Thứ Tư, 06/07/2016, 11:29 (GMT+7)
.

Thơ Võ Tấn Cường: Cảm xúc dạt dào về đấng sinh thành

Tháng 9-2015, qua đường bưu điện, tôi nhận được 2 tập thơ Cánh thời gian và Gọi xanh do tác giả Võ Tấn Cường ký tặng. Lúc bấy giờ, ấn tượng của tôi về anh là những lời giới thiệu: “Võ Tấn Cường sinh năm 1964 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Anh là một gương mặt hiếm hoi của văn nghệ Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nỗ lực tìm kiếm cho thơ; là nhân tố mới phát hiện từ Cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền Phong năm 1990, được 2 nhà thơ Tế Hanh và Trinh Đường “điểm son” trên Báo Văn nghệ…”.

Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay, xin giới thiệu những dòng thơ viết về đấng sinh thành của một nhà thơ “luôn ý thức tạo dấu ấn phong cách riêng bằng nét độc đáo của tứ, độ cô đặc của từ và sự hàm súc của nghĩa” (Nguyễn Hữu Hồng Minh giới thiệu). Ai đã mồ côi cha mẹ, chỉ còn lại một khoảng trống mênh mông khiến lòng rưng rưng mỗi khi hoài niệm “biết giật mình trước mùa đông giá lạnh” sẽ nhận ra một nụ hoa đồng cảm khẽ khàng nở khi đọc Cánh thời gian và Gọi xanh của Võ Tấn Cường.

Mẹ Teresa bảo: “Con người ngày nay dường như ai cũng quá vội vã, đến nỗi con cái có quá ít thời gian với cha mẹ mình…”. Cứ hình dung bao tháng ngày mẹ chờ con chào đời, chờ con bập bẹ gọi tiếng mẹ đầu tiên, chờ con khôn lớn từng ngày, chờ con trưởng thành tung cánh bay xa theo đuổi ước mơ tuổi trẻ rồi lại mòn mỏi chờ con trở về bên cạnh, vùi đầu âu yếm vào lòng mẹ như ngày nào… để thấy thương hơn hình ảnh mẹ trong bài “Ngôi nhà của mẹ”:

“Mẹ bốn mùa khóa chặt chờ mong
Mọt nghiến râm ran giọt thời gian                        giãy chết
Nỗi nhớ con phía chân trời chớp giật
Mầm ước mơ ủ chặt cõi lòng”.
Có khi, nỗi niềm đó bật thành câu hỏi chưa có lời đáp:
“Linh thiêng di trú về xứ Phật
Cô độc tuổi già cư trú nơi đâu?”.
“Miếu hoang”
Và đây là hình ảnh người cha héo hon, hờn tủi:

“Cha chơi trận cờ tàn/ Đóng hai phe chiến bại/ Tướng sĩ thiếu đường chạy/ Xe pháo liều chống càn
Tàn trận tướng sĩ lật/ Nằm lăn lóc góc nhà/ Con tốt trong tay cha/ Hóa người hùng cô độc”.

“Cha chơi cờ”

Quả thật, đối với người lớn tuổi, hạnh phúc chính là được trò chuyện, được chia sẻ và được thấy mình còn có ích cho con cháu, từ việc nhỏ như chơi đùa để chăm sóc trẻ thơ:

“Cha tôi hóa trẻ thơ trước khi con                          gái tôi bập bẹ
Người bớt ngồi trầm tư bên điếu cày                        ám khói
Cái lưng còng bận đóng trò đỡ mỏi
Người học tiếng bi bô, học vẽ,
            học xếp hình
Mắt người tươi rói ánh bình minh”.  
“Cha tôi”

Chúng ta hãy nâng niu từng khoảnh khắc, trân trọng từng phút giây, cẩn trọng trong từng cư xử nhỏ nhặt hàng ngày khi may mắn còn có mẹ, khi chưa phải trải qua nỗi niềm của một người con trước sự mất mát không gì bù đắp: “Ngày mai không còn mẹ/ Mồ côi căn nhà trống vắng/ Mồ côi chiếc bóng/ Con tìm đâu hơi ấm chỗ mẹ nằm?”.

“Mai con đưa mẹ ra đồng”
Và xin mượn lời thơ giàu sức lay động của anh để nói lên tiếng lòng hoài vọng, nói lên một tình cảm thiêng liêng:

“Con còn mắc nợ lời ru
Cha đi bỏ lại sắc thu lỡ làng
Cha ơi! Thương nhớ muộn màng
Con về ru nhớ mênh mang bóng người”.
“Ru cha” 

Võ Tấn Cường từng viết: “Số phận của bài thơ cũng thường gắn liền với số phận của người đọc. Những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, tùy theo sự thay đổi của tâm trạng, kinh nghiệm sống và sự trải nghiệm, bạn đọc có thể thích bài thơ này hay không thích bài thơ khác.

Nhiều bài thơ có thể thời tuổi trẻ một người nào đó rất thích, nhưng tới một độ tuổi nào đó lại không còn yêu thích nữa. Họ rời bỏ những bài thơ này để hướng tâm hồn đến những bài thơ khác phù hợp với tâm trạng và sự trải nghiệm của họ hơn. Khi ấy bài thơ đã làm xong “sứ mệnh” của nó trong đời sống tâm hồn của mỗi người, đành nép mình trên trang giấy, trên màn hình chờ đợi “mắt xanh” của một bạn đọc tri âm vô danh nào đó… Khi bài thơ sinh sôi trong thế giới tâm linh của người đọc, bài thơ sẽ trở thành một sinh linh, một số phận cần thiết cho con người và cuộc đời”.

Riêng tôi, rất cảm ơn anh, sách và thơ đã giúp tôi tìm được sự an ủi trong cuộc sống!
Tháng 6-2016                                                                 

NGUYỄN THỊ MƠ

.
.
.