Thấm thía nỗi đau mất nước qua bài thơ "Chạy giặc" của Nguyễn Đình Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn tiêu biểu nhất cho dòng văn học yêu nước, chống Pháp của nước ta cuối thế kỷ XIX, mà tên tuổi của ông gắn liền với phong trào đấu tranh oanh liệt của nhân dân miền Nam ngay từ những buổi đầu giặc Pháp đặt chân lên đất nước ta. Bài thơ “Chạy giặc” do ông sáng tác vào thời điểm tan chợ quê của một năm giữa thế kỷ XIX trên quê hương Bến Nghé, Đồng Nai đã khắc họa sâu sắc nỗi đau của người dân mất nước.
Mở đầu bài thơ:“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây/Một bàn cờ thế phút sa tay”. “Vừa nghe tiếng súng Tây", nghĩa là trước đó, chợ vẫn họp bình thường, quê hương, làng xóm thanh bình, yên ổn. Nhưng tiếng súng Tây lần đầu tiên người dân nghe này nổ bất ngờ, đột ngột, chát chúa, dữ dội mà kẻ sử dụng nó thì mắt xanh mũi lõ hung dữ, đã phá vỡ cuộc sống thanh bình của làng quê đã có cả trăm năm, bởi trước đó âm thanh dữ dội nhất cũng chỉ là tiếng lẻng xẻng của giáo mác, tiếng cọp gầm rú, tiếng sấm sét của trời đất quen thuộc.
Súng Tây nổ ghê gớm lắm: “Súng giặc đất rền". Nghe tiếng súng thì bọn giặc đã ở ngay bên cạnh. “Vừa nghe” thế mà cả bàn cờ thế đã hỏng “phút sa tay”, thất bại ập đến nhanh quá. Thời gian ngắn ngủi càng tăng thêm tính chất đột ngột, bất ngờ, căng thẳng của tình thế. Tất yếu dẫn đến cảnh tượng lộn xộn “xẻ nghé tan đàn”: “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/Mất ổ đàn chim dáo dát bay".
Do không có người lớn bên cạnh trong thời điểm khủng khiếp, cho nên lũ trẻ hốt hoảng dắt díu nhau chạy lơ xơ. Tác giả đặt chữ “lơ xơ" lên trước chữ “chạy" là rất gợi tả. Một cảnh tượng như hiện ra trước mắt: Những em bé rã rời, hốt hoảng, sắp kiệt sức trước khi chạy. Hình ảnh so sánh đàn chim mất ổ dáo dát với lũ trẻ bỏ nhà chạy lơ xơ thật là đặc sắc. Nhưng cũng phải thấy thêm rằng khi giặc đến, chẳng những con người khốn khổ mà chim muông cũng không được yên ổn.
Xa hơn cảnh tượng hốt hoảng, lộn xộn của lũ trẻ và bầy chim là sự mất mát, thiệt hại của cả một vùng quê rộng lớn: “Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước/Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”. Của cải bị mất mát, nhà cửa bị đốt cháy, con cái lạc cha mẹ, và chắc là sẽ có chết chóc đau thương. Bên cảnh nỗi đau thể xác là nỗi đau tâm hồn của mọi người dân nước Việt bởi từ đây phải chịu cảnh nước mất nhà tan.
Nguyễn Đình Chiểu cũng phải chạy giặc trong cảnh mù lòa nên ông thấu hiểu sâu sắc những cảnh tượng thương tâm đó. Trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, ông bày tỏ nỗi đau của người dân mất nước, cũng là thân nhân của nghĩa sĩ Cần Giuộc: “Đau đớn mấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều/não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, con bóng xế vật vờ trước ngõ”.
Trước cảnh nước mất nhà tan, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã quyết định cùng nhân dân đứng lên kháng chiến chống Pháp cứu quê hương đất nước dù ở thế không cân sức “châu chấu đá voi”. Đáng tiếc là sự nghiệp của ông và các nghĩa sĩ Cần Giuộc không thành.
Bài thơ “Chạy giặc” tuy rất dung dị, mộc mạc nhưng do rơi đúng vào thời điểm, dưới bút pháp tài tình của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa sâu sắc nỗi đau của người dân của một nước độc lập tự do phút chốc thành người dân mất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Pháp và giặc Mỹ có nhiều bài văn, thơ tả cảnh chạy giặc triền miên cũng đầy đau khổ song người dân dù phải chạy giặc cũng đã có niềm tin sâu sắc về một tương lai ngời sáng của dân tộc và những “trang dẹp loạn” mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu bức xúc hỏi trong bài thơ này đó chính là sức mạnh hào hùng của nhân dân, của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã đánh Pháp, đuổi Mỹ đem lại cuộc sống độc lập tự do và thanh bình cho nhân dân.
Gần 80 năm sau ngày bài thơ “Chạy giặc” của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ra đời, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng, nỗi đau mất nước và ý chí đấu tranh bất khuất của cụ Đồ Chiểu và nhân dân ta lúc bấy giờ mới trở thành hiện thực bằng sự kiện lịch sử Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9 tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.
Hôm nay, trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đọc lại bài thơ “Chạy giặc” của Nguyễn Đình Chiểu, trong lòng mỗi người chúng ta thấm thía nỗi đau mất nước của cha ông ta thuở trước để cùng nhau ra sức xây dựng và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã dày công giành được và vun đắp.
NHƯ NGỌC