Thứ Tư, 24/08/2016, 12:34 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy đồng thuận để nâng chất các danh hiệu văn hóa

Đến nay, huyện Cai Lậy đã ra mắt 120/126 ấp văn hóa, 4 xã văn hóa nông thôn mới và 1 xã văn hóa. Để giữ vững danh hiệu văn hóa, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các xã phát động người dân nâng chất các tiêu chí qua việc đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, vun đắp tình làng nghĩa xóm, đóng góp kinh phí, ngày công lao động và hiến đất để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nông thôn.

Việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm được thực hiện công khai, dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Năm 2015, huyện đã bình chọn trên 46.800 gia đình văn hóa, đạt 96,62% tổng số hộ đăng ký. Nhiều gia đình thật sự là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào, cuộc vận động.

15 năm qua, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các gia đình đã tự nguyện hiến trên 300.000 m2  đất, gần 50 tỷ đồng và hơn 60.000 ngày công lao động để xây dựng, nâng cấp 520 công trình giao thông, thủy lợi và 50 điểm trường…

Nhiều công trình giao thông nông thôn ở huyện Cai Lậy được nâng cấp từ việc huy động sức dân.
Nhiều công trình giao thông nông thôn ở huyện Cai Lậy được nâng cấp từ việc huy động sức dân.

Là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền ở ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên, ông Huỳnh Văn Ân và bà Phan Thị Thảo luôn tâm niệm phải biết trân trọng mái ấm gia đình. Điều làm ông bà hài lòng nhất hiện nay là các con dù có cơ ngơi riêng nhưng vẫn hỏi ý kiến cha mẹ về kinh nghiệm sống, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Khi cuộc sống tương đối ổn định, ông Ân - bà Thảo động viên các con san sẻ khó khăn với cộng đồng qua việc hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương và xây dựng giao thông nông thôn.

Ông Ân cho biết: “Muốn gia đình hòa thuận, bậc làm cha làm mẹ phải phân định phải trái thật công bằng. Để duy trì hòa khí và nền nếp gia đình, các thành viên phải trên kính dưới nhường, quan tâm, tôn trọng nhau, đoàn kết và cư xử đúng mực với lối xóm, bà con”.

Sự đồng thuận nhằm nâng chất các danh hiệu văn hóa còn thể hiện cụ thể qua mô hình “Tuyến đường văn hóa”. Sau thời gian phát động, mô hình đã được nhân rộng, với 15 tuyến đường tại các khu dân cư.

Trên các tuyến đường văn hóa, cảnh quan môi trường đã có chuyển biến tích cực, các hộ đề cao ý thức trong việc chỉnh trang nhà ở, sân vườn để làm đẹp không gian sống; trồng cây xanh, hoa kiểng cặp các tuyến đường và đóng góp kinh phí thực hiện mô hình cột cờ kết hợp đèn chiếu sáng để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khi lưu thông vào ban đêm. Những thói quen nhỏ được thay đổi đã phản ánh phần nào nhận thức của người dân, đời sống văn hóa ở khu dân cư có bước chuyển tích cực.

Ông Trần Văn Giới, ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp cho biết: “Ai cũng muốn sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Thế nên, khi xã phát động xây dựng “Tuyến đường văn hóa” ấp Hòa Thinh, tôi và bà con trong khu vực đều đồng tình hưởng ứng. Qua thời gian ra mắt, tuyến đường càng sạch đẹp, cảnh quan được cải thiện rõ rệt”.

Thành công từ việc nâng chất các danh hiệu văn hóa thời gian qua ở huyện Cai Lậy chính nhờ sự đồng thuận của người dân. Minh chứng ở xã nào huy động được sức dân thì phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển, chất lượng được nâng lên rõ rệt.

Kết quả này sẽ được Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Cai Lậy tiếp tục phát huy; đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nếp sống văn minh gắn với nâng chất các danh hiệu văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, tạo nền tảng vững chắc hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.