Lão nông Nguyễn Văn Tư đam mê cổ vật
Nằm ẩn trong khu vườn cây ăn trái xum xuê là ngôi nhà cổ dân gian của bác Nguyễn Văn Tư (Tư Đá, 85 tuổi), ngụ ấp Xóm Vông, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành.
Vừa bước vào cổng, trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà cổ kính, lợp mái ngói âm dương, nền lót gạch tàu, cột căm xe, vách cây như bao ngôi nhà cổ dân gian khác. Vào bên trong, điều làm chúng tôi hết sức bất ngờ là ngôi nhà được xây cất không giống bất kỳ một ngôi nhà cổ nào mà chúng tôi từng gặp, có thể nói không có trong “từ điển” kiến trúc nhà ở.
Diện tích ngôi nhà khoảng 150 m2. Gian nhà trước để thờ cúng, được chủ nhân trang trí nội thất chằng chịt bằng nhiều mảnh hoa văn bằng gỗ lớn, nhỏ được lắp ghép lại với nhau và các đồ thờ tự: Câu đối, câu liễn, tủ thờ, tranh ảnh, tượng Phật, lư hương… đều là cổ vật.
Một góc nhà sau của bác Nguyễn Văn Tư. |
2 bên và hông nhà sau là một khoảng đất “sân trời” trồng nhiều loại rau, củ. Các gian nhà sau, dưới chân đế hàng cột là những chú voi bằng gốm sứ “cõng” hàng chục cây cột xi măng được ốp bằng các bình hoa cổ đủ loại, nhiều màu sắc, không dùng để ở, mà được xây bệ xi măng lửng để trưng bày hàng trăm cổ vật sành sứ các loại: Bình hoa, chén, đĩa, ấm trà, lu, hũ…, chủ yếu là gốm Lái Thiêu, Biên Hòa, Cây Mai (Sài Gòn) thế kỷ thứ XIX - XX; phía dưới chất đầy cổ vật; phía trên tường treo nhiều tranh, ảnh, câu liễn, câu đối.
Thấy chúng tôi vừa xem, vừa tỏ ra tiếc nuối cho các cổ vật chất ngổn ngang, bác Tư cười và kể một cách chân tình, mộc mạc: “Bác làm điều này không vô lý đâu, mà có nguyên nhân của nó. Từ thuở nhỏ bác đã mê đồ cổ, nhưng chưa thực hiện được do nhà nghèo.
Đến tuổi trưởng thành, được ông bà để lại của hồi môn là mảnh vườn gần 1 ha để canh tác. Khi có của ăn của để, ước mơ của bác mới được thực hiện. Nói nào ngay, do đam mê cổ vật từ nhỏ và do có nhiều “duyên nợ”, nên khi sưu tầm thường “mát tay” mua được cổ vật dễ dàng và ít tốn kém; nhiều khi họ thấy mình ham thích còn mang đến cho.
Trải qua mấy chục năm sưu tầm, đến nay số đồ cổ đã có khoảng gần một ngàn, do không có chỗ để nên phải xếp chúng chồng lên nhau, nhiều khi bị đổ bể tiếc muốn đứt ruột. May thay, cách đây hơn 1 năm (năm 2015), Nhà nước có kế hoạch mở đường, khu đất trước nhà bác nằm trong khu quy hoạch giải tỏa, được bồi thường hơn 1 tỷ đồng.
Mừng quá, bác tự lên bản thiết kế, đến nhiều nơi tìm kiếm những căn nhà xưa để mua lại và đã mua được căn nhà vừa ý ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành về dựng lại, xây thêm phần sau ngôi nhà. Vả lại, nay do tuổi đã cao, con cháu thì đi làm ăn xa, nhà chỉ còn một mình bác, nên việc bảo vệ các cổ vật gặp nhiều khó khăn, bị một số kẻ gian đánh cắp.
Vì lẽ đó, bác đã gắn các cổ vật vào cột, tường nhà cho “chắc ăn”, bảo vệ được lâu dài”. Nghe tới đây, chúng tôi mới vỡ lẽ, hiểu về cách giữ gìn cổ vật - di sản văn hóa của dân tộc một cách độc đáo của lão nông Nguyễn Văn Tư cho thế hệ mai sau.
NGUYỄN MẠNH THẮNG