Thứ Hai, 30/05/2016, 15:47 (GMT+7)
.

Soạn giả Huỳnh Anh: Khai thông phong trào viết lời mới cho bài vọng cổ

Năm 1919, khi bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời đã gây tiếng vang trong giới mộ điệu và được đưa lên sân khấu. Sau đó được sử dụng rộng rãi, dần thay thế vị trí độc tôn của bài Tứ đại oán trên sân khấu cải lương. Từ bài Dạ cổ hoài lang mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sĩ đã chuyển lên 4 nhịp, 8 nhịp, 16 nhịp và lên 32 nhịp.

Qua các vở cải lương của Tiền Giang tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp: Trăng soi dòng Bảo Định, Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy, Nỗi đau sợi tơ đồng, Huyền sử Rạch Gầm..., chính bài vọng cổ là một trong những yếu tố “chấp cánh” cho các nghệ sĩ Đào Vũ Thanh, Nhơn Hậu, Kiều Quốc Tâm... đạt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú…

* PV: Theo ông, người viết lời mới cho bài vọng cổ cần có những kỹ năng gì?

* Soạn giả Huỳnh Anh: Muốn viết được lời mới cho bài vọng cổ thì tác giả phải nắm chắc “lòng bản” của từng bài bản, phải biết hát để nắm được giai điệu (nhiều tác giả không biết ca, cứ nhìn bài mà “phỏng” theo thanh thì sẽ bị “trắc”, diễn viên sẽ không hát được) và cũng cần phải nắm tính chất tình cảm trong nội dung từng bài để viết lời cho phù hợp.

Ngoài ra, do bài vọng cổ là bài bản có sẵn khuôn mẫu, nhịp nhàng như thơ đường luật nên tác giả phải chú ý để tránh tình trạng “rập khuôn”, cũ kỹ, sáo rỗng. Một điều quan trọng khác là tính văn học trong ca từ, tác giả phải khắc họa nội dung bằng hình tượng văn học mới có thể đi sâu vào lòng người, tránh cách viết theo văn chính luận, báo chí sẽ gây rất khó nghe và nhàm chán.

* PV: Phong trào viết lời mới cho bài vọng cổ ở Tiền Giang hiện nay?

* Soạn giả Huỳnh Anh: Phong trào viết lời mới cho bài vọng cổ đã có từ lâu, đặc biệt là sau khi triển khai thực hiện Đề án phát triển văn học - nghệ thuật tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2024 thì “dòng chảy” của phong trào đã có sự  “khai thông”. Hiện có hơn 30 cây bút thuộc nhiều lứa tuổi, chuyên và không chuyên tham gia phong trào. Thế nhưng, nhìn chung, những tác giả viết bài vọng cổ thành công còn khá khiêm tốn, chỉ hơn 10 người như: Soạn giả Châu Thanh, Thanh Hải, Ngọc Lệ, Đoàn Phú Vinh, Đặng Non Sông, Nhật Linh, Ngọc Sánh, Hoàng Đức, Nguyễn Thế Châu…    

* PV: Các tác giả viết lời mới cho bài vọng cổ thường bám theo chủ đề gì, thưa ông?

* Soạn giả Huỳnh Anh: Đề tài được các tác giả Tiền Giang thể hiện qua các bài vọng cổ rất phong phú. Bên cạnh những đề tài quen thuộc như ca ngợi lãnh tụ, truyền thống cách mạng hào hùng của quân và dân Tiền Giang trong 2 cuộc kháng chiến và trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, các tác giả còn tập trung khai thác nhiều vấn đề thời sự mang đậm hơi thở cuộc sống như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; biển, đảo quê hương; xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới…

Việc sáng tác lời mới cho bài vọng cổ đã làm phong phú thêm nguồn kho tàng âm nhạc dân tộc, đi sâu phục vụ đời sống tinh thần người dân. Các sáng tác mới mang hơi thở của thời đại nên dễ đi vào lòng người.

* PV: Các ngành chức năng đã có những hoạt động gì để hỗ trợ cho phong trào này?

* Soạn giả Huỳnh Anh: Các ngành chức năng đã thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn ca vọng cổ, mở lớp đào tạo viết lời vọng cổ, tổ chức đi thực tế - giao lưu sáng tác, tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, tập huấn chuyên đề, qua đó giúp nâng cao tay nghề cho các tác giả. Mặt khác, xuất bản nhiều tập tư liệu bản đờn, lời ca và tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác lời mới nhằm khích lệ các cây viết, thúc đẩy phong trào cũng như tạo nguồn cho sân khấu cải lương sử dụng.

Từ những cố gắng đó và qua 3 đợt thi sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã xuất hiện nhiều bài ca cổ hay, được phổ biến sử dụng rộng rãi trong các phong trào văn nghệ, hội diễn và đời sống người mộ điệu như: Vẹn tình đồng chí (Huỳnh Hữu Phước), Ngày Bác vào thăm (Thanh Hải), Hạnh phúc từ niềm tin (Ngọc Lệ), Trang giáo án ơn Người (Đoàn Phú Vinh)…

* PV: Xin cảm ơn ông!

TRẦN THƯƠNG NHIỀU

(thực hiện)

.
.
.