Huyện Cai lậy: Quan tâm công tác gia đình
15 năm qua, phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa” ở huyện Cai Lậy đã được triển khai sâu rộng, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân.
Với việc duy trì mô hình gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống đã nhân lên nhiều điển hình “gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, tích cực đóng góp cho xã hội và duy trì các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
4 thế hệ trong gia đình ông Huỳnh Văn Hai và bà Phạm Huệ Thu (ấp 2, xã Long Trung, huyện Cai Lậy). |
Nhiều năm liền gia đình ông Nguyễn Thanh Sử và bà Nguyễn Thị Cẩm Xuân (ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp) được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu. Để giữ vững hạnh phúc, ông bà luôn dành cho nhau sự cảm thông, chia sẻ. Gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống, bà Xuân vừa hoàn thành vai trò người vợ, người mẹ, kính trọng và chăm sóc chu đáo cha mẹ chồng, vừa là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác.
Với ông Sử, có hơn 30 năm gắn bó với Trường Tiểu học Ngũ Hiệp 2, ông luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Quỹ thời gian được ông sắp xếp khoa học để cùng vợ chăm sóc vườn cây và quan tâm chăm sóc, giáo dục các con. Khởi nghiệp với 5 công vườn được cha mẹ cho ra riêng trong ngày cưới, ông bà cần mẫn lao động, tích góp để mở rộng diện tích lên 13 công.
Nhờ sự nỗ lực trong lao động gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm vườn cây của gia đình cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. 3 người con của ông bà đều học hành thành đạt. Người con đầu hiện công tác tại Bệnh viện Hoàn Mỹ TP. Hồ Chí Minh, người con thứ hai sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế đang tiếp tục chương trình cao học, con gái út công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang.
Ông Sử bộc bạch: “Vợ chồng tôi quan tâm chăm sóc, giáo dục các con về đạo đức và ý thức học tập ngay từ nhỏ. Bây giờ dù đã trưởng thành, công tác xa nhà nhưng những dịp gia đình sum họp, tôi vẫn luôn nhắc nhở các con không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức và trau dồi đạo đức. Đối với việc dạy dỗ các con, không bài học nào bằng việc cha mẹ phải là tấm gương sáng”.
Sự yêu thương, quý trọng giữa các thành viên là điều 4 thế hệ trong gia đình ông Huỳnh Văn Hai và bà Phạm Huệ Thu - một gia đình văn hóa ở ấp 2, xã Long Trung luôn vun đắp, giữ gìn. Ông bà luôn giáo dục các con kính trọng ông bà, cha mẹ và yêu thương nhau. 3 người con của ông bà hiện có việc làm ổn định, tham gia công tác tại UBND xã Long Trung và Trung tâm Phát triển quỹ đất TX. Cai Lậy.
Bận rộn việc cơ quan nhưng mọi người đều tự giác chia sẻ công việc nhà, quan tâm nhau, gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười nói và tình yêu thương. Ông Hai cho biết:
“Muốn gia đình hòa thuận, bậc cha mẹ phải phân định phải - trái thật công bằng. Để duy trì hòa khí và nền nếp gia đình, các thành viên phải trên kính dưới nhường, quan tâm, tôn trọng nhau, sống đoàn kết và cư xử đúng mực. Ba mẹ tôi là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo”.
Đã bước sang tuổi 76 nhưng cha ông - cụ Huỳnh Văn Bi hàng ngày vẫn chăm sóc vườn tược, nhắc nhở con cháu cần kiệm, mở lòng mình và vun đắp tình cảm với lối xóm, bà con. Theo lời cụ dạy, các thành viên trong gia đình đều trân trọng thành quả lao động, có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy.
15 năm qua, phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa” ở huyện Cai Lậy được các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền rộng khắp với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Mô hình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” vẫn được nhiều gia đình duy trì để lưu giữ nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam, hướng đến việc gắn kết và vun đắp tình yêu thương giữa các thành viên, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất để ổn định cuộc sống.
Việc tuyên dương, khen thưởng gia đình văn hóa hàng năm đã kịp thời nhân rộng những tổ ấm hạnh phúc, tấm gương “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”… Năm 2015, huyện Cai Lậy đã bình chọn trên 46.800 gia đình văn hóa, đạt 96,62% tổng số hộ đăng ký. Từ nền tảng gia đình hạnh phúc, ngày càng có thêm những khu dân cư ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, hạn chế và đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh.
TRƯỜNG GIANG