn chương, báo chí.
Tự học, tự tích lũy kiến thức về công việc viết báo, viết văn, Đậu Viết Hương không ngừng khai phá mở rộng những vùng đất mới trên cánh đồng báo chí, văn học của mình.
Tháng 4 năm 2016, Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn đã xuất bản tập truyện và ký mang tên Một chữ của Đậu Viết Hương, tập hợp 12 truyện ngắn và 11 ký được ông sáng tác trong khoảng thời gian hơn 20 năm.
Xuyên suốt trong các truyện ngắn, Đậu Viết Hương đã khắc họa sự dũng cảm, hy sinh thầm lặng của con người trong chiến tranh; tính cách, tâm hồn phóng khoáng, chân chất và giàu nhân nghĩa của con người vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng vẻ đẹp mênh mang, hiền hòa của sông nước, thiên nhiên vùng đất Nam bộ.
Truyện ngắn của Đậu Viết Hương thường khắc họa vẻ đẹp tính cách, tâm hồn của con người trong những hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh và trong những tình huống, ranh giới quyết định sự sinh tử của con người.
Trong truyện ngắn Một chữ, tác giả đã khắc họa sâu đậm nhân cách và sự hy sinh thầm lặng của người đàn ông tên Sáu ở một trạm giao liên giữa thời chiến tranh. Mặc dù không dạy nhân vật Tý một chữ nào mà chỉ dạy về cách ứng xử, nhân nghĩa nhưng nhân vật Sáu vẫn được Tý gọi: "Thầy ơi!". Khi chứng kiến sự hy sinh dũng cảm của ông Sáu, Tý đã tự tỉnh thức và nhận ra người dạy mình cách làm người, xứng đáng được gọi là thầy.
Tính cách, tâm lý nhân vật trong truyện ngắn của Đậu Viết Hương không được mô tả theo diễn biến chiều sâu nội tâm, mà thường được bộc lộ qua lời nói và hành động. Điển hình như bà Hợi trong truyện ngắn Bên dòng Bảo Định khắc họa hình tượng một Mẹ Việt Nam anh hùng trong những tháng năm ác liệt của chiến tranh và những ngày đầu hòa bình. Thời chiến tranh, bà Hợi giả điên để hoạt động cách mạng và thời hòa bình lại lặn lội khắp nơi để "làm chứng" lo chế độ chính sách liệt sĩ cho một nhân vật đã hy sinh trong cuộc chiến tranh.
Hay như The trong truyện ngắn Cô gái bán bánh mì phải vất vả mưu sinh kiếm sống, nhưng khi chứng kiến cảnh những người đắp đê chống lũ trông mệt mỏi, đói khát, The đã dành tặng toàn bộ bánh mì của mình để mọi người lót dạ.
Trong truyện ngắn Thằng Gàn, Đậu Viết Hương đã mô tả tính cách gàn bướng của một nhân vật họ Đỗ. Dưới cái nhìn của nhân vật Tôi, người em cùng họ Đỗ hiện ra mang vẻ gàn bướng như: Không thi đại học mà tình nguyện vào bộ đội; đi đầu trong phong trào xóa vườn tạp; tự nguyện hiến đất..., đã chết trong một lần cùng người dân cứu đê bao bị vỡ. Cái chết thầm lặng và dũng cảm của nhân vật họ Đỗ đã khiến cái nhìn của nhân vật Tôi thay đổi khi tự nhận ra định kiến của bản thân về tính cách của con người.
Còn Bảy Hường trong truyện ngắn Vành tai sứt đã dùng "khổ nhục kế" bằng cách chiêu hồi để tìm ra kẻ giấu mặt cài vào hàng ngũ để phá hoại cơ sở hoạt động cách mạng. Tác giả khắc họa thành công sự mưu trí, dũng cảm của Bảy Hường đã góp công lớn cùng đồng đội đánh bại âm mưu của kẻ thù.
Hầu hết tính cách và nội tâm của các nhân vật trong truyện ngắn của Đậu Viết Hương ít được mô tả sâu đậm với những chiều kích, góc khuất tiềm ẩn mà thường được tác giả kể qua giọng văn mang tính trần thuật theo diễn biến của từng câu chuyện. Chính vì thế, hình tượng nhân vật trong truyện ngắn của ông thường chưa thăng hoa về nghệ thuật, chưa tạo được những cảm xúc thẩm mỹ sâu sắc đối với người đọc.
Theo tôi, khi sáng tác, Đậu Viết Hương là người tuân thủ nghiêm ngặt hiện thực của đời sống, ông coi trọng tính chân thật của chân lý đời sống, nhưng chưa chú ý nhiều đến giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Điều này cho thấy, không riêng Đậu Viết Hương mà một số nhà văn đương đại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thường viết văn chủ yếu dựa vào thiên bẩm. Họ chưa thật sự tìm hiểu sâu về nghệ thuật truyện ngắn, từ đó dám thử nghiệm, sáng tạo nên những tác phẩm vừa độc đáo vừa mang hơi thở, nhịp điệu và tính cách của con người thời đại mới.
Đậu Viết Hương thường mô tả không gian nghệ thuật trong truyện ngắn bằng cách chọn những địa danh có thật ngoài đời đưa vào tác phẩm. Có một vài truyện ngắn ông còn đưa vào tác phẩm một sự kiện, một vụ việc gắn liền với lịch sử. Chính vì cách khắc họa không gian và sự vật, sự việc gắn liền với hiện thực xã hội một cách nghiêm ngặt đã khiến người đọc có ấn tượng một số truyện ngắn của Đậu Viết Hương giống như truyện ký. Nghĩa là người đọc nhận ra tác phẩm của ông có sự pha trộn giữa yếu tố hư cấu và sự thật liên quan đến nhân vật, sự kiện.
Hầu hết tác phẩm ký của tác giả đều là ký báo chí khắc họa về các nhân vật và các sự việc, sự kiện. Người đọc nhận ra một số nhân vật được ông khắc họa trong một số bài ký như: Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Bé, Dũng sĩ diệt Mỹ - trung tá Nguyễn Thị Ánh Thu, Doanh nhân, nhà thơ Trần Đỗ Liêm, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trương Ngọc Tường, bà Sáu nông dân Nguyễn Thị Dương...
Ranh giới giữa ký báo chí và ký văn học khá mong manh. Sự khác biệt chủ yếu không phải ở đối tượng, nội dung mà là ở nghệ thuật thể hiện, mô tả. Một số bài ký của Đậu Viết Hương đã vượt qua được ranh giới mong manh này, thoát khỏi thể ký báo chí, trở thành tác phẩm ký văn học, tạo được hình tượng, gây xúc cảm thẩm mỹ đối với người đọc.
Có thể kể đến các tác phẩm ký như: Huyền thoại trên sông Tiền, Sóng gió Cồn Lân, "Ba Tam Thu", Bà Sáu nông dân... Đậu Viết Hương đã miêu tả tính cách và vẻ đẹp nội tâm của nhân vật bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, sinh động. Thông qua hành động và sự thăng trầm trong cuộc đời của các nhân vật, ông đã giúp người đọc nhận ra những tấm gương về nhân cách và vẻ đẹp của những con người trong thời đại mới.
Qua các tác phẩm, Đậu Viết Hương đã gián tiếp bộc lộ quan điểm sáng tạo của mình, đó là văn chương chỉ thực sự có giá trị khi nhà văn mô tả, khắc họa chân thật hiện thực cuộc sống và nội tâm, tính cách của con người thời đại.
(Theo Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang)