Tác giả Yên Bình: Người "góp lửa" cho phong trào đờn ca tài tử
Trước mặt chúng tôi là một tài tử 82 tuổi, trang phục chỉn chu không một nếp gấp, phong thái đĩnh đạc đủ nói lên sự kỹ lưỡng, nghiêm túc và tôn trọng mọi người của tác giả Yên Bình (tên khai sinh là Đỗ Văn Láng, với cái tên gần gũi là Sáu Láng ở thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây).
Tài tử Sáu Láng (Tác giả Yên Bình) sử dụng thành thạo đờn kìm và guitar cổ. |
Ông vốn là một thợ xây khéo tay nhưng cũng là người rất mê nhạc tài tử, cải lương từ lúc chưa cắp sách đến trường. Ở tuổi đôi mươi, ông đã có nhiều sáng tác tự biên dành riêng cho nhóm tài tử của mình ca giao lưu để “không đụng hàng”.
Nhọc nhằn với cuộc mưu sinh, nhưng máu tài tử vẫn nóng bỏng không ngừng chảy trong ông. Hàng trăm bài hát dành cho đờn ca tài tử (ĐCTT), hàng chục vở cải lương ngắn, dài đã được ông sáng tác, góp thêm cho phong trào văn nghệ ở những nơi ông đã đi qua.
Tác giả Yên Bình kể rằng, từ lúc 8 tuổi ông cùng người chị là khán giả có mặt thường xuyên ở rạp hát Gò Công mỗi khi có gánh hát về. Ông mê nhất là những pha đánh kiếm, những màn biểu diễn có vũ đạo và nhất là những tuồng kiếm hiệp đào, kép được kéo dây, bay lên không.
Ông từng cùng đám bạn trẻ con “lập gánh hát” tại xóm mình, tập tuồng rồi lấy mền, chiếu làm sân khấu, phông màn, làm áo bào, lấy chổi lông gà làm ngựa… Có lần mới mở màn thì giải tán bởi má anh “kép chánh” cầm chổi chà chạy lên sân khấu khi anh vừa ra diễn. Lần thứ hai, “gánh hát” của ông diễn được 1 đêm rồi giải tán vì đêm sau không có khán giả.
Cha mất sớm, ông phải vất vả cùng mẹ mưu sinh. Năm 22 tuổi, ông tham gia nhóm văn nghệ của thanh niên Gò Công và được ông bầu đoàn hát Nam Hồng mời theo đoàn. Sáu Láng nhanh chóng được nhận vai diễn và theo đoàn lang bạt một thời gian.
Ông chia sẻ: “Theo đoàn Nam Hồng diễn một thời gian, tôi “vỡ mộng” muốn trở thành kép cải lương và chia tay đoàn vì thấy không phát triển, phía sau sân khấu bày ra những mặt trái của những “ông hoàng, bà chúa” uy nghi áo mão. Tôi quay về với nghề xây dựng mà bên vợ đã truyền cho. Vất vả mưu sinh nhưng máu tài tử vẫn bừng bừng trong huyết quản. Những lúc thuận tiện tôi vẫn tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ hay tụ điểm ĐCTT”.
Sáng tác đầu tay của tác giả Yên Bình là bài “Lê Lai cứu chúa” theo điệu Xuân tình lúc ông ngoài 20 tuổi. Sau đó, ông mượn cuốn “Việt Nam sử lược” dựa vào dòng lịch sử viết 6 bài Bắc, 3 bài Nam và 3 bài vọng cổ từ thời Hai Bà Trưng đến thời Tây Sơn Nguyễn Huệ gọi tên chung là “Trường ca liên bản”.
Lúc ở quận 8 (TP. Hồ Chí Minh), ông từng có kịch bản tham gia phong trào văn nghệ của quận đoạt giải Nhất, với vở “Ánh sáng cuộc đời”; sau đó là vở “Trên dòng kênh mới” được dàn dựng công phu, dự kiến thu hình nhưng gặp lúc không thuận lợi đành gác lại.
Thời làm xây dựng, ông tham gia nhiều công trình lớn như: Hãng xăng Nhà Bè, đường Đoàn Thị Điểm, khách sạn Palace (Sài Gòn), Bệnh viện Trung ương Huế… Ông có nhiều tài lại thông minh, nên làm việc gì là tạo dấu ấn khó phai trong lĩnh vực đó.
Từ năm 1980 - 2000, ông khép lại niềm đam mê đờn ca, trở về Gò Công lao vào việc phát triển kinh tế gia đình. Một lần tác giả Yên Ba đến đặt cột làm nhà, nghe ông ngâm 4 câu thơ, Yên Ba khen hay nên ông thấy phấn khởi.
Sau đó, ông xem Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang phát chương trình “Tiếng hát Người cao tuổi”, bắt gặp tác phẩm của mình được một số tài tử hát thi. Hoài bão và máu nghề nổi lên, thôi thúc ông tìm lại bạn bè và tìm kiếm những ngón đờn tốt, giọng ca hay. Sáu Láng mời mọi người về nhà để ông hướng dẫn thêm kỹ thuật đờn, ca và thành lập nhóm ĐCTT ở thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, nhờ tập dợt, rèn luyện nhiều nên CLB này đờn ca khá giỏi.
Năm 2001, chương trình ĐCTT của huyện Gò Công Tây đoạt giải Nhì và nhiều tiết mục đoạt giải cao trong Liên hoan ĐCTT tỉnh Tiền Giang là nhờ Tài tử Sáu Láng, với nghệ danh Yên Bình “tái xuất”. Ông sáng tác bài hát rồi tài trợ cho anh, chị, em tập dợt tại nhà mình.
Sau sự trở lại, lập thành tích ngoạn mục của tác giả Yên Bình, nhóm ĐCTT Gò Công Tây hoạt động giao lưu thường xuyên tại nhà ông và nhiều tỉnh, thành lân cận. Ông chia sẻ: “Tôi có lời nguyền là chơi nhạc tài tử đúng phong thái của một tài tử “chính hiệu”, có dịp đem lời ca tiếng hát làm vui cho đời, không nhận đồng nào của bất kỳ ai.
Những chương trình dự thi hay giao lưu, được kinh phí tài trợ của địa phương, tôi chia hết cho anh em và còn lấy tiền túi hỗ trợ tiền xăng, tiền ăn uống và tặng điện thoại loại “bình dân” cho những người chưa có điện thoại để tiện liên lạc”.
Tác giả Yên Bình tổ chức rất nhiều cuộc giao lưu ĐCTT trong và ngoài tỉnh nhờ có mối quan hệ khá rộng với các bậc thầy ĐCTT như: Dũy Chỗ, Tấn Nhì, Thành Điển, Võ Thị Thắng… Từ sự cầu thị, học hỏi không ngừng, tác giả Yên Bình có vốn kiến thức khá rộng về ĐCTT. Ông có rất nhiều bài bản được thu âm, thu hình lưu trữ trên trang Youtube. Theo ông, đó là một cách lưu giữ và truyền bá dòng âm nhạc truyền thống của dân tộc ở thời kỳ hội nhập.
Vừa rồi, ông đã tài trợ “trọn gói” cho giải “Nhạc hội ĐCTT Gò Công Tây năm 2016” và trực tiếp theo dõi hội thi để chọn lựa những giọng ca, tay đờn triển vọng bồi dưỡng thêm nghề để củng cố, bổ sung nhân lực cho Câu lạc bộ ĐCTT của huyện.
Ngoài 80 tuổi, tác giả Yên Bình vẫn trăn trở với những sáng tác mới, ước muốn tìm kiếm được nhiều tài năng trẻ có năng khiếu ca hoặc đờn để hướng dẫn, tài trợ cho các cháu đam mê học nhạc tài tử. Tác phẩm hiện bị thất lạc rất nhiều, nên ông đang nhờ bạn bè sưu tầm để in ấn thành tập . Nội dung bài hát do ông sáng tác rất phong phú: Ca ngợi lịch sử nước nhà, truyền thống yêu nước, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm lứa đôi…
NGỌC LỆ