Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc: Cơ hội gặp gỡ, học hỏi, giao lưu
Ảnh: Nguyên Chương |
Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9 diễn ra tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (số 275, đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Thủ đô Hà Nội) từ ngày 27 đến 29-9. Nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang đại diện những tác giả viết văn trẻ trong tỉnh tham dự hội nghị.
Để bạn đọc có thêm thông tin về ý nghĩa của Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9, Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa cho biết:
Hội nghị đại biểu toàn quốc những người viết văn trẻ toàn quốc được tổ chức 5 năm/lần, là dịp để những người viết văn trẻ gặp gỡ, học hỏi, trao đổi, giao lưu… lẫn nhau trong bầu không khí thoải mái và cởi mở; thể hiện nhiệt huyết, tinh thần của những người viết trẻ. Đây cũng là cơ hội để những cây bút trẻ thể hiện tiếng nói, ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm công dân và nghệ sĩ của mình.
ôi đem đến hội nghị lần này những bài thơ mang bản sắc riêng của vùng sông nước Nam bộ cùng những ý kiến trao đổi về tác động của Internet đối với đời sống văn học cũng như các vấn đề liên quan đến việc phát hiện, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ hiện nay. Tôi nghĩ hội nghị lần này thật sự đem lại không khí ngày hội của những người viết trẻ trong cả nước.
Với 2 buổi hội thảo văn học trẻ chủ đề “Văn trẻ - Nhập cuộc và sáng tạo” và “Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân”, tôi hy vọng sẽ được nghe nhiều ý kiến trao đổi liên quan đến vấn đề tìm tòi, đổi mới nghệ thuật và nỗ lực tự làm mới trong các sáng tác của các cây bút trẻ.
* PV: Hơn 15 năm qua, tỉnh Tiền Giang hầu như chưa xuất hiện tác giả văn học trẻ nào gây được dấu ấn đối với bạn đọc cả nước. Theo anh, nguyên nhân do đâu?
* Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: Từ năm 1998, Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang đã thành lập Câu lạc bộ Sáng tác trẻ với mục đích tập hợp, phát hiện và bồi dưỡng lực lượng trẻ; đồng thời tạo ra một sân chơi lành mạnh giúp các cây bút trẻ phát huy năng khiếu, sáng tạo tác phẩm văn học có giá trị và đã có hàng loạt cây bút trẻ đầy triển vọng bắt đầu định hình, bổ sung vào đội ngũ sáng tác văn học của tỉnh. Tôi cho rằng, so với nhiều nơi khác thì Tiền Giang là địa phương dành nhiều sự ưu ái đối với lực lượng sáng tác trẻ.
Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu những cây bút trẻ có đam mê và nhiệt huyết, dám sống hết mình để theo đuổi con đường văn chương. Điều dễ nhận thấy là việc kiếm sống bằng văn chương ngày càng khó. Thử thách về “cơm - áo - gạo tiền” đã khiến không ít cây bút trẻ phải rẽ sang một hướng khác, hoặc chỉ xem văn chương như là cuộc dạo chơi ngắn ngủi. Phải chăng chính vì thiếu sự quyết liệt trong sáng tác nên các cây bút trẻ của Tiền Giang vẫn chưa bộc lộ hết khả năng sáng tạo của mình?
* PV: Những năm gần đây, nhiều cây bút trẻ chọn mạng Internet làm “đất dụng võ”. Anh suy nghĩ sao về xu hướng này?
* Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, đây là một xu hướng tất yếu, vì Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Nhiều bạn bè của tôi hiện sáng tác ngay trên smartphone (điện thoại thông minh) và sau đó lập tức đưa lên mạng để chia sẻ cùng mọi người. Theo quan sát của tôi, nhiều bạn trẻ cũng đã quen với việc đọc các tác phẩm của bạn bè trên các mạng xã hội và chia sẻ những cảm nhận của mình với tác giả.
Khi độc giả dần thờ ơ với văn chương in ấn theo cách truyền thống thì văn chương đăng tải trên mạng bắt đầu được quan tâm, chú ý, nhiều tác phẩm đã tạo được tiếng vang và cũng đã có nhiều cây bút bước ra từ thế giới ảo, đang dần khẳng định vị trí quan trọng của mình trong đời sống văn học hiện nay.
Tuy nhiên, do ai cũng có thể tự do đưa tác phẩm của mình lên mạng, nếu không có sự định hướng đúng đắn thì rất dễ dẫn đến sự “lệch chuẩn” về những giá trị văn chương. Đó là chưa kể phần lớn những tác phẩm này không có sự chọn lọc, nếu được phổ biến rộng rãi thì rất dễ dẫn đến tình trạng nghiệp dư hóa trong sáng tác.
* PV: Ngoài công việc sáng tác, anh đang đảm nhận công việc lãnh đạo, quản lý các hoạt động văn học - nghệ thuật trong tỉnh. Theo anh, để giúp các tác giả văn học trẻ khẳng định tài năng, cần phải làm gì?
* Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, vườn ươm lực lượng sáng tác trẻ chính từ các trường học, các CLB Văn học và những cuộc thi văn học. Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương và nhà trường cần tạo điều kiện về kinh phí;
Đồng thời phải thường xuyên theo dõi, uốn nắn và phát hiện, bồi dưỡng những cây bút trẻ có triển vọng làm hạt nhân cho phong trào. Tôi nghĩ, nếu có được một “sân chơi” phù hợp, các cây bút trẻ sẽ dễ dàng bộc lộ mình hơn. Và dĩ nhiên khi có phong trào sôi nổi thì chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra những hạt ngọc văn chương lấp lánh.
* PV: Xin cảm ơn anh!
V.T.C (thực hiện)